Chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là xu thế tất yếu để giáo dục Việt Nam hội nhập. Thế nhưng quá trình thẩm định sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được không ít phản hồi trái chiều của dư luận.
Hội đồng thẩm định dựa trên Thông tư 33 năm 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để quyết định bộ sách nào chưa đạt, đạt nhưng phải sửa chữa, đạt.
Cụ thể phải dựa trên dựa trên 4 tiêu chuẩn với 13 tiêu chí được quy định ở Thông tư 33 năm 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Tác giả của các bộ sách bị loại lên tiếng, gửi thư tới lãnh đạo nhà nước cầu cứu; các nhà giáo, nhà khoa học đề xuất thẩm định lại hội đồng thẩm định; thẩm định lại chương trình trước khi thẩm định sách giáo khoa v.v...; gây không ít nghi ngờ về tiêu chí chọn sách.
Hãy để cho thị trường sàng lọc và quyết định lựa chọn sách giáo khoa. (Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn) |
Vậy tiêu chí quan trọng nhất của sách giáo khoa mới là gì?
Với chương trình cũ trước đây, sách giáo khoa được coi là “pháp lệnh”, chính vì quan niệm như thế nên sách giáo khoa trở thành vòng “kim cô” với người dạy và người học.
Người dạy không dám sáng tạo, sáng tạo sợ vi phạm “quy chế”, cứ thế sách giáo khoa trở thành “cái áo chật chội”, thắt chặt, làm giáo dục không phát triển được. Vì thế, đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình là điều bắt buộc.
Chương trình mới, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh nữa; quan trọng nhất đó là nội dung chương trình.
Như vậy tiêu chí quan trọng nhất của sách giáo khoa là: Đã thực hiện theo nội dung chương trình chưa? Đó là tiêu chí mà các nhà thẩm định phải đánh giá đúng; thực hiện đúng chương trình là sách giáo khoa đã đạt yêu cầu.
Mọi tiêu chí khác chỉ là kĩ thuật, phương pháp. Kĩ thuật, phương pháp không cố định, không giáo viên nào giống giáo viên nào tuyệt đối; thành phố khác nông thôn; nơi này khác nơi khác; điều khác biệt đó dành cho giáo viên sáng tạo, nhận xét, so sánh.
Cần phải có nhiều hơn một bộ sách giáo khoa để học sinh lựa chọn |
Không ai có thể đánh giá bộ sách tốt hay không tốt bằng chính người trực tiếp đứng lớp.
Có thể bộ sách hội đồng thẩm định khen hay nhưng không phù hợp cuộc sống và ngược lại. Có thể bộ sách tác giả khen hay nhưng sau một thời gian nó biến mất trên thị trường.
Bộ sách tốt sẽ được nhiều giáo viên chọn, cơ sở chọn, địa phương chọn và ngược lại. Thị trường sẽ làm nhiệm vụ “chọn lọc tự nhiên”; không ai có thể làm tốt hơn việc chọn “hàng hóa tốt” bằng thị trường.
Thật ra, kết quả giáo dục không phụ thuộc vào sách giáo khoa mà phụ thuộc rất lớn vào giáo viên. Một chương trình tốt, sách giáo khoa tốt nhưng giáo viên không tốt, chương trình đó không thể thành công được.
Vì thế, nhiệm vụ cấp bách, quan trọng nhất của ngành giáo dục hiện nay đó là truyền tải đến giáo viên chương trình giáo dục mới; tập trung nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; làm sao cho giáo viên chuyên tâm với nghề, sống được bằng nghề; giảm áp lực hồ sơ, thi cử, bằng cấp, chứng chỉ vô bổ; đó mới là giải quyết tận gốc của vấn đề giáo dục, đổi mới giáo dục.
Tài liệu tham khảo:
1://www.tienphong.vn/giao-duc/sach-cong-nghe-giao-duc-bi-loai-can-tham-dinh-lai-chuong-trinh-1475794.tpo
2: //dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/sach-cong-nghe-bi-loai-tu-vong-1-trung-tam-cua-gs-ho-ngoc-dai-gui-kien-nghi-den-thu-tuong-20190923202130718.htm
3: //news.zing.vn/can-tham-dinh-lai-hoi-dong-tham-dinh-sach-giao-khoa-post989928.html
4: //thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/thong-tu-33-2017-tt-bgddt-quy-dinh-ve-tieu-chuan-quy-trinh-bien-soan-chinh-sua-sach-giao-khoa-381305.aspx