Tốt nghiệp trường Sư phạm, cô giáo Lê Thị Bích Hạnh xin về công tác tại thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh).
Sau nhiều năm gắn bó với nghề, cô Hạnh thấy thương và luôn dành nhiều tình cảm cho học sinh vùng cao phải chịu nhiều thiếu thốn hơn trẻ em nơi khác.
Chính vì vậy, năm 2015, theo tiếng gọi của học sinh vùng cao, cô giáo Lê Thị Bích Hạnh đã tình nguyện lên công tác tại Trường mầm non Đại Dực (xã Đại Dực - một xã vùng cao của huyện Tiên Yên, Quảng Ninh).
Để có thể tiếp cận, vận động học sinh ra lớp, cô giáo Hạnh đã tranh thủ học tiếng dân tộc ít người, thường xuyên đến nhà các em học sinh thăm hỏi, trò chuyện.
Từ sự gần gũi, thân thiện này, cô giáo được bà con dân bản yêu mến, tích cực hơn đưa con em mình đến trường.
Cô giáo Lê Thị Bích Hạnh luôn dành nhiều tình cảm cho các em học sinh khuyết tật (Ảnh: CTV) |
Cô giáo Hạnh còn cùng Nhóm thiện nguyện Tiên Yên, do cô làm trưởng nhóm, có nhiều hoạt động ý nghĩa, giúp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.
Ở thị trấn Tiên Yên, Nhóm thiện nguyện Tiên Yên vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp tiền để mua gạo, thịt, một cửa hàng cháo ăn sáng.
Hằng ngày, các thành viên trong Nhóm đều dậy rất sớm, tranh thủ đi phát cháo cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện, rồi cô Hạnh mới đến trường dạy học.
Ở xã Đại Dực nơi cô giáo Hạnh công tác có học sinh khuyết tật Nình Thị Mai thuộc diện hộ nghèo.
Cô Hạnh đã kêu gọi các tấm lòng thiện nguyện ủng hộ bé Mai 13 triệu đồng để mua sắm quần áo, uống sữa hằng tháng.
Dịp Tết Trung thu năm 2016, cô giáo Hạnh cùng Nhóm Thiện nguyện vận động được 110 suất quà (trị giá 100.000 đồng/suất) tặng các em học sinh mầm non và tiểu học ở thôn Khe Ngàn, là thôn khó khăn của xã Đại Dực.
Ước mơ giản dị của cô giáo mầm non mắc bệnh ung thư quái ác |
Cũng ở thôn Khe Ngàn có vợ chồng ông Lỷ A Sáng, 97 tuổi, sống trong ngôi nhà cũ nát.
Cô giáo Hạnh đã cùng Nhóm Thiện nguyện vận động một số tổ chức, cá nhân đóng góp tiền xây mới nhà ở cho ông bà Sáng;
Các thành viên của Nhóm đóng góp nhiều ngày công trông coi, vận chuyển vật liệu xây dựng thi công nhà...
Với tấm lòng yêu trẻ thiết tha, cô giáo Hạnh nắm và đều biết khai thác ưu điểm của từng học sinh để có cách dạy học hiệu quả nhất.
Năm học 2016-2017, lớp mầm non do cô giáo Hạnh làm chủ nhiệm đã được nhà trường chọn làm lớp điểm để nhân rộng cách làm trong toàn trường về thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” cho mọi hoạt động.
Đầu năm 2019, cô giáo Hạnh chuyển về Trường Mầm non Hoa Hồng (thị trấn Tiên Yên), được giao trách nhiệm cùng 4 cô giáo khác chuyên chăm lo cho học sinh khuyết tật.
Mỗi buổi chiều, nhà trường dành 1 tiếng đồng hồ để các cô chăm sóc riêng học sinh khuyết tật.
Theo cô giáo Hạnh, mỗi em có cá tính riêng, nên ngoài các kiến thức đã học được ở trường, qua các chương trình tập huấn, cô còn tham khảo thêm để có hướng dạy hiệu quả.
Chị Vi Thị Liên (phố Lý Thường Kiệt, thị trấn Tiên Yên) có con là học sinh khuyết tật, 2 tuổi vẫn chưa biết nói, nhưng qua 1 năm dưới sự dạy dỗ của cô giáo Hạnh, đã nói được nhiều câu.
Chị Liên chia sẻ: “Gia đình tôi rất vui vì cháu đã dần biết nói. Tuy còn phải kiên trì cố gắng nhiều, nhưng niềm tin về tương lai của con là có cơ sở”.
Từ năm 2007 đến nay, cô giáo Lê Thị Bích Hạnh đều đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện; năm học 2015-2016 đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh;
Năm 2016, cô Hạnh vinh dự được nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về thành tích là giáo viên xuất sắc trong công tác dạy và học.