Từ trang sử này... chúng tôi đi

09/11/2019 06:00
LÊ ĐỨC ĐỒNG
(GDVN) - Bộ môn Lịch sử và hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ đã nhóm lên trong tim chúng tôi ngọn lửa say mê bộ môn, lòng tự hào về đất nước thông minh, anh hùng.

Khoảng năm 1973, 1974 lúc chúng tôi đang học lớp 10 (hệ 10 năm ở miền Bắc), khí thế tòng quân của tuổi trẻ dâng cao mãnh liệt. Các anh chị, bạn bè đủ tuổi xung phong nhập ngũ nên cứ 3 lớp dồn lại một mới đủ số học sinh…

Những bài học trong giờ “Lịch sử” lúc bấy giờ sao mà thiêng liêng đến thế!

Thầy giáo dạy Sử dõng dạc đọc những câu thơ về chí khí anh hùng, sự hy sinh anh dũng của các dũng tướng Hai Bà Trưng thuở nào: “Sống làm tướng giỏi, chết làm thần/ Muôn thuở cương thường nặng tấm thân/ Đôi nấm thành Loa trăng chiếu sáng/ Hào kiệt anh thư mộ tướng quân”.

Hoặc thầy giáo trịnh trọng cất lời văn trong bài “Phú sông Bạch Đằng” (Trương Hán Siêu) làm rung lên từng câu giữa dòng chảy lịch sử của cha ông mình giữ nước: “Giặc tan, muôn thuở thanh bình/ Phải đâu đất hiểm, cốt mình đức cao”.

Học Lịch sử góp phần hun đúc, vun đắp tâm hồn bao thế hệ (Ảnh minh họa: Baobacgiang.com.vn)
Học Lịch sử góp phần hun đúc, vun đắp tâm hồn bao thế hệ (Ảnh minh họa: Baobacgiang.com.vn)

Những giờ Lịch sử đã đưa thế hệ chúng tôi ngược dòng thời gian, trở về với những năm tháng hào hùng của truyền thống dựng nước và giữ nước.

Những chiến công lừng lẫy của cha ông, những nét tài hoa của bao nghệ nhân “trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ” đã nối tiếp nhau viết nên trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Bộ môn Lịch sử và hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ đã nhóm lên trong tim chúng tôi ngọn lửa say mê bộ môn, lòng tự hào về đất nước thông minh, anh hùng, về mấy nghìn năm bền gan dựng nước và giữ nước…

Thầy luôn khéo léo liên hệ những câu chuyện thời sự, những giai thoại lịch sử về tài ứng đối của cha ông ta xưa cũng như của các bậc hiền tài nhằm bảo vệ danh dự của dân tộc.

Nhiều khi đó còn là những câu ca dao về một thời thịnh trị, thanh bình của đất nước đã làm cho chúng tôi nhớ mãi đến bây giờ: “Đời Vua Thái Tổ, Thái Tông/ Lúa chín đầy đồng, cơm chẳng muốn ăn” hoặc một thời đau thương của dân ta dưới chế độ phong kiến hà khắc, tàn bạo bởi nạn phu phen, tạp dịch triền miên: “Vạn Niên là Vạn Niên nào/ Thành xây xương lính, hào đào máu dân”.

Học Lịch sử để trở thành người tử tế!

Môn Lịch sử góp phần hun đúc, vun đắp tâm hồn bao thế hệ; vun đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc, hun đúc lòng yêu nước thương nòi.

Chính môn Lịch sử đã góp phần khơi dậy mạch ngầm của tinh thần đoàn kết, lòng yêu thương nhau “thương người như thể thương thân” vốn có tự ngàn xưa của dòng giống Lạc Hồng…

Từ những trang sử ấy, lớp lớp thanh niên lên đường tòng quân cứu nước với khí thế hào hùng “Nước còn giặc còn đi đánh giặc/ Chiến trường giục giã bước hành quân”.

Chúng tôi vào trận thật hăm hở, thấy cái gì cũng đẹp, cũng lung linh bởi “đường ra trận mùa này đẹp lắm”.

Từ những trang sử trong nhà trường, chúng tôi lên đường không có chút gì so đo, tính toán bởi ý thức được rằng tuổi trẻ thời chiến phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc.

Có người hỏi thời buổi bây giờ học sử để làm gì? Xin thưa, học sử để biết cội nguồn, để hun đúc lòng yêu nước thương nòi, để có trách nhiệm công dân trước cuộc sống hôm nay và ngày mai. Tâm hồn sẽ lệch lạc, khô cằn nếu không có kiến thức về lịch sử dân tộc.

LÊ ĐỨC ĐỒNG