“Con chào cô Thoa ạ, nghe thấy học sinh chào tôi cũng trả lời cô chào con, mà sao con biết cô? Tôi hỏi vì thấy em đó không phải học sinh lớp tôi dạy, em đó nói vì con biết cô ạ, có em lại nói vì cô dạy lớp anh con ạ, và con rất quý cô.
Có con thấy tôi đi ngoài hành lang cũng chạy lại ôm lấy tôi và chào, có con trong lớp thì lại viết thư vào một mẩu giấy nhỏ với mấy câu là con rất yêu quý cô rồi đưa tận tay cho tôi, hôm thì lại là giấy màu gấp hình trái tim.
Các con đáng yêu lắm anh ạ, đó cũng là tình cảm, niềm vui và động lực của tôi trong mỗi ngày đến trường”, cô Thoa cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đinh Thị Kim Thoa - giáo viên dạy môn tiếng Anh của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, chia sẻ:
“Bản thân tôi thấy trẻ em rất là đáng yêu, nhất là các con bậc tiểu học, và cũng chính vì lẽ đó tôi đã thi tuyển vào Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm.
Thời gian đầu mới vào trường thì tôi dạy cả cấp 1 và 2, đó cũng là quãng thời gian trải nghiệm đáng nhớ của tôi với các con, nhưng có lẽ vì tình yêu thương nên tôi đã quyết định chuyển hẳn sang dạy cấp 1, được đón tay và dạy các con từ những ngày đầu đến trường cũng là niềm hạnh phúc của tôi.
Qua nhiều năm giảng dạy thì tôi thấy mình phải yêu thương các con hơn nữa, mềm mỏng nhưng vẫn phải đủ cứng rắn, phải dạy các con làm người trước rồi mới dạy kiến thức. |
Đối với học sinh, tôi quan niệm trong mình phải có cả tình yêu thương và nghiêm khắc đối với các con, mặc dù yêu thương các con là việc các thầy cô nên làm, nhưng nếu cứ yêu thương vô điều kiện thì cũng chưa phải là đúng hoàn toàn.
Trong lớp đôi khi cũng có một vài con với tính cách đặc biệt, với những con bướng bỉnh, nghịch ngợm thì đôi khi tôi cũng phải tỏ ra nghiêm khắc, cũng là mong các con tiến bộ.
Với những con nhiều lần không nghe lời, khuyên giải không thành công thì tôi vẫn phải cần đến sự phối hợp của gia đình, vì nếu cứ để tình trạng con không chịu học bài, vô kỷ luật thì sẽ là điều không tốt cho tương lai của con sau này.
Cứ áp dụng việc phạt, viết bản kiểm điểm, báo tin và phó mặc cho gia đình thì các con sẽ mặc cảm, có thể trở nên bướng bỉnh hơn và sẽ diễn biến theo một chiều hướng không tốt.
Tôi thường gặp riêng phụ huynh của những con có tính cách đặc biệt đó, trao đổi để hiểu tình cảnh gia đình cũng như tính nết, rồi từ đó lựa chọn phương pháp giáo dục các con cho phù hợp.
Ngay từ đầu năm khi đón các con vào lớp, tôi thường có vài buổi nói chuyện để làm quen, hỏi han từng con để hiểu tính cách, gia đình, việc này cũng giúp ích rất nhiều cho việc dạy dỗ trên lớp.
Các con bậc tiểu học thường hay bắt trước câu nói, hành động của người khác hoặc trên phim ảnh, có một vài con còn nói bậy ở trong giờ học của chuyên gia, mặc dù các con chưa hiểu nghĩa của từ nói bậy đó, với những trường hợp như vậy thì tôi thường gặp riêng các con vào cuối buổi học.
Tôi phải giải thích cho con hiểu rằng nếu nói những câu như vậy là không đúng, không lịch sự và cô hy vọng lần sau các con sẽ không nói như vậy nữa, thường thì những trường hợp đó các con đều hiểu ra và không tái phạm.
Hàng năm, Ban giám hiệu nhà trường cũng tạo điều kiện cho giáo viên chúng tôi được ra nước ngoài để trải nghiệm phương pháp dạy học của một số nước tiên tiến, chính những chuyến đi đó cũng giúp ích cho giáo viên rất nhiều trong việc dạy các con ở trường.
Sau những chuyến học tập như vậy thì bản thân tôi thấy mình có ý thức hơn, cần phải tôn trọng các con hơn cũng như dành nhiều cơ hội hơn nữa cho các con sửa đổi.
Tôi thường nói với các con và phụ huynh rằng ở bậc tiểu học thì lượng kiến thức không phải là nhiều, toàn kiến thức cơ bản và không quá khó, nhưng quan trọng là các con phải được rèn nếp.
Bản thân tôi cố gắng làm sao để đưa các con vào nền nếp, từ lời ăn tiếng nói, quan hệ với bạn bè, gia đình và các thầy cô…nhưng cũng không phải là bằng mọi cách, mà tôi nghĩ việc đó phải rèn từ từ mỗi ngày một chút, chứ cứ cố áp đặt thì mọi chuyện sẽ phản tác dụng.
Qua nhiều năm giảng dạy thì tôi thấy mình phải yêu thương các con hơn nữa, mềm mỏng nhưng vẫn phải đủ cứng rắn, phải dạy các con làm người trước rồi mới dạy kiến thức, dạy về ý thức, thái độ, hành vi… và đó cũng là tiêu chí của tôi”, cô Thoa chia sẻ.
Giờ học tập theo nhóm, sôi nổi bàn luận khiến cho các em học sinh rất thích. |
Cô và trò thường tự tay làm những dụng cụ xinh xắn phục vụ việc học tập và cũng là để vừa chơi vừa học. |
Thấy mình phải thay đổi nhiều hơn
Với nền giáo dục ở một số nước tiến tiến mà tôi đã được trải nghiệm, tôi nhận thấy các thầy cô giáo rất tôn trọng, yêu thương, quan tâm học sinh, cũng chính vì vậy mà tôi cũng đã thay đổi rất nhiều trong suy nghĩ cũng như công việc giảng dạy.
Những ngày đầu ra trường, một phần vì còn trẻ và chưa có kinh nghiệm, nên đôi khi tôi cũng nóng tính, điều này xuất phát từ việc mau chóng muốn các con tiến bộ, nên tôi hay áp đặt và thường “đẩy” các con lên một chút.
Nhưng giờ đây tôi không áp đặt nữa mà chuyển sang cùng đồng hành với các con, và việc “đẩy” giờ đây cũng nhẹ nhàng hơn, điều đó cũng giúp cho cả cô và trò thấy thoải mái, còn các con thì tiến bộ rõ rệt.
Thời gian đầu tôi khá là kỹ tính trong việc các con làm bài tập về nhà, các con phải thế này, phải thế kia và nhất định phải hoàn thành.
Nhưng giờ đây tôi đã thả bớt ra một chút, và tôi tự nhận thấy nhiều khi các con không hoàn thành bài tập về nhà là cũng có lý do và những lý do đó mình có thể chấp nhận được.
Có những con chậm hơn các bạn nên tôi để hẳn 2 ngày cho con hoàn thành số lượng bài đó, tôi thường hỏi xem con mắc ở chỗ nào rồi cố gắng giải thích để các con có thể hoàn thành bài tập, mình không thể áp đặt đồng đều các con được.
Nhưng nếu con vẫn tiếp diễn tình trạng không làm bài thì tôi có áp dụng biện pháp cứng rắn hơn là ghi sổ, khi nghe đến việc bị ghi vào sổ và báo với phụ huynh thì các con đều rất lo, nhưng thực tế là tôi chỉ nói ghi sổ như vậy để các con ý thức hơn trong việc học tập”, cô Thoa cho biết.
Cô Đinh Thị Kim Thoa: Các con đáng yêu lắm anh ạ, đó cũng là tình cảm, niềm vui và động lực của tôi trong mỗi ngày đến trường. |
Đối với tôi thì không có con nào học kém, chỉ là chưa giỏi môn của tôi mà thôi chứ nhiều môn khác thì các con vẫn giỏi, biết được điểm yếu đó nên tôi cố gắng quan tâm đến con nhiều hơn bạn khác một chút trong giờ lên lớp.
Có con phát âm không chuẩn, tôi thường phải gặp riêng và phát âm thật chậm, đồng thời để con nhìn khẩu hình miệng của mình mà phát âm theo, mối quan tâm của tôi đối với các con lứa tuổi này là từ vựng và cách phát âm, càng biết nhiều từ mới và phát âm đúng thì càng tốt cho các con sau này.
Đó là ở trên lớp, còn hỗ trợ khi về nhà thì tôi có giao cho các con một bộ thẻ từ vựng, trong chiếc thẻ đó kết hợp cả hình ảnh, từ và âm thanh, với bộ thẻ từ này thì phụ huynh có thể dùng Ipad, máy tính mở theo đường link ghi trên thẻ để các con học theo.
Bộ thẻ này hoàn toàn phù hợp với học sinh tiểu học, vừa học vừa chơi, giúp các con biết thêm nhiều từ vựng và cách phát âm đúng.
Đặc biệt có con rất bướng không bao giờ chịu ngồi yên trong giờ học, chỉ ngồi một chút là lại đứng lên lượn xung quanh các bạn, với những con như vậy thì tôi lại phải gọi riêng ra ngoài rồi thì thầm: Cô với con sẽ cùng thi đua nhé, nếu con chịu khó ngồi ngoan không nói chuyện trong giờ học, thì cuối mỗi tuần cô lại có một phần thưởng dành cho con.
Phần thưởng chỉ là cái bút, quyển truyện tranh nhưng cũng làm cho các con rất thích, đó cũng là cách tôi cá nhân hóa đến từng con, nó sẽ tạo cho các con có cảm giác được gần gũi, yêu thương và ghi nhận sự tiến bộ.
Có con nói với tôi rằng con làm bài tập về nhà nhưng vẫn sai mấy lỗi cô ạ, nên con không dám đưa cho cô xem, tôi nói con cứ mang vở lên đây và cô sẽ giúp con sửa lỗi, còn cô vẫn thưởng cho con vì tinh thần cố gắng nghiêm túc làm bài tập.
Cứ phải lựa dần từng chút một và phù hợp với riêng từng con, chứ mình không thể cào bằng các con trong lớp được, vì mỗi con là một tính cách và có mặt mạnh, yếu khác nhau, vì thế mà giáo viên cũng phải biết chấp nhận và tôn trọng các con.
Bản thân giáo viên dạy tiếng Anh như chúng tôi cũng có lợi thế về ngoại ngữ, chính vì vậy mà tôi luôn cập nhật thông tin, xu hướng mới của thế giới về Giáo dục, áp dụng vào giảng dạy và các con cũng rất thích những cái mới.
Ví dụ như trong khoảng 2 tuần tôi lại cho các con sử dụng Ipad 1 lần, với những ứng dụng trên đó để các con ôn lại bài cũ, học bài mới, học tập thảo luận theo nhóm mà không cần làm trên giấy, làm quen với các dạng bài tập online, nghe phát âm…
Trong những tiết học tôi thường lồng ghép nhiều chương trình như vẽ tranh, chơi trò chơi, thay vì để các con đọc theo sách thì tôi lại cho các con vẽ tranh, có thể vẽ chân dung chính mình hoặc đề tài gì mà các con thích, tồi sau đó đứng lên tự thuyết trình về bức tranh đó.
Đó cũng là cách để các con luyện kỹ năng nghe nói và tìm những từ mới, thay vì những tiết học khô cứng, buồn ngủ. Sau đó thì có trao giải, cũng là để động viên khuyến khích các con học tập”, cô Thoa chia sẻ.