Phiên tòa vào ngày 30/9 tại Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) về vụ kiện giữa Công ty cổ phần tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên quan đến bài viết “Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỷ đồng” vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi.
Tại phiên tòa đại diện được ủy quyền của Tập đoàn FLC tại Tòa là ông Đặng Nhật Minh đã nói: “Thưa hội đồng xét xử, chúng tôi xác định là không có nợ Công ty Hòa Bình”.
Sau đó, Tòa hỏi đại diện Tập đoàn FLC là tại sao có công văn xác nhận nợ 213 tỷ đồng?
Đại diện FLC cho biết, xác nhận công nợ các bên cung cấp cho tòa được thực hiện theo quy định của kiểm toán, kế toán lập trích một khoản có thể phải trả cho Công ty Hòa Bình để thực hiện việc đó.
Trong khi, đại diện Tập đoàn Hòa Bình - ông Phạm Văn Anh xác nhận tại Tòa là: Từ năm 2015 đến 2018, Công ty Hòa Bình rất nhiều lần yêu cầu Tập đoàn FLC trả nợ, nhưng không được thanh toán.
Ông Phạm Văn Anh nhấn mạnh: Liên quan đến khoản nợ Công ty Hòa Bình phản ánh đến báo chí có nội dung mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng là 2 khoản nợ phát sinh từ hợp đồng số 18 và 57.
Báo đã đăng chính xác và đúng sự thật.
Luật sư Bùi Đình Ứng (ảnh nguồn Đài truyền hình Hà Nội). |
Để có đánh giá khách quan về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với luật sư Bùi Đình Ứng, Trưởng Văn phòng tại Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư Hà Nội.
Theo Luật sư Bùi Đình Ứng, những con số ghi nợ trên báo cáo tài chính và Thư xác nhận số dư công nợ phải trả do chính Tập đoàn FLC gửi tới Tập đoàn Hòa Bình đề nghị xác nhận khẳng định rằng các tài liệu, chứng cứ đó là nợ.
Ông Bùi Đình Ứng cho rằng, không nên đánh tráo khái niệm. Chây ì nợ có nghĩa là có nợ nhưng không chịu trả. Chưa chốt được nợ có nghĩa là có nợ nhưng hai bên chưa chốt.
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, muốn gỡ bỏ một bài báo thì phải xác định thông tin đăng tải là đúng hay sai.
“Việc đưa tin của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tôi cho rằng báo hoàn toàn được phép vì Luật Báo chí cho phép. Nội dung thông tin 213 tỉ này là báo đăng trên cơ sở tài liệu từ phía tập đoàn Hòa Bình cung cấp. Các tài liệu đó là đúng nên báo được phép đăng”, Luật sư Ứng khẳng định.
Tại phiên tòa, Tập đoàn Hòa Bình khẳng định đã cung cấp tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam các tài liệu chứng minh Tập đoàn FLC nợ Tập đoàn Hoà Bình và báo đăng chính xác thông tin phản ánh. Các tài liệu này cũng đã được nộp đầy đủ đến toà án trước phiên xét xử.
Ngoài ra tài liệu báo thu thập được đó là báo cáo tài chính của FLC đã thừa nhận nội dung này.
Do đó, việc yêu cầu gỡ bài báo, xin lỗi chỉ khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bịa ra thông tin, tài liệu của Tập đoàn Hòa Bình. Trong khi tài liệu lại đúng và đủ nên Báo đưa tin là chính xác.
Luật sư Bùi Đình Ứng còn khẳng định: “Tòa đáng ra phải xét báo đưa tin có tài liệu nguồn gốc hay không? Có cơ sở hay không, hay báo chí bịa đặt ra?
Báo dựa trên tài liệu Tập đoàn Hòa Bình cung cấp, đưa tin dựa trên tài liệu có thật, chuẩn chứ không phải báo bịa ra. Do đó, Báo không có lỗi”.
Báo cáo tài chính 2017 do Tập đoàn FLC công bố xác nhận khoản nợ phải trả cho Tập đoàn Hòa Bình là 213 tỷ đồng. |
Báo cáo này được xác lập và công bố công khai |
Thư xác nhận công nợ trong đó ghi rõ số tiền mà Tập đoàn FLC nợ Tập đoàn Hòa Bình 213 tỷ đồng. |
Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đưa tin, bình luận về những căn cứ pháp lý và các tài liệu đã công khai và là căn cứ để viết bài: “Doanh nghiệp tố FLC chây ỳ, nợ hàng trăm tỉ đồng” -Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân khẳng định: “Những gì báo đăng không có gì là sai".
Luật sư Trần Đình Triển cho rằng: "Bởi các căn cứ trong bài viết rất vững chắc đó là: Hợp đồng đã kết thúc, đã xác nhận nợ giữa hai bên, FLC đã công nhận trong báo cáo tài chính.
Đồng thời, Tập đoàn Hòa Bình đã trên chục lần gửi công văn đòi nợ tập đoàn FLC; … đó là minh chứng cho việc chây ì không trả nợ”.
Thậm chí, theo phân tích của luật sư Trần Đình Triển: “Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có quy định: trách nhiệm của pháp nhân thì tùy theo tính chất mức độ tranh chấp hoặc vi phạm để giải quyết khởi kiện ra tòa án, hoặc tố cáo đến cơ quan điều tra để giải quyết.
Do đó, phiên tòa ngày 30/9 vừa qua tại Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy phán quyết buộc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam gỡ bỏ bài viết, xin lỗi công khai và đền bù là hoàn toàn vô căn cứ”.