Đọc diễn cảm là một khâu quan trọng để thầy và trò cùng chuẩn bị đi vào tìm hiểu nội dung tác phẩm. Đọc diễn cảm tốt, hấp dẫn thì sẽ tạo cảm hứng cho giờ học và sự thích thú tìm hiểu ngôn từ.
Từng câu chữ, hình ảnh được làm sống lại, rời khỏi trang giấy và bật lên sắc màu lung linh, rung động lòng người…
Mạch cảm xúc của người giáo viên bắt đầu từ khâu đọc diễn cảm ở đầu tiết dạy (Ảnh minh họa: Báo Bình Định). |
Bấy lâu nay chúng ta hết chạy từ phương pháp này đến phương pháp khác nên việc đọc diễn cảm (vốn bắt buộc phải có) bị bỏ rơi, bị “lãng quên” một cách đáng tiếc.
Giờ học Văn sẽ bị xé nhỏ bởi hàng loạt câu hỏi mà các em phải trả lời nên không còn “mạch cảm xúc” của tiết dạy.
Xem một trận bóng đá, khi đối phương đang chơi “thăng hoa” để làm đứt đoạn mạch hưng phấn, cầu thủ bên còn lại liên tục nằm sân, chờ bác sĩ vào chăm sóc. Trận đấu bỗng nhiên “mất hứng”, đường chuyền không còn liền lạc, bay bổng nữa.
Cũng như trong giờ dạy Văn, mạch cảm xúc bắt đầu từ khâu đọc diễn cảm ở đầu tiết dạy. Lúc ấy, giáo viên còn tràn đầy hưng phấn, trò đang còn háo hức đón chờ…
“Sao anh không về chơi thôn Vỹ/ Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên/ Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền”…
Cứ thế, cả lớp thả hồn cùng giáo viên đi về nơi sông Hương núi Ngự, thả hồn về với bến sông Trăng, “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?”…
Đọc diễn cảm từ con tim mình, theo tôi đã thành công 50% bài dạy. Nhưng đọc như thế nào? Bài (đoạn trích) dài quá thì xử lý ra sao? Đọc diễn cảm thơ và văn xuôi thế nào cho hợp lý?
Muốn đọc diễn cảm tốt, trước hết phải có năng khiếu, lòng say mê với bộ môn. Mỗi lần đọc là một lần “tâm trạng”, là một lần đồng cảm, đồng sáng tạo với tác giả.
Thầy Văn Khoa và cách dạy tác phẩm Chí Phèo độc nhất vô nhị |
Những con chữ nằm im trên trang sách được “đánh thức”, được phả hồn vào nên nó cũng buồn vui theo giọng đọc diễn cảm của giáo viên.
Nhiều khi một khoảng lặng cũng làm cho lòng người nghe, lòng các em chùng xuống, bâng khuâng với tâm tình của tác giả Xuân Quỳnh:
“Anh có nghe hoa rơi/ Quanh chỗ mình đứng đó?/ Hoa ơi, sao chẳng nói/ Anh ơi, sao lặng thinh?/ Đốt lòng em câu hỏi/ Yêu em nhiều không anh?”.
Điều đó, giáo viên phải biết được những mạch cảm xúc của bài thơ để có sự luyến láy, giọng lên xuống nhịp nhàng và biết dừng đúng lúc đúng chỗ …
Nếu bài dài, đối với thơ thì chúng ta đọc diễn cảm một số khổ, một vài đoạn tâm đắc nhất vì thời gian của cảm xúc thăng hoa thường ngắn, không thể kéo dài được.
Đối với văn xuôi, chúng ta chỉ cần đọc những đoạn chính, những mảng đối thoại để khắc họa rõ hơn, sâu hơn tính cách nhân vật…
Đọc diễn cảm chính là một loại hình lao động nghệ thuật đầy vất vả, cực nhọc nhưng cũng đầy niềm vui. Nhiều nghệ sĩ đọc truyện, đọc thơ đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” là sự ghi nhận của loại hình lao động trí óc này.
Người thầy dạy Văn cũng phấn đấu làm sao trở thành người thầy - người nghệ sĩ trên bục giảng.
Các thầy cô hãy đọc diễn cảm bằng trái tim, giọng đọc xuất phát từ tâm hồn nhạy cảm, từ sự chia sẻ, cảm thông sâu xa thì mới chinh phục được học sinh…
Đọc thật hay, thật cảm xúc, thật hấp dẫn rất khó nhưng chúng ta có thể làm được một khi có lòng yêu nghề, yêu bộ môn Văn mà mình theo đuổi…