Liên quan đến vụ kiện giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 30/9/2019, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy đã đưa ra xét xử, nhưng lại đánh giá không đúng về các chứng cứ dẫn tới sự sai lệch trong bản án.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lưu Đức Quang - Giảng viên Khoa Luật Trường Đại học Kinh tế - luật thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất nhiều vấn đề bất thường trong phiên xét xử này, trong đó có cả những vấn đề đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013.
- Ngày 30/9 TAND quận Cầu Giấy đã đưa ra xét xử vụ kiện và tuyên chấp nhận yêu cầu của FLC cho rằng báo đăng sai sự thật. Ông thấy có gì bất thường?
Thạc sĩ Lưu Đức Quang: Căn cứ vào tiêu đề và nội dung của bài báo “Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỷ đồng”, chúng ta cần phải làm rõ ba vấn đề sau thì mới có thể khẳng định bài báo đăng sai sự thật hay không.
Một là, có hay không việc doanh nghiệp (Công ty Hòa Bình – gọi tắt là Hòa Bình) gửi Đơn kêu cứu liên quan đến Công ty FLC (gọi tắt là FLC) đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (gọi tắt là Báo). Câu trả lời là có! Căn cứ vào lời khai của đại diện theo ủy quyền của Hòa Bình trước Tòa án kèm theo đơn kêu cứu.
Hai là, có hay không khoản nợ hàng trăm tỷ đồng của FLC đối với Hòa Bình. Câu trả lời là có! Căn cứ vào Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất của FLC các năm 2016 và 2017; Công văn xác nhận công nợ của FLC đối với Hòa Bình được phát hành ngày 08/02/2018.
Ba là, có hay không việc FLC chây ì (nghĩa là cố tình ì ra, nhất định không chịu thay đổi, bất kể thế nào) về khoản nợ đối với Hòa Bình? Câu trả lời là có! Căn cứ vào nhiều công văn của Hòa Bình yêu cầu FLC thanh toán từ năm 2016 đến nay.
Khoản nợ của FLC là có thật và đã được xác nhận một cách minh thị nhiều lần.
Thạc sĩ Lưu Đức Quang chỉ ra hàng loạt vấn đề bất thường khi xét xử dẫn tới sự sai lệch của bản án, trong khi trên thực tế được xác lập là Tập đoàn FLC có nợ Tập đoàn Hòa Bình trong nhiều năm nhưng tìm các lý do để không trả. ảnh: Nguyễn Nguyễn. |
- Tại phiên xét xử Toà án đã không đánh giá đúng mức các chứng cứ mà Báo cũng như Tập đoàn Hoà Bình đã giao nộp, trong đó có căn cứ rất quan trọng là FLC đã xác nhận nợ Hoà Bình 213 tỷ, Thư xác nhận nợ FLC gửi tới Hoà Bình ngày 8/2/2018 cũng nói rõ công nợ 213 tỷ đồng. Điều đó dẫn tới sự nghi ngại hội đồng xét xử không công tâm khi xét xử. Quan điểm của ông thế nào?
Thạc sĩ Lưu Đức Quang: Theo chúng tôi, trước tiên, cần khẳng định rằng các tài liệu nêu trên sẽ trở thành chứng cứ nếu được Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá và kết luận về tính xác thực của chúng. Tuy nhiên, điều khó hiểu là trong phần nhận định bản án, Hội đồng xét xử không hề đoái hoài đến nguồn tài liệu này.
Việc Hội đồng xét xử chỉ dựa vào biên bản nghiệm thu công trình để đưa ra kết luận về việc hai bên chưa thống nhất được số tiền phải thanh toán là hết sức phiến diện, mang tính mập mờ và thể hiện sự quy kết.
Một khi chứng cứ do một trong các bên đương sự cung cấp bị bỏ qua, công chúng có quyền hoài nghi về tính độc lập của Hội đồng xét xử cũng như tính thuyết phục của bản án đối với vụ án này.
Hiến pháp 2013 quy định rõ quyền tự do báo chí của công dân nhưng Toà lại nhận định việc Hoà Bình cung cấp thông tin trong đơn kêu cứu tới báo là không đúng. Ông có phân tích gì về tình tiết này?
Thạc sĩ Lưu Đức Quang: Từ góc độ Hiến pháp, việc Hòa Bình cung cấp thông tin trong đơn kêu cứu tới báo chí không chỉ thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí (điều 25 Hiến pháp năm 2013) mà còn thể hiện quyền tố cáo về những việc làm trái pháp luật của tổ chức hoặc cá nhân (điều 30 Hiến pháp năm 2013). Đây là những quyền dân sự và chính trị thiết thân của mỗi cá nhân, pháp nhân.
Liêm chính tư pháp nhìn từ vụ xét xử của Tòa án Cầu Giấy, Hà Nội (1) |
Như vậy, hành xử của Hòa Bình không chỉ liên quan đến quan hệ hợp đồng với FLC mà còn liên quan đến trật tự pháp luật nói chung trong xã hội.
Trong vụ án này, Hội đồng xét xử cho rằng việc Hòa Bình gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan báo chí là không đúng vì hai bên đã thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức Trọng tài thương mại hoặc Tòa án.
Việc thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp thể hiện quyền tự do hợp đồng của các bên.
Tuy nhiên, thỏa thuận này không đương nhiên tước bỏ hay hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền khiếu nại, tố cáo…; trừ trường hợp các bên từ bỏ các quyền hiến định của mình một cách minh thị bằng một điều khoản hợp đồng. Bởi mọi cam kết, thỏa thuận có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng khi chúng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội (trích khoản 2 điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Hơn nữa, Luật Báo chí và Luật Tố cáo hiện hành cũng không đặt ra hạn chế đối với việc thực hiện những quyền tương ứng trong trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng như trên. Tiêu chí hạn chế quyền đã được hiến định tại khoản 2 điều 14 Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Quy định này còn được thể chế hóa tại khoản 2 điều 2 Bộ Luật Dân sự năm 2015 như sau: “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Tóm lại, quyền tự do hợp đồng trong trường hợp này không hề phủ nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí hay quyền khiếu nại, tố cáo… của các đương sự.
Báo cáo tài chính năm 2017 của Tập đoàn FLC thể hiện số nợ phải trả cho Tập đoàn Hòa Bình là 13 tỷ đồng. |
Thư xác nhận công nợ do chính Tập đoàn FLC gửi tới đề nghị Tập đoàn Hòa Bình cũng ghi rõ 213 tỷ đồng. Đáng tiếc là những chứng cứ quan trọng này đã không được Hội đồng xét xử tập trung làm rõ. |
Toà dựa vào việc xử phạt tôn chỉ mục đích và lái vấn đề vào việc hai bên (Tập đoàn FLC và Tập đoàn Hoà Bình) vẫn đang còn chưa thống nhất số tiền, để dẫn tới kết quả bản án sai lệch. Ông có thấy vấn đề gì bất thường trong cách lập luận của Hội đồng xét xử?
Thạc sĩ Lưu Đức Quang: Chúng tôi thấy rằng: Hội đồng xét xử còn thiếu sót khi vận dụng các căn cứ pháp lý cho phán quyết của mình. Điển hình là họ đã bỏ qua quy định tại khoản 2 điều 4 Luật Báo chí năm 2016 như sau: “Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân;
b) Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội,nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
c) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân;
d) Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội...”.
Có thể thấy rằng, tôn chỉ cao nhất của báo chí là nói lên sự thật nhằm đẩy lùi cái xấu, lan tỏa điều tốt đẹp trong xã hội. Giấy phép hoạt động báo chí có giá trị như một “giấy phép con”; do vậy, nó không thể được dùng làm căn cứ cao nhất và duy nhất để các nhà chức trách đưa ra phán quyết về hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí nào đó.
Tinh thần pháp quyền cần được vận dụng chính là phải đề cao căn cứ hiến định và luật định. Nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ trong cuộc chiến chống nạn “giấy phép con” trong hoạt động đầu tư, kinh doanh những năm qua đã truyền cảm hứng cho nhiều lĩnh vực khác trong xã hội, mà báo chí cũng không nên và không thể là ngoại lệ.
Nếu “giấy phép con” tiếp tục bị lạm dụng trong quản lý báo chí thì có lẽ phần đông cơ quan báo chí sẽ bị trói tay trước nhiệm vụ vô cùng nặng nề là thông tin trung thực về tình hình đất nước, đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật… cũng như thu hẹp đáng kể phạm vi diễn đàn của các giới trong xã hội.
Hơn nữa, trong một xã hội mở ngày nay, mọi lĩnh vực của cuộc sống gần như kết nối một cách tự nhiên và ngày càng chặt chẽ với nhau, khó mà tách biệt rạch ròi. Tình huống tranh chấp hợp đồng giữa Hòa Bình với FLC trên đây hoàn toàn có thể được khai thác trong chương trình môn học pháp luật dân sự ở các trường luật nói riêng, trong chương trình môn học pháp luật đại cương ở các trường đại học nói chung để minh họa cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng.
Với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, Tòa án không chỉ bảo vệ trật tự pháp luật mà còn bảo vệ công lý (lẽ phải, lẽ công bằng trong cuộc sống) như được hiến định tại điều 102 Hiến pháp nước ta.
Công lý không thể được thực thi nếu những doanh nghiệp làm ăn chân chính phải ngửa tay xin xỏ hay mỏi mắt chờ đợi việc thực hiện những nghĩa vụ hiển nhiên của đối tác như chờ đợi một sự ban ơn.
Phán quyết này sẽ góp phần tạo ra một tiền lệ xấu trong việc phủ nhận nghĩa vụ thực thi hợp đồng một cách trung thực, thiện chí cũng như đặt ra những hạn chế một cách tùy tiện, thiếu minh bạch, khó tiên liệu đối với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền khiếu nại, tố cáo...