Toàn văn Báo cáo Thủ tướng trình bày trước Quốc hội

22/10/2019 09:39
Theo Chinhphu.vn
(GDVN) - Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Sáng 21/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo nói trên.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý và đồng bào, cử tri cả nước,

Chính phủ đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các lĩnh vực khác theo Chương trình làm việc của Quốc hội.

Thay mặt Chính phủ, tôi xin báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước những nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và Kế hoạch năm 2020 như sau:

I. VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI NĂM 2019

Từ đầu năm đến nay, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi.

Kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại[1]; cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng; giá vàng tăng cao, giá dầu thô biến động mạnh; rủi ro trên thị trường quốc tế tăng lên; nhiều quốc gia nới lỏng chính sách tài chính, tiền tệ...

Tình hình khu vực, biển Đông diễn biến rất phức tạp. Trong khi đó, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.

Thực hiện Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 01, 02 và quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra ngay từ đầu năm.

Trong điều kiện tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài rất lớn và ngày càng gia tăng, chúng ta kiên định mục tiêu đề ra, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời phân tích, đánh giá, dự báo những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế và từng ngành, lĩnh vực để có những đối sách phù hợp, kịp thời.

Tập trung rà soát, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế; khơi thông các nguồn lực; thúc đẩy đầu tư xã hội, khuyến khích mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, chung sức, đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tập trung giải quyết, xử lý kịp thời nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách phát sinh.

Chính phủ chỉ đạo tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đưa ra định hướng, giải pháp tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế[2].

Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức các diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ; nhận diện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh và nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cấp, các ngành đã hết sức quan tâm, trực tiếp đến các địa phương, cơ sở, kiểm tra thực tế, chỉ đạo sâu sát, giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, bức xúc trên các lĩnh vực. 

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta đã triển khai quyết liệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị và đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, kịp thời phát hiện và xử lý nhiều sai phạm, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Tình hình biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao.

Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước.

Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, dự kiến chúng ta sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng.

Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét. Thế và lực của ta không ngừng được củng cố; uy tín quốc tế được nâng lên.

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội đề cập về giáo và đào tạo năm 2019 ra sao?
Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội đề cập về giáo và đào tạo năm 2019 ra sao?

Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay - như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phát biểu, góp phần quan trọng tạo sự phấn khởi, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

Những kết quả quan trọng, toàn diện đạt được là rất ấn tượng trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động, ảnh hưởng lớn của tình hình thế giới, khu vực và thiên tai, dịch bệnh; tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đất nước và cũng là minh chứng rõ nét của tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo và ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều quốc gia, đối tác đánh giá cao và khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực, toàn cầu[3].

Nước ta được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018[4].

Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá năng lực cạnh canh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.

Kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… đã được thể hiện đầy đủ trong các báo cáo gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Sau đây, tôi xin báo cáo những kết quả nổi bật:

[5].

Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng[6]; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.

Nhiều địa phương nỗ lực phấn đấu vươn lên, thu hút mạnh các nguồn lực, đạt tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng cho kết quả chung của cả nước.

Trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, chúng ta vẫn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD[7].

Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”[8]. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt 3,3% dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP)[9].

Tập trung tháo gỡ khó khăn nhiều mặt nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm.

Huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân với nhiều dự án lớn được triển khai mạnh mẽ.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước khoảng 33,8% GDP[10]; tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 45,3%, theo đúng định hướng tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội[11].

Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 9 tháng đạt 14,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp[12]. Xử lý nghiêm nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại.

Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn; các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực trong bối cảnh khó khăn.

Sản xuất công nghiệp tăng mạnh; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế. Bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển mạnh các dự án năng lượng tái tạo.

Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều nhà máy chế biến lớn[13]; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41 tỷ USD.

Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững
Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, đến cuối năm có khoảng 53 - 54% số xã và 110 huyện đạt chuẩn, hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm.

Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 11,5 - 12%; thương mại điện tử tăng mạnh.

Khách quốc tế ước đạt 18 triệu lượt, tăng 16,1%. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực; tỷ lệ nợ xấu nội bảng còn 1,91%; bảo đảm an toàn hệ thống[14].

Thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước[15]; tập trung xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, thất thoát lớn, trong đó có dự án bước đầu có lãi và một số dự án từng bước khắc phục khó khăn, vận hành trở lại.

Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tập trung đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận thị trường và các nguồn lực.

Phát huy tinh thần khởi nghiệp, phát triển mạnh mẽ các mô hình đổi mới, sáng tạo; ước cả năm có khoảng 134 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hàng chục nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại[16].

Tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung trong 9 tháng đầu năm đạt trên 3 triệu tỷ đồng. Tập trung chỉ đạo, củng cố và phát triển khu vực kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã kiểu mới; đến nay có gần 24 nghìn hợp tác xã kiểu mới với đa số hoạt động hiệu quả[17].

Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh.

 Triển khai nhiều giải pháp phát triển, ứng dụng công nghệ hiện đại[18]; nhiều thành tựu được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi, trong đó có những lĩnh vực tiệm cận và đạt trình độ khu vực, quốc tế[19].

Hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục được hoàn thiện[20]. Các quỹ phát triển khoa học công nghệ phát huy hiệu quả; có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và một số quỹ đầu tư mạo hiểm[21].

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN.

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị và thúc đẩy liên kết vùng. 

Chú trọng đào tạo gắn kết với nhu cầu thị trường, nhất là nhân lực chất lượng cao. Quy mô nguồn nhân lực ước đạt 55,8 triệu lao động[22]; tỷ lệ lao động qua đào tạo cả năm khoảng 61 - 62%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%.

Tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy triển khai các dự án trọng điểm[23]; nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Hệ thống đô thị phát triển nhanh, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 39,2%. Rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. 

Các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả.

Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực; tạo thêm 1,62 triệu việc làm; mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội[24].

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5% (còn khoảng 3,73-4,23%); trong đó các huyện nghèo giảm trên 4%. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên; đạt 8,6 bác sỹ, 27,5 giường bệnh trên 1 vạn dân và tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,3%, vượt mục tiêu đề ra. Làm tốt công tác y tế dự phòng; chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm[25].

Chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề được nâng lên[26]; xếp hạng đại học tăng 12 bậc, từ hạng 80 lên 68[27].

Tổ chức nghiêm túc kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh gian lận thi cử. Quan tâm thực hiện công tác giáo dục, đào tạo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Tổ chức trang trọng, ý nghĩa các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chú trọng các cuộc vận động, phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và đời sống văn hoá.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức sôi nổi và rộng khắp; làm tốt công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển dịch vụ, du lịch. Thể dục, thể thao được chú trọng; thể thao thành tích cao đạt kết quả tích cực.

Chính phủ chỉ đạo xây dựng, trình Quốc hội Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.

Thực hiện tốt các chính sách tôn giáo, tín ngưỡng; tổ chức thành công Đại lễ Phật đản VESAK Liên Hợp Quốc năm 2019 và Hội nghị gặp mặt các chức sắc tôn giáo tiêu biểu toàn quốc.

Chú trọng công tác chăm sóc người cao tuổi và bảo vệ trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em. Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là cai nghiện ma túy.

Nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên có những chuyển biến mạnh mẽ. 

Toàn xã hội vào cuộc hưởng ứng các phong trào giảm thiểu rác thải nhựa, nói không với đồ nhựa dùng một lần[28]. Tích cực triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.

Thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ đạt kết quả tích cực; tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội, trong đó cơ bản bảo đảm nguồn vốn triển khai cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, bảo đảm hoàn thành vào năm 2021 và các công trình sạt lở cấp bách; tích cực chuẩn bị đầu tư một số công trình quan trọng khác kết nối vùng[29]; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu[30].

Công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính được đẩy mạnh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt. 

Tích cực thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; giảm nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành[31].

Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội. Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm và nêu gương của người đứng đầu.

Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung thực hiện. Làm tốt công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, bổ trợ tư pháp.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. 

8 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020
8 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

Chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng và củng cố nền quốc phòng toàn dân. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn kịp thời các hoạt động, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Quyết liệt đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; triệt phá nhiều vụ án ma túy, đánh bạc lớn. Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.

Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều hội nghị, sự kiện quốc tế lớn.

Trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu tuyệt đối; tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đặc biệt, việc ký Hiệp ước, Nghị định thư với Campuchia về phân giới, cắm mốc đạt 84% biên giới đất liền là một sự kiện lịch sử và sẽ được trình Quốc hội phê chuẩn tại Kỳ họp này.

Triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP; ký Hiệp định thương mại, đầu tư với Liên minh châu Âu. Công tác thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân được triển khai tích cực.

Vị thế và uy tín của Việt Nam tiếp tục được khẳng định và giành được sự ủng hộ, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Công tác thông tin truyền thông được đẩy mạnh, góp phần tạo đồng thuận xã hội. 

Tập trung chỉ đạo thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình đất nước. Xây dựng, triển khai Đề án chuyển đổi số quốc gia và thử nghiệm mạng 5G; tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; tích cực rà soát, ngăn chặn thông tin xấu, độc trên mạng.

Chỉ số xếp hạng về an toàn thông tin mạng của Việt Nam tăng 50 bậc, xếp thứ 50/175 quốc gia, vùng lãnh thổ[32].

Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường. 

Các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức đoàn thể các cấp đã thực hiện tốt các quy chế, cơ chế phối hợp; huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, đồng tâm, hiệp lực, chung sức, chung lòng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Triển khai hiệu quả Năm dân vận chính quyền. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” được khắc phục một bước quan trọng; nhiều ngành, địa phương nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, đất nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những yếu tố ngắn hạn và cũng có những vấn đề trung và dài hạn cần tập trung xử lý hiệu quả trong thời gian tới.

Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm; trong đó có một số công trình hạ tầng trọng điểm theo Nghị quyết của Quốc hội.

Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là do thiên tai, dịch bệnh. Trình độ công nghệ còn hạn chế. Chất lượng dịch vụ cải thiện chậm, chi phí logistics còn cao.

Cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm.

Việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém còn gặp nhiều khó khăn. Quản lý quy hoạch, đô thị còn bất cập. Phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường còn những bất cập. Đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai.

Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn. Khắc phục quá tải bệnh viện còn chậm; chất lượng y tế cơ sở chưa cao.

Tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình… còn xảy ra ở một số địa phương. Sử dụng đất đai, tài nguyên vẫn còn lãng phí ở nhiều nơi.

Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số sông. Sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng ở một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Trung Bộ.

Nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn hạn chế.

Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn bất cập; thực thi pháp luật nhiều nơi chưa nghiêm.

Tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả; hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, phân tán; xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế.

Cải cách thủ tục hành chính một số lĩnh vực chưa thực chất; còn tình trạng tham nhũng vặt. Khiếu kiện về đất đai tuy đã giảm nhưng vẫn còn bức xúc ở một số địa phương.

Tình hình trật tự an toàn xã hội, tội phạm trên một số địa bàn diễn biến phức tạp; xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng. Tình trạng tin giả, xấu, độc trên mạng xã hội còn nhiều, chưa kịp thời xử lý nghiêm.

Bảo vệ chủ quyền biển đảo gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chưa tranh thủ tốt những cơ hội và lợi ích của các hiệp định thương mại tự do cho phát triển đất nước.

Những hạn chế, tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu tinh thần quyết tâm, chưa đổi mới, dám nghĩ, dám làm, chưa thực sự quyết liệt hành động.

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.

Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi còn buông lỏng, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế.

Xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, trì trệ trong giải quyết công việc sau quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở không ít cơ quan, đơn vị.

Qua thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành, chúng ta nhận thấy, đạt được kết quả tích cực, quan trọng, toàn diện nêu trên là nhờ có sự nỗ lực, cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo của Chính phủ, các cấp, các ngành; sự hợp tác, giám sát hiệu quả của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Đặc biệt, sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và các mặt công tác chính trị, tư tưởng được đẩy mạnh đã tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào những chuyển biến tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. 

Đây cũng là những kinh nghiệm rất quan trọng để chúng ta tiếp tục phát huy hơn nữa, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Trong thời gian còn lại của năm 2019, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành không được chủ quan, cần có những biện pháp cụ thể, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế, yếu kém; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tạo thuận lợi hơn nữa cho sản xuất kinh doanh; làm tốt công tác phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, khu vực, kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta là điểm sáng, tạo tiền đề vững chắc bước vào năm 2020 - năm cuối của nhiệm kỳ, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm 2016-2020 theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

II. DỰ KIẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN kinh tế - xã hội NĂM 2020

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tăng trưởng kinh tế, thương mại quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; bảo hộ thương mại gia tăng; cạnh tranh giữa các nước lớn và xung đột ở nhiều nơi gay gắt.

Các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an toàn thông tin, an ninh mạng và tội phạm ngày càng gia tăng.

Ở trong nước, chúng ta được kế thừa thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của ta ngày càng lớn mạnh; tình hình chính trị, xã hội ổn định; niềm tin của nhân dân được củng cố; tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức[33].

Độ mở lớn dẫn đến các tác động tiêu cực từ bên ngoài đến kinh tế trong nước nhanh và mạnh hơn.

Chúng ta cần tận dụng tốt cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cơ cấu dân số vàng trước thách thức của quá trình già hóa dân số.

Các vấn đề văn hóa, xã hội, môi trường đang tạo áp lực lớn đến phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng[34]. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Bối cảnh đó đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, vượt qua khó khăn, thách thức, bám sát thực tiễn, hành động quyết liệt trên các lĩnh vực, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 và 5 năm 2016-2020; đồng thời chú trọng giải quyết những vấn đề mang tính trung và dài hạn; tạo cơ sở vững chắc cho việc tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử Hội đồng dân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội khóa XV, tạo tiền đề thuận lợi cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

[1] Tháng 7/2019, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng cả năm ở mức 3,2%, giảm 0,1 điểm % so với mức dự báo trước đó, thấp hơn năm 2018 (3,6%); tăng trưởng thương mại toàn cầu ở mức 2,5%, giảm 0,9 điểm % so với mức dự báo trước đó, thấp hơn nhiều so với năm 2018 (3,7%).

Tháng 6/2019, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng cả năm ở mức 3,3%, giảm 0,3 điểm % so với mức dự báo trước đó, thấp hơn năm 2018 (3,7%); tăng trưởng thương mại toàn cầu ở mức 2,6%, giảm 1 điểm % so với mức dự báo trước đó, thấp hơn nhiều so với năm 2018 (4,1%).

[2] Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức trên 40 hội nghị toàn quốc để tìm ra định hướng, giải pháp tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế (như phát triển khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phát triển vùng kinh tế trọng điểm, du lịch miền Trung và Tây Nguyên, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới...).

[3] Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 đạt 6,8%; Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng 6,9% năm 2019 và duy trì đến năm 2021.

[4] Theo đánh giá của US News and World Report 2019.

[5] Năng suất lao động ước đạt 112,7 triệu đồng/lao động (năm 2018 đạt 102,2 triệu đồng/lao động), tốc độ tăng đạt gần 5,9%, giúp duy trì mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 5,8%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm (5,5%/năm). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016 - 2018 lần lượt là: 40,68%; 45,47% và 45,2%.

[6] Tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP theo giá cơ bản giai đoạn 2016 - 2019 tăng qua từng năm (năm 2016 là 14,3%; năm 2017 là 15,3%; năm 2018 là 16%), trong khi đó, tỷ trọng của nhóm ngành khai khoáng giảm dần (năm 2016 là 8,1%; năm 2017 là 7,5%; năm 2018 là 7,4%). Mức tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP năm 2016 lần lượt là 18,25% và 6,21%; năm 2017 là 18,28% và 6,81%; năm 2018 là 13,89% và 7,08%; năm 2019 dự kiến khoảng 14% và 6,8%.

[7] Đầu nhiệm kỳ là khoảng 31 tỷ USD.

[8] Fitch nâng triển vọng từ mức “Ổn định” lên “Tích cực” và tiếp tục duy trì mức xếp hạng BB (tháng 5/2019); Standard & Poor lần đầu tiên sau 9 năm đã điều chỉnh nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB (tháng 4/2019).

[9] Năm 2019 tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 23,7% GDP; trong đó thu nội địa chiếm khoảng 82%, duy trì ở mức trên 80% (năm 2016 đạt 80,1%, năm 2017 đạt 80,1% và năm 2018 đạt 80,6%).

Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước năm 2016 đạt 24,6%, năm 2017 đạt 25,8%, năm 2018 đạt 25,7%.

Tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2016 đạt 22,9%, năm 2017 đạt 25% và năm 2018 (chưa bao gồm số chi từ các nguồn tăng thu ngân sách địa phương tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết) đạt 25,4%.

Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm 2018 là 3,46%. Nợ công năm 2018 là 58,4%GDP. Nợ Chính phủ khoảng 50% GDP (năm 2018 là 50% GDP), nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 46% GDP (năm 2018 là 46% GDP).

[10] Mục tiêu Quốc hội giao là 32 - 34% GDP.

[11] Cơ cấu đầu tư tiếp tục dịch chuyển tích cực; tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước giảm còn 31,7%; khu vực ngoài nhà nước tăng lên 45,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 23%.

Năm 2018, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực nhà nước, khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài lần lượt là 33,3%; 43,3% và 23,4%.

[12] Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 525 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2018.

[13] Dự kiến tháng 4/2020 sẽ khánh thành nhà máy chế biến thịt gà hàng đầu thế giới ở Bình Phước với công suất 100 triệu con/năm theo 2 giai đoạn.

[14] Đến cuối tháng 6/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1,91%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 5,39%, giảm mạnh so với cuối năm 2016 (10,08%), năm 2017 (7,36%) và cuối năm 2018 (5,85%).

Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2019, hệ thống tổ chức tín dụng xử lý ước đạt 937,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Về nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, đến cuối tháng 6/2019, ước tính toàn hệ thống xử lý được 264,06 nghìn tỷ đồng; trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 127,641 nghìn tỷ đồng. Đã có 09 tổ chức tín dụng được áp dụng chuẩn Basel II đáp ứng thông lệ quốc tế về an toàn vốn trước thời hạn.

[15] Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 6/2019, cả nước đã cổ phần hóa 162 doanh nghiệp với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 205,4 nghìn tỷ đồng (bằng 108% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa cả giai đoạn 2011 - 2015); tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt gần 218,3 nghìn tỷ đồng (gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2011 - 2015).

Riêng 6 tháng đầu năm 2019, IPO 6 doanh nghiệp thu về 562,7 tỷ đồng; thoái vốn tại 30 doanh nghiệp, thu về gần 4,6 nghìn tỷ đồng, gấp 1,82 lần giá trị sổ sách.

[16]  Trong 9 tháng có trên 102 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1,29 triệu tỷ đồng, tăng 34%; tỷ trọng vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp đạt 11,2 tỷ đồng.

[17] Trong đó: có 14.951 hợp tác xã nông nghiệp (55% hoạt động có hiệu quả) và 8.849 hợp tác xã phi nông nghiệp (57% hoạt động có hiệu quả); có 76 liên hiệp hợp tác xã, hơn 107 nghìn tổ hợp tác, trong đó tổ hợp tác nông nghiệp chiếm 40%.

[18] Như: công nghệ khối chuỗi, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, tự động hóa, dữ liệu lớn… Bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ khách hàng và quản lý hoạt động nội bộ ngân hàng; ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu thông tin; ứng dụng tự động hóa (robotic) trong hiện đại hóa quy trình quản trị nội bộ của các tổ chức tín dụng.

[19] Chế tạo thành công hệ thống thiết bị sản xuất dây cáp điện, chất lượng tương đương Hàn Quốc, Châu Âu, giá thành bằng 50% nhập khẩu; nghiên cứu làm chủ công nghệ, chế tạo thành công đế giày cao su – phylon thay thế nhập khẩu...

Lần đầu tiên thực hiện thành công tách một lá gan ghép cho hai bệnh nhân, đánh dấu một bước đột phá về kỹ thuật ghép tạng.

Bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ khách hàng và quản lý hoạt động nội bộ ngân hàng, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu thông tin; ứng dụng tự động hóa (robotic) trong hiện đại hóa quy trình quản trị nội bộ của các tổ chức tín dụng.

[20] Tính đến 31/5/2019, đã tiếp nhận 54.406 đơn các loại, trong đó có 27.286 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018); Đã xử lý được 41.363 đơn các loại, trong đó có 27.802 đơn đăng ký xác lập quyền (tăng 58,6% so với cùng kỳ năm 2018); Đã chấp nhận và cấp VBBH cho 13.679 đối tượng SHCN (tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2018).

[21] Đến nay, cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 70 khu không gian làm việc chung, hình thành thêm một số quỹ đầu tư mạo hiểm như: Quỹ đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn Vingroup, Startup Viet Partner,...

[22] Trong đó 54,7 triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Cơ cấu lao động dịch chuyển theo hướng tích cực, tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 35,2% (năm 2018 khoảng 37,7%), vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm đề ra (dưới 40%).

[23] Chuẩn bị tích cực để sớm triển khai xây dựng các dự án trọng điểm, như: tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, thu phí tự động không dừng.

[24] Tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp chỉ còn 35,2%. Tạo việc làm cho 1,62 triệu lao động; mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội lên 32,5%.

[25] Chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, trong giai đoạn 2016 - 2020.

Tích lũy 06 tháng đầu năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 42 vụ ngộ độc thực phẩm với 1372 người mắc, 1361 người đi viện, 09 người tử vong.

So với cùng kỳ năm 2018, giảm 8 vụ ngộ độc thức phẩm (18%), giảm 28,2% số người mắc, giảm 10,3% số người đi viện, giảm 02 trường hợp tử vong.

[26] Tham gia kỳ thi tay nghề thế giới đạt kết quả cao, xếp thứ 22/63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

[27] Lần đầu tiên Việt Nam có 4 Đại học có tên trong bảng xếp hạng Đại học của The World University Rankings 2020, gồm: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Theo Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (Vương quốc Anh), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong bảng xếp hạng 500 trường đạt tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới.

[28] Đã phát hiện 20.558 vụ vi phạm pháp luật về môi trường (giảm 3,66% so với cùng kỳ năm 2018) cơ quan điều tra đã khởi tố 299 vụ, 324 bị can; xử lý hành chính 16.829 trường hợp, phạt trên 215 tỷ đồng.

[29] Trong đó có cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu và một số tuyến cao tốc theo trục dọc, trục ngang kết nối các địa phương trong vùng.

[30] Tổ chức thành công của Hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

[31] Chính phủ trình Quốc hội 25 luật, trong đó thông qua 17 luật, bao gồm: đã trình 16 luật, thông qua 7 luật tại Kỳ họp thứ 7, dự kiến trình 18 luật, thông qua 10 luật tại Kỳ họp thứ 8, trong đó 9 luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Trong 6 tháng đầu năm 2019, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 31 văn bản (25 nghị định, 06 thông tư) quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh; số lượng văn bản “nợ đọng” còn 07 văn bản, giảm 04 văn bản so với cùng kỳ 2018.

[32] Theo Báo cáo chỉ số an toàn thông tin toàn cầu (GCI) năm 2018 của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).

[33] Như: chất lượng tăng trưởng, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh quốc gia cải thiện chưa nhiều; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đáp ứng nhu cầu; năng lực khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế; thị trường các nhân tố đầu vào sản xuất vận hành chưa hiệu quả, nhất là thị trường nguyên liệu và đầu vào trung gian; khu vực doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế cả về vốn, công nghệ, lao động có kỹ năng và năng lực quản trị...

Đồng thời, còn hiện hữu các nguy cơ bẫy thu nhập trung bình và khả năng tụt hậu; nguy cơ chuyển dịch ô nhiễm, công nghệ lạc hậu từ nước ngoài; nguy cơ ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, theo dòng chảy...

[34] Như: quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh kéo theo sự gia tăng mạnh lượng người di cư, tạo sức ép lớn về nhu cầu hạ tầng đô thị, việc làm, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục và xử lý ô nhiễm môi trường đô thị; già hóa dân số nhanh, chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, tình hình dịch bệnh mang tính toàn cầu diễn biến phức tạp...

Theo Chinhphu.vn