Dân Hà Nội xếp hàng như thời bao cấp, chắt chiu từng giọt nước

17/10/2019 06:33
Nam Dương
(GDVN) - 20h ngày 16/10/2019, sau bữa cơm, gia đình anh Trần Minh Vương (Linh Đàm, Hà Nội) dắt díu nhau xuống sảnh lấy nước sinh hoạt.

Cư dân tại khu đô thị Linh Đàm và hàng triệu người dân tại Hà Nội đang trải qua những ngày “khát” nước trầm trọng.

Nguyên nhân là do nguồn nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu bẩn dấy lên tình trạng lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Khách hàng có quyền khởi kiện vì nước sinh hoạt lẫn dầu thải
Khách hàng có quyền khởi kiện vì nước sinh hoạt lẫn dầu thải

Khoảng 20 giờ, ngày 16/10/2019, hàng trăm hộ dân của khu đô thị Linh Đàm rồng rắn, mang xô, chậu đi lấy nước sạch của công ty Nước sạch Hà Nội.

Anh Trần Minh Vương đã đứng xếp hàng khoảng nửa giờ đồng hồ chia sẻ:

“Bây giờ nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm chúng tôi cũng không có cách nào khác là dùng nguồn nước miễn phí của công ty Nước sạch Hà Nội mặc dù chúng tôi vẫn còn nghi ngại.

Ngoài ra thì các hộ dân cũng phải bỏ tiền mua nước sạch về cho gia đình sử dụng. 

Mấy hôm trước tôi cũng nghe có người phản ánh bị mụn nhọt, ngứa da và có thể nguyên nhân là do dùng nước ô nhiễm dầu, nhớt bẩn”.

Cô Lê Thị Mí (52 tuổi) thở dài: “Suốt từ thời bao cấp đến nay tôi mới thấy cảnh người dân xếp hàng lấy nước sạch. Chúng tôi rất lo ngại cho sức khỏe của gia đình. Tuy nhiên chúng tôi cũng rất bức xúc trước câu trả lời và ứng xử của bên công ty cung cấp nước sạch sông Đà. 

Đây mới chỉ là dầu nhớt đã như vậy rồi nếu như là hóa chất độc hại có phải ảnh hưởng đến tính mạng con người hay không.

Vì thế chúng tôi cũng mong muốn nhận được câu trả lời thỏa đáng cũng như có cách giải quyết để sớm mang lại nguồn nước sạch, ổn định sinh hoạt và cuộc sống”.

Dân cư khu đô thị Linh Đàm xếp hàng chờ nguồn nước sạch (Ảnh:N.D)
Dân cư khu đô thị Linh Đàm xếp hàng chờ nguồn nước sạch (Ảnh:N.D)

Không chỉ cư dân ở khu đô thị Linh Đàm mà rất nhiều người dân tại thành phố Hà Nội đang chịu cảnh xếp hàng, chắt chiu từng giọt nước sạch.

Bên cạnh việc nguồn nước không đảm bảo, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt, nhiều người cùng bày tỏ bức xúc trước thái độ thờ ơ, vô cảm của bên cung cấp nước sạch.

Chị Trần Thị Hoa Lê (Tân Mai, Hà Nội) nói: “Chúng tôi thực sự cảm thấy hoảng sợ vì nếu đây không phải là dầu nhớt, bẩn mà là hóa chất thì có phải nguy hiểm đến hàng triệu người dân tại Hà Nội hay không.

Trong khi đó chúng tôi cũng bỏ tiền ra để mua nước nhưng lại bị giấu diếm và sử dụng nguồn nước không đảm bảo. 

Bên cạnh đó nhiều người cũng thấy bức xúc vì thái độ thờ ơ, bỏ mặc của bên công ty cung cấp nước sạch”.

Người dân tranh thủ mang xô, chậu lấy nguồn nước miễn phí (Ảnh:N.D)
Người dân tranh thủ mang xô, chậu lấy nguồn nước miễn phí (Ảnh:N.D)

Liên quan đến vụ việc Công ty nước Sông Đà bơm nước sinh hoạt có lẫn dầu thải cho hàng vạn hộ dân, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã khẳng định: Nước sạch ở các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông có mùi bất thường là do dầu ở Đầm Bài chảy vào hệ thống nước ăn của người dân.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: Theo kết quả xét nghiệm, các đơn vị thành phố Hà Nội xác định chất gây ra mùi bất thường đó có tỷ lệ cao hơn từ 1,3 đến 3,6 lần bình thường.

Thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo người dân chỉ nên dùng nước sạch sông Đà để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống. Việc nấu ăn, uống tạm thời dùng nước chai, bình do các đơn vị khác cung cấp.

Được biết, cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có phát hiện việc bị đổ trộm dầu thải từ sáng ngày 8/10, nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như thành phố Hà Nội.

Thậm chí, đơn vị này cũng không ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu thải theo quy định, dẫn đến váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

Nhiều gia đình tại Hà Nội chắt chiu từng giọt nước sạch (Ảnh:N.D)
Nhiều gia đình tại Hà Nội chắt chiu từng giọt nước sạch (Ảnh:N.D)

Dựa trên những thông tin có được, theo luật sư Quách Thành Lực, đoàn luật sư thành phố Hà Nội có thể xử lý các đối tượng liên quan theo điều 235 Bộ luật hình sự năm 2015: “Với những thông tin ban đầu có thể xử lý các đối tượng liên quan theo điều 235 Bộ luật hình sự năm 2015.

Tuy nhiên cần có kết luận chính thức về hành vi cũng như tính chất nghiêm trọng của vụ việc để xử lý đúng người, đúng tội”.

Chủ tịch Hà Nội: Đề nghị công an vào cuộc làm rõ trách nhiệm Viwasupco
Chủ tịch Hà Nội: Đề nghị công an vào cuộc làm rõ trách nhiệm Viwasupco

Trích dẫn điều 235 Bộ luật hình sự năm 2015:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam;

b) Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;

c) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 lần đến dưới 04 lần;

d) Xả ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;

đ) Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên;

e) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 200.000 kilôgam đến dưới 500.000 kilôgam;

g) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;

h) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 02 lần đến dưới 04 lần.

Cảnh tượng người dân xếp hàng lấy từng xô nước miễn phí như thời bao cấp (Ảnh:N.D)
Cảnh tượng người dân xếp hàng lấy từng xô nước miễn phí như thời bao cấp (Ảnh:N.D)

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đến 10.000.0000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.

Trong thời gian tới cư dân tại Hà Nội mong mỏi chính quyền vào cuộc mạnh mẽ sớm ổn định nguồn nước sinh hoạt cho người dân và xử lý đúng người, đúng tội.

Nam Dương