Giật mình với học sinh tiếp sức cho Tấm trừng trị mẹ con Cám

21/10/2019 06:07
CAO NGUYÊN
(GDVN) - Chúng tôi giật mình khi nhiều học sinh viết một kết thúc khác cho truyện Tấm Cám vừa trái thuần phong mĩ tục của người Việt, vừa vi phạm pháp luật hiện hành.

Đề kiểm tra giữa học kì 1, môn Ngữ văn lớp 10 ở một trường trung học phổ thông trên địa bàn quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh có câu: Kể lại quá trình Tấm đấu tranh để giành sự sống và hạnh phúc từ sau khi vào cung và viết lại một kết thúc khác, khác với kết thúc của sách giáo khoa.

Chúng tôi giật mình khi rất nhiều học sinh viết một kết thúc khác cho truyện Tấm Cám vừa trái thuần phong mĩ tục của người Việt, vừa vi phạm pháp luật hiện hành.

Truyện cổ tích Tấm Cám (Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn).
Truyện cổ tích Tấm Cám (Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn).

Ít có kết thúc bao dung cho mẹ con Cám

Kết thúc truyện cổ tích Tấm Cám, sách giáo khoa Ngữ văn 10 viết: “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết”.

Bản kể khác của Nguyễn Đổng Chi, Tấm trả thù mẹ con Cám còn tàn độc hơn: “Sau khi Cám chết, Tấm sai lính đem xác làm mắm bỏ vào một cái chĩnh rồi gửi về cho mụ dì ghẻ. Mụ ăn khen ngon.

Một con quạ ở đâu bay đến đậu trên nóc nhà kêu rằng: "Ngon ngỏn ngòn ngon/Mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng”.

Mụ dì ghẻ chửi thầm rồi vác sào đuổi quạ. Nhưng đến khi ăn hết chĩnh mắm, mụ thấy đầu lâu con mình thì lăn đùng ra chết.”

Có lẽ vì quá căm tức với cái ác của mẹ con Cám gây ra cho cô Tấm đáng thương, rất nhiều học sinh (ở một trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh) đã tiếp sức cho Tấm trừng phạt họ chết bằng nhiều hình thức ghê rợn.

“Tấm sai người bắt mẹ con Cám nhốt vào ngục tối và không cho ăn uống mấy ngày đêm liền. Sau khi mẹ con Cám chết, Tấm đem vứt xác họ xuống sông cho cá sấu ăn để trả thù.”

“Nghe người báo tin Tấm sống lại bên nhà vua, hai mẹ con Cám hoảng quá liền lấy hết vàng bạc trốn đi ngay trong đêm. Họ đi đường vô tình gặp phải tên cướp, bị cướp hết vàng bạc rồi bị giết chết dã man.”

“Nhà vua sai quân lính đem Cám vào phòng giam và tra tấn bằng mọi biện pháp. Tấm cho mụ dì ghẻ vào cung xem cảnh con mụ ta bị tra tấn tàn độc như thế nào.”

Truyện tranh cổ tích đang bị bóp méo

“Tấm sai quân lính đưa hai mẹ con Cám vào hang cọp và họ đã bị cọp ăn thịt, chết không toàn thây.”

“Vua sai người đuổi mẹ con Cám về quê. Trên đường đi, họ bị sấm sét đánh chết tan xác.”

“Tấm sai người làm nhục Cám, còn mụ dì ghẻ thì bị quân lính bắn chết bằng cung tên tẩm thuốc độc.”

“Chứng kiến cảnh Tấm hạnh phúc với vua, Cám chịu không nổi nên trèo tường trốn. Cám bị hụt chân, ngã lăn quay đập đầu vào đá chết. Chỉ còn lại mụ dì ghẻ bất hạnh sống một mình trong tủi hổ đau thương hết phần đời còn lại.”

“Tấm cho hai mẹ con Cám dùng kem bôi mặt có trộn a-xít. Sau vài ngày, làn da của hai người bị sưng lên không khác gì phù thủy. Từ đó, họ phải trốn đi biệt xứ để sinh sống.”

“Tấm sai người đưa Cám vào lầu xanh, đày dì ghẻ ra biên ải và chẳng bao lâu sau chết trong một trận chiến.”

“Tấm đuổi hai mẹ con Cám ra khỏi cung. Hai mẹ con đi ăn xin khắp chốn, lở loét cả người, bị người đời dè bĩu, khinh khi... xấu hổ, nhục nhã, bệnh tật, họ nhảy xuống vực sâu tự vẫn.”

Cám hiện đại tệ hại hơn cả Cám ngày xưa

Một số ít học sinh viết kết thúc đầy bao dung khi kể Tấm đuổi mẹ con Cám về quê hoặc bắt ở lại trong cung làm kẻ hầu hạ cho nhà vua. Cũng có em kể nhà vua bắt giam mẹ con Cám có thời hạn, sau đó thì tha tù…

Cần dạy truyện cổ tích Tấm Cám như thế nào?

Truyện Tấm Cám thuộc kiểu cổ tích thần kì trong văn học dân gian, là thể loại phản ánh lời ăn tiếng nói, lối suy nghĩ và triết lí của ông cha ta ngày xưa.

Nhân dân ta sáng tạo ra nhân vật Tấm trong câu chuyện này (như một vị thần công lí) nhằm thay mặt họ trừng trị những kẻ xấu xa, độc ác, cho nên kết thúc truyện như sách giáo khoa đưa ra là hợp lí hợp tình.

Tuy nhiên, trong xã hội văn minh hiện nay, giáo viên cần dạy cho học sinh không được làm điều trái với thuần phong mĩ tục và không vi phạm pháp luật.

Trở lại với những kết thúc truyện mà học sinh đưa ra, chúng ta có thể nhận thấy hai điều: thứ nhất, Tấm phạm tội giết người; thứ hai, Tấm còn xâm phạm thi thể người đã khuất. Và chiếu theo luật hình sự hiện hành, chắc chắn Tấm sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc.

Xuất phát từ thực tiễn dạy học, chúng tôi đưa ra một số gợi ý nhằm giúp các bạn đồng nghiệp có thêm nguồn tài liệu tham khảo để dạy truyện cổ tích Tấm Cám một cách hiệu quả nhất.

STT

Thảo luận

Ý nghĩa giáo dục

1

Vì sao truyện có tên Tấm Cám?

Đất nước Việt Nam có nền văn minh lúa nước tự ngàn đời.

2

Vì sao Tấm bị mẹ con Cám ngược đãi?

Con riêng trong gia đình thường bị thua thiệt về vật chất và tinh thần. Cha mẹ cần cân nhắc thật kĩ trước lúc li hôn vì khi gia đình tan vỡ, phụ nữ và trẻ em thường là những người chịu thua thiệt nhất.

3

Vì sao mẹ con Cám không cho Tấm đi dự hội?

Cuộc sống lắm chông gai, trong đó có đố kị, ích kỉ, …

4

Vì sao Tấm được Bụt giúp đỡ?

Xã hội luôn có những người tốt đồng hành với những mảnh đời bất hạnh.

6

Vì sao nhà vua chú ý đến Tấm trong lễ hội

Là con gái thì phải biết làm đẹp để khẳng định bản thân.

7

Nếu Tấm đi chậm, không kịp đến hội trước vua thì Tấm có được làm hoàng hậu không?

Làm việc gì cũng phải luôn luôn đúng giờ, nếu đi trễ thì mất cơ hội.

8

Tại sao Tấm không chạy ra và nói trước vua và mọi người rằng, đó là giày của tôi mà lại để cho mọi người lần lượt ướm giày rồi mới đến lượt mình cũng ướm?

Trong cuộc sống, cơ hội và sự may mắn đều chia đều cho tất cả mọi người. Đó là vẻ đẹp biết nhường nhịn, kiên nhẫn, điềm đạm của Tấm.

9

Vì sao nhà vua không thương yêu Cám (sau khi Tấm chết)?

Hôn nhân không có tình yêu thì không thể hạnh phúc.

10

Vì sao Tấm phải hóa kiếp nhiều lần?

Để đối phó với người xấu, chúng ta phải có nhiều biện pháp khác nhau.

11

Vì sao nhà vua tìm được Tấm?

Yêu lao động, chăm chỉ, giỏi nghề thì sẽ hạnh phúc.

Từ bài viết, mong bạn đọc chia sẻ thêm những ý kiến bổ ích khác để góp phần đổi mới cách dạy học môn Ngữ văn ở trường phổ thông nhằm tạo sự hứng thú cho học sinh trong những giờ học văn.

CAO NGUYÊN