Trường phổ thông Đinh Tiên Hoàng là một cái nôi, bệ đỡ cho nhiều nhà tâm lí

25/10/2019 06:42
Thùy Linh
(GDVN) - Đó là nhận định của Thạc sĩ Thân Thị Mận - một nhà tham vấn tâm lý khi nói về mái trường Đinh Tiên Hoàng với hành trình 3 thập niên hình thành và phát triển.

Trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng năm nay tròn 30 tuổi, nhân sự kiện này, chúng tôi có dịp lắng nghe Thạc sĩ Thân Thị Mận – người đã từng gắn bó một thời với ngôi trường này chia sẻ về quãng thời gian được làm việc tại Đinh Tiên Hoàng, với vai trò cán bộ tâm lý. 

Cô Mận vốn là giáo viên dạy tiếng Pháp, sau 10 năm giảng dạy, cô đến với trường Đinh Tiên Hoàng trước tiên là với vai trò phiên dịch viên cho một vài cuộc họp, trao đổi giữa thầy Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng nhà trường và tổ chức ADEPASE (Tổ chức vì sự phát triển Tâm lí-Giáo dục học khu vực Đông Nam Á, Cộng hòa Pháp), khi đó đang hỗ trợ một số cơ sở có thực hành tâm lí trên địa bàn Hà Nội. 

Bên cạnh đó, cô Mận cũng tham gia gặp gỡ những học sinh có khó khăn, trò chuyện, hỗ trợ, đồng hành để các em vượt qua khó khăn của chính mình, làm cầu nối giữa cha mẹ và học sinh khi giữa họ có những xung đột… nhưng khi đó cô giáo dạy tiếng Pháp này nhận thấy mình ở một vị trí thật bấp bênh vì không biết bản thân làm công việc này với tư cách gì? Với vai trò gì?

Và rồi, cô Mận may mắn nhận được sự động viên và hỗ trợ tạo điều kiện của thầy Nguyễn Tùng Lâm và Tổ chức nên cô đi học Tâm lí học và đã lấy bằng Thạc sĩ chuyên ngành Tâm lí học Phát triển Trẻ em và Thanh thiếu niên, chương trình hợp tác đào tạo giữa Đại học Toulouse (Cộng hòa Pháp) và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. 

“Lúc đó, tôi tự tin hơn với công việc mình làm mặc dù đó mới chỉ là khởi đầu của một con đường mới. Ít nhất, tôi biết khi mình làm công việc này, mình đang ở vị trí nào”, cô Mận nói.

Theo nhà tham vấn tâm lý Thạc Thị Mận, Đinh Tiên Hoàng thực sự là một cái nôi, là bệ đỡ cho nhiều nhà tâm lí (Ảnh nhà trường cung cấp)
Theo nhà tham vấn tâm lý Thạc Thị Mận, Đinh Tiên Hoàng thực sự là một cái nôi, là bệ đỡ cho nhiều nhà tâm lí (Ảnh nhà trường cung cấp)

Nhớ lại những ngày đầu làm việc tại Đinh Tiên Hoàng, cô Mận kể: “Văn phòng chúng tôi có bốn cán bộ làm chuyên môn, trưởng Văn phòng là một Thầy giáo già, vô cùng tận tâm với học trò, với công việc. 

Chúng tôi được “chống lưng” bởi Thầy Hiệu trưởng, một nhà giáo mẫu mực, hết lòng vì học sinh, luôn sáng tạo và đổi mới, luôn tạo điều kiện để chúng tôi được học tập, trau dồi, làm giàu thêm vốn kiến thức và kỹ năng của mình nhưng đồng thời cũng luôn yêu cầu cao ở chúng tôi. 

Mặc dù vậy, tôi không thể nói công việc chúng tôi làm luôn thuận buồm xuôi gió. 

Sau này, khi đã làm việc tại một cơ sở chăm sóc tâm lí độc lập, tôi hiểu rằng, khó khăn này không chỉ các nhà tâm lí làm việc tại ở Đinh Tiên Hoàng mới gặp phải mà có lẽ sẽ là khó khăn của tất cả các nhà tâm lí học đường”. 

Chia sẻ cụ thể hơn những gian nan mà một nhà tâm lý gặp phải, cô Mận bảo: “Tôi tạm gói chúng trong 3 khó khăn lớn”. 

Thứ nhất, học sinh đến với chúng tôi không với tâm thế tự nguyện

Vậy học sinh đến với chúng tôi từ những nguồn nào? Từ giáo viên chủ nhiệm, khi thầy cô nhận thấy học sinh có khó khăn, có các vấn đề về cảm xúc, hành vi, và với đa số các trường hợp, sau khi thầy cô đã cố gắng giúp đỡ học sinh nhưng học sinh không tiến bộ. 

Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng là ngôi trường điển hình về tự chủ
Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng là ngôi trường điển hình về tự chủ

Từ phụ huynh học sinh, khi thấy con mình có những biểu hiện “bất thường” và chia sẻ với thầy cô chủ nhiệm. 

Một số học sinh đến với chúng tôi do yêu cầu của Ban giám hiệu Nhà trường, cũng với những lí do nêu trên. Trong suốt những năm làm việc tại trường, số học sinh đến với cá nhân tôi một cách tự nguyện là rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay. 

Rõ ràng, hỗ trợ tâm lí mà yêu cầu không đến từ người cần được hỗ trợ thì công việc này trở nên khó khăn biết nhường nào. Học sinh cảm thấy buộc phải chia sẻ với chúng tôi điều này điều kia, sao cho nhanh chóng được đi học trở lại, cứ như thể Văn phòng tâm lí là “hình thức kỉ luật” cuối cùng.

Bởi đa số các trường hợp này là những trường hợp không tuân thủ kỉ luật, sau nhiều lần giáo dục, nhắc nhở, phạt… nhưng học sinh không thay đổi. 

Rất may cho chúng tôi, sau một vài buổi gặp gỡ, học sinh thường sẽ cởi mở hơn, chúng tôi có thể tiếp cận các em dễ dàng hơn và việc đến gặp và trò chuyện với nhà tâm lí không còn là sự bắt buộc đối với học trò nữa. 

Thứ hai, áp lực về thời gian, về hiệu quả 

Nhà tâm lí làm việc ở một cơ sở độc lập sẽ không phải chịu những áp lực về thời gian như nhà tâm lí làm việc tại trường học. Như chúng ta đều biết, nhiệm vụ cốt lõi của các nhà trường là truyền thụ kiến thức và giáo dục đạo đức.

Nếu học sinh gặp khó khăn trong học tập, trong việc tuân thủ các vấn đề về kỉ luật, và sau khi đã được các thầy cô giúp đỡ (trò chuyện, quan tâm, hỏi han, nhắc nhở, phạt…) mà học sinh vẫn không tiến bộ, các em được gửi đến văn phòng tâm lí. Để được giúp đỡ bằng một cách khác. Để được lắng nghe bằng một cách khác. 

Nhưng một áp lực hiển nhiên: làm sao để học sinh thay đổi, và thay đổi càng nhanh càng tốt. Bởi các em còn phải học tập, tham gia các hoạt động của lớp, các em không thể vắng mặt quá lâu… 

Và làm thế nào để thay đổi trong một khoảng thời gian ngắn, nhất là khi đó là những học sinh có những khó khăn ăn sâu bám rễ khi có những hoàn cảnh gia đình không thuận lợi? 

Nhất là khi việc đến với một tâm lí không phải là tự nguyện. Và khi làm một việc không tự nguyện, đương nhiên sự kháng cự từ phía các em rất lớn. Vượt qua được rào cản này để xây dựng được một mối quan hệ trị liệu đủ tin tưởng, đủ an toàn đã đòi hỏi ở chúng ta một khoảng thời gian không nhỏ. 

Vậy nên, muốn học sinh thay đổi, và thay đổi nhanh, đó là khó khăn rất lớn đối với chúng tôi. 

Nhà tâm lí học đường nếu không đủ vững vàng sẽ vội vàng đáp ứng yêu cầu, mong đợi này, nghĩa là thay vì dành thời gian để cùng tìm hiểu những khó khăn, những vướng mắc, những bất ổn của học sinh, nhà tâm lí sẽ gợi ý, khuyên nhủ, hướng dẫn… , thế khác nào chúng ta đang làm lớp đúp thứ hai của giáo viên chủ nhiệm? Khi học sinh đến với nhà tâm lí, các em đâu cần đến một giáo viên chủ nhiệm thứ hai? 
 
Thứ ba, chúng tôi không chỉ làm công việc chuyên môn tâm lí

Ngoài công tác chuyên môn, chúng tôi còn tham gia các hoạt động khác của nhà trường.

Tôi có thể kể ra đây một số hoạt động đã tham gia: tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, các chiến dịch truyền thông về sức khoẻ sinh sản, về hướng nghiệp, tham gia các hoạt động tập thế khác của nhà trường như cắm trại, tổ chức lễ hội…; một số trong chúng tôi tham gia giảng dạy giáo dục hướng nghiệp. 

Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo nhận xét, thầy cô Đinh Tiên Hoàng làm tròn cả 4 vai
Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo nhận xét, thầy cô Đinh Tiên Hoàng làm tròn cả 4 vai

Trên thực tế, những hoạt động này giúp chúng tôi gần gũi với học sinh hơn, hiểu các em hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc các em tìm đến mình. 

Nhưng cũng có một nguy cơ hiển hiện, đó là sự lẫn lộn về vai trò: chúng tôi vừa là nhà tâm lí, người lắng nghe và không phán xét các em (có như vậy các em mới cảm thấy tin tưởng để trò chuyện với chúng tôi), lại vừa là thầy cô của các em, những người có nhiệm vụ giáo dục các em.

Điều này đôi khi cũng gây ra những khó khăn rất lớn cho chúng tôi trong việc xác định vị trí của chính mình.

Sau khi chia sẻ 3 khó khăn của một nhà tâm lý, nhắc tới ngôi trường Đinh Tiên Hoàng, cô Mận nói: "Theo tôi, Đinh Tiên Hoàng thực sự là một cái nôi, là bệ đỡ cho nhiều nhà tâm lí. 

Biết bao sinh viên tâm lí đã từng được đón tiếp với vai trò là thực tập sinh ở ngôi trường này. Biết bao sinh viên tâm lí cũng như các nhà tâm lí trẻ được tham gia các hội thảo, các buổi thảo luận tổ chức bởi ngôi trường này. 

Và không ít các nhà tâm lí đã trưởng thành lên từ ngôi trường này, vững vàng hơn trong công việc thực hành và nghiên cứu của mình, trong đó có tôi”.

Thùy Linh