Sự khác biệt trong quản trị giữa giáo dục tư thục và công lập

24/10/2019 15:12
Trinh Phúc
(GDVN) - Tạo đàm chủ đề "sự khác biệt trong mô hình quản trị giáo dục công lập và tư thục" là nhằm đề xuất cơ chế quản lý đặc thù cho giáo dục tư thục.

Ngày 24/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm chủ đề: “Sự khác biệt trong mô hình quản trị giáo dục công lập và tư thục  - đề xuất điều chỉnh cơ chế quản lý nhà nước”.

Tới dự buổi tọa đàm có đại biểu Quốc hội khóa 13, ông Nguyễn Ngọc Bảo;

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi;

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tiến Sĩ, Chánh văn phòng Học viện Quản lý giáo dục, Hà Nội;

Thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch hội đồng hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội; Bà Nguyễn Thu Hường  đến từ Trường Everest, Hà Nội...

Quang cảnh buổi tọa đàm (ảnh Trinh Phúc).
Quang cảnh buổi tọa đàm (ảnh Trinh Phúc).

Phát biểu tại hội thảo, Nhà báo Đào Ngọc Tước, Phó Tổng biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng, Luật Giáo dục  2019 (Luật số 43/2019/QH14) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành.

Ngày 4/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hôi đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025, cho biết:

Đến nay, ở các địa phương đều có loại hình giáo dục đào tạo ngoài công lập với 2.955 cơ sở (chiếm 6,68% trong tổng số 44.228 cơ sở giáo dục đào tạo của cả nước); 1,35 triệu học sinh, sinh viên (chiếm 6% trong tổng số 22,5 triệu học sinh, sinh viên cả nước); tạo ra gần 100 nghìn việc làm cho nhà giáo, người lao động.

Buổi tọa đàm là làm rõ sự khác biệt trong quản trị, vận hành của 2 loại hình cơ sở giáo dục, nhằm đề xuất những giải pháp cơ chế quản lý nhà nước cho phù hợp với đặc thù của giáo dục tư thục (ảnh Trinh Phúc).
Buổi tọa đàm là làm rõ sự khác biệt trong quản trị, vận hành của 2 loại hình cơ sở giáo dục, nhằm đề xuất những giải pháp cơ chế quản lý nhà nước cho phù hợp với đặc thù của giáo dục tư thục (ảnh Trinh Phúc).

Đối với giáo dục đại học, hiện có 65 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập với tổng số 244 nghìn sinh viên, chiếm 13,8% tổng số sinh viên cả nước;

Đã có 5 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đào tạo trên 5 nghìn sinh viên mỗi năm. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thực hiện trên 500 chương trình hợp tác và liên kết đào tạo với hơn 200 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

Video: Trường tư thục đã tự lo hết, hãy để họ tự chủ tuyển sinh
Video: Trường tư thục đã tự lo hết, hãy để họ tự chủ tuyển sinh

Đối với giáo dục nghề nghiệp, đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm: 397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp, 1.032 trung tâm giáo dục nghề nghiệp), trong đó có 677 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 34,7%).

Nghị quyết số 35/NQ-CP đánh giá, tổng các nguồn lực của xã hội thu hút vào khối ngoài công lập còn rất thấp so với tiềm năng. Trong khi đó  xã hội hóa giáo dục và đào tạo đã được Đảng, Chính phủ rất coi trọng và ban hành các các chủ trương, chính sách từ rất sớm.

Theo đánh giá của Chính phủ, điểm nghẽn chính là khâu triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành. Chính phủ thống nhất việc phải có ngay giải pháp khắc phục căn bản những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, đặc biệt ở khâu triển khai, thực thi các chủ trương, chính sách, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo.

Phát triển giáo dục tư thục chưa đạt hiệu quả như mong muốn đó là thực trạng mà các đại biểu tại buổi tọa đàm đã chỉ ra (ảnh Trinh Phúc).
Phát triển giáo dục tư thục chưa đạt hiệu quả như mong muốn đó là thực trạng mà các đại biểu tại buổi tọa đàm đã chỉ ra (ảnh Trinh Phúc).

Ngoài yếu tố tâm lý, thói quen trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước, một nguyên nhân quan trọng khiến chủ trương, chính sách xã hội hóa giáo dục, phát triển giáo dục tư thục chưa đạt hiệu quả như mong muốn là vì cơ chế quản lý đối với giáo dục tư thục chưa thay đổi, vẫn áp dụng cơ chế quản lý trường công đối với trường tư.

Vì vậy, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Sự khác biệt trong mô hình quản trị giáo dục công lập và tư thục - đề xuất điều chỉnh cơ chế quản lý nhà nước” để làm rõ sự khác biệt trong quản trị, vận hành của 2 loại hình cơ sở giáo dục, nhằm đề xuất những giải pháp cơ chế quản lý nhà nước cho phù hợp với đặc thù của giáo dục tư thục, tạo sức bật cho giáo dục tư thục phát triển thúc đẩy tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà.

Trinh Phúc