Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, quy định 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương đề cập đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên. Trong đó, nêu ra rất nhiều điểm cụ thể, cán bộ, Đảng viên, cấp ủy Đảng có thể soi chiếu và thực hiện được ngay.
Ông Ngô Văn Sửu: "Ông Tất Thành Cang bị xử lý kỷ luật nhưng lại biến tướng sang ngồi ở một vị trí khác là xử lý cán bộ không nghiêm". Ảnh: Nhật Minh |
“Vì thế, khi đọc thông tin báo chí trích dẫn ý kiến người dân tại buổi tiếp xúc của tri của Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cử tri quận 9 nói ông Tất Thành Cang có nhiều vi phạm nghiêm trọng, cần cho thôi chức đại biểu Hội đồng nhân dân, tôi rất đồng tình với đề nghị này.
Ông Tất Thành Cang đã bị Trung ương kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng liên quan đến Thủ Thiêm. Vì thế, việc ông Cang vẫn ngồi ghế đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố là khó chấp nhận”.
Ông Sửu nhấn mạnh, công tác cán bộ của Đảng là một nhiệm vụ rất lớn, có vị trí rất quan trọng trong xây dựng Đảng.
Nếu ở đâu đó cán bộ yếu kém thì có tác động rất xấu đến phong trào, đến hoạt động của tổ chức bộ máy Nhà nước. Nếu trong công tác cán bộ có khiếm khuyết hay sai lầm sẽ có ảnh hưởng đến công việc, uy tín của Đảng.
Tất cả những điều đó đã được Đảng xác định, chỉ rõ từ lâu chứ không phải đến bây giờ mới nói. Nhưng thời gian qua, đã cụ thể hóa rất nhiều thành các quy định để có thể thực thi hiệu quả.
Đơn cử như tiêu chuẩn cán bộ luôn được Đảng nhấn mạnh là vừa hồng vừa chuyên, có tài và đức. Và quy định nêu gương cũng là một tiêu chuẩn về đức được cụ thể hóa bằng quy định. Đảng viên, cán bộ không còn uy tín thì xin từ chức.
Là lãnh đạo, cán bộ phải có đạo đức nhất định, có chuyên môn trong lĩnh vực công tác. Đó là 2 tiêu chuẩn cơ bản, là gốc của tiêu chuẩn cán bộ, thời nào cũng cần. Cán bộ mà không có đức thì tài cũng không phát huy được.
Quay trở lại câu chuyện về vi phạm Thủ Thiêm và ông Tất Thành Cang, vị nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh lại, vụ vi phạm hết sức nghiêm trọng.
Ông Tất Thành Cang và thương vụ cho bán cổ phần tại Sadeco |
Và đến nay, các cán bộ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn vi phạm Thủ Thiêm xảy ra mức độ liên quan đến đâu, xử lý kỷ luật đã rốt ráo chưa vẫn là điều dư luận băn khoăn.
“Ông Tất Thành Cang được chỉ ra sai phạm từ thời còn làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, đến khi làm Phó Chủ tịch Thành phố, Phó Bí thư Thành ủy rồi vào Trung ương.
Qua thông tin báo chí phản ánh thì rõ ràng, người dân chưa yên về việc xử lý. Người dân còn ý kiến về việc đền bù, các quyền lợi liên quan đến việc thực hiện dự án, đặc biệt là các vị liên quan đến vi phạm Thủ Thiêm chưa bị xử nghiêm.
Như trường hợp ông Tất Thành Cang bị xử lý kỷ luật nhưng lại biến tướng sang ngồi ở một vị trí khác. Đến nỗi, cử tri đề nghị cho thôi đại biểu Hội đồng nhân dân thì rõ ràng chúng ta phải xem lại việc xử lý, sử dụng cán bộ ”, ông Sửu nhận định.
Ông cho rằng: “Sai phạm tại Thủ Thiêm được kết luận cho thấy nó kéo dài cả một quá trình và có sự dối trá.
Nếu các cán bộ lãnh đạo liên quan không bị xử lý nghiêm thì sẽ không thể làm gương cho các nơi khác.
Rõ ràng, việc một người không còn đủ uy tín như ông Tất Thành Cang nếu không tự thôi đại biểu Hội đồng nhân dân thì cấp ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố phải cho thôi thay vì để người dân nêu ý kiến.
Cá nhân tôi thấy dư luận, người dân ý kiến nhiều như vậy mà ông Cang không tự thôi thì ý thức tự phê quá kém.
Đáng lý ra, bản thân ông Cang thấy uy tín như vậy là giảm sút thì nên chủ động nghỉ. Tổ chức có cố tình bố trí công việc, vị trí thì ông cũng nên chủ động rút”.