Tại Công văn 3043/BGDĐT-NGCNQLGD ban hành tháng 7/2018, ngành giáo dục thể hiện quyết tâm tinh giản biên chế theo hướng: Tinh giản biên chế ngành giáo dục phải gắn với bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên với mỗi cấp học, chế độ làm việc, chính sách…
Tuy nhiên, việc bị tinh giản biên chế là điều không giáo viên nào mong muốn, nhưng theo Nghị quyết của Trung ương thì việc tinh giản biên chế không chỉ riêng ngành giáo dục mà còn ở tất các các ban ngành khác, do đó để tránh không bị tinh giản biên chế, dưới đây là một số việc giáo viên nên biết và nên làm.
Việc bị tinh giản biên chế là điều không giáo viên nào mong muốn (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Căn cứ quy định tại Nghị định 113/2018/NĐ-CP Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
Viên chức là giáo viên sẽ thuộc diện tinh giản biên chế bao gồm:
Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự;
Dôi dư do cơ cấu lại theo vị trí việc làm nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;
Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí giảng dạy đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí giảng dạy hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, giáo viên có 01 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật hoặc trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
Đây là cách tinh giản biên chế giáo dục nhưng không gây hoang mang cho giáo viên |
Lãnh đạo, quản lý trường học thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Điểm mới trong nghị định Nghị định 113/2018/NĐ-CP có bổ sung điều kiện trong các trường hợp dôi dư, chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo nếu tự nguyện làm đơn xin tinh giản biên chế thì được ưu tiên giải quyết tinh giản trước.
Như vậy, để tránh bị tinh giản biên chế giáo viên nên làm:
Nâng cao trình độ đào tạo (nếu chưa đạt chuẩn) để đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí giảng dạy đang đảm nhiệm theo lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo do Chính phủ quy định;
Hiện tại, chuẩn trình độ được quy định tại Luật giáo dục 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, tuy nhiên sẽ có sự thay đổi khi Luật Giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực từ 01/7/2020 thì đối với giáo viên mầm non thì trình độ chuẩn là cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông thì trình độ là đại học sư phạm.
Bổ sung kiến thức, học tập thêm các khóa học theo đúng chuyên ngành phù hợp với vị trí giảng dạy trong trường hợp khác chuyên ngành đào tạo;
Đạt được thành tích tốt ở vị trí giảng dạy;
Cố gắng phát huy năng lực cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ để đạt được phân loại đánh giá tốt;
Hạn chế nghỉ khi không thật sự cần thiết để tránh vượt quá số ngày nghỉ tối đa theo quy định.
Trong quy định trên có trường hợp giáo viên xếp phân loại không hoàn thành nhiệm vụ, thì căn cứ vào Văn bản hợp nhất Số: 02/VBHN-BNV của Bộ Nội vụ hợp nhất nghị định 56/2015/NĐ-CP và 88/2017/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, để không phải xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, giáo viên là viên chức chú ý các nội dung sau:
“Điều 28. Tiêu chí phân loại đánh giá viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
1. Viên chức không giữ chức vụ quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:
a) Hoàn thành dưới 70% công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết;
4 nguyên tắc và 8 giải pháp tinh giản biên chế giáo dục |
b) Chưa nghiêm túc chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền; thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao;
c) Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ không đạt yêu cầu;
d) Vi phạm quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ;
đ) Vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của viên chức, gây phiền hà, sách nhiễu với nhân dân đến mức phải xử lý kỷ luật;
e) Có hành vi chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết tại cơ quan, đơn vị;
g) Không có tinh thần phối hợp với đồng nghiệp, cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của đơn vị;
h) Vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ đến mức phải xử lý kỷ luật.
2. Viên chức quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:
a) Các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Việc quản lý, điều hành thực hiện công việc hạn chế, không đạt hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu công việc;
c) Để xảy ra các vụ vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật;
d) Cơ quan, đơn vị được giao quản lý, điều hành hoàn thành dưới 70% khối lượng công việc”.