Quan điểm của Bộ Giáo dục về việc học sinh lớp 7 bị hiệu trưởng ép chuyển lớp

14/10/2019 10:46
Thùy Linh
(GDVN) - Phụ huynh phản ánh tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, học sinh H. -Trường Trung học cơ sở Ngư Lộc bị hiệu trưởng “ép” chuyển lớp, khiến cháu không dám tới lớp.

Phản ánh tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một phụ huynh có con học lớp 7, Trường Trung học cơ sở Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho rằng con mình bị thầy hiệu trưởng “ép” phải chuyển lớp, khiến cháu xấu hổ, không dám đến lớp học.

Lí do học sinh bị chuyển lớp là do phụ huynh học sinh này đề nghị thay giáo viên vì cho rằng thầy giáo có những lời lẽ xúc phạm đến học sinh. Trước đó, giáo viên này bị phản ánh là đã “ép” học sinh học thêm ở nhà trái quy định.

Phụ huynh phản ánh tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, học sinh H. - lớp 7, Trường Trung học cơ sở Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) bị thầy hiệu trưởng “ép” phải chuyển lớp, khiến cháu xấu hổ, không dám đến lớp học.(Ảnh minh họa trên Giaoducthoidai)
Phụ huynh phản ánh tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, học sinh H. - lớp 7, Trường Trung học cơ sở Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) bị thầy hiệu trưởng “ép” phải chuyển lớp, khiến cháu xấu hổ, không dám đến lớp học.(Ảnh minh họa trên Giaoducthoidai)

Sau khi nhận được thông tin, ngày 13/10, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Phòng Giáo dục và Đào tạo Hậu Lộc chỉ đạo hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngư Lộc báo cáo; kiểm tra, xác minh sự việc và báo cáo về Bộ trước ngày 16/10/2019.

Cần quy rõ trách nhiệm, sai phạm của giáo viên có hành vi xúc phạm học sinh và trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường khi giải quyết sự việc (nếu có). Cần làm rõ trách nhiệm của Ban đại diện Cha mẹ học sinh trong việc bảo vệ học sinh, khi nhà trường ép học sinh phải chuyển lớp.

Cô giáo “không nói gì” ở trong lớp đã từng bị kỷ luật cảnh cáo

Trước mắt, nhà trường cần cho học sinh quay lại lớp cũ và gặp gỡ gia đình học sinh này để trao đổi, tạo sự đồng thuận, lắng nghe và xử lý thỏa đáng. Khi xử lí sự việc, cần đảm bảo tối đa quyền lợi của học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Hậu Lộc kiểm tra nhà trường đã xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trường học chưa, thực hiện như thế nào?

Cần làm rõ việc nhà trường thực hiện Quy chế dân chủ như thế nào?

Tổ chức hoạt động đối thoại, tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng của học sinh với hiệu trưởng được thực hiện ra sao?

Đồng thời, nhà trường cần làm tốt công tác tư tưởng đối với học sinh trong lớp và toàn thể học sinh nhà trường, không để ảnh hưởng các hoạt động giáo dục.

Thùy Linh