Sáng 29/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - ông Lê Vĩnh Tân trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, khi thực hiện thí điểm, Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, thị xã đặt tại địa bàn phường.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - ông Nguyễn Khắc Định. Ảnh: Quochoi.vn |
Nhiệm vụ chính của Ủy ban nhân dân phường là thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân quận, thị xã; hướng dẫn tổ dân phố thực hiện các nhiệm vụ có tính chất tự quản của cộng đồng dân cư trên địa bàn phường.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại Hà Nội bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Khi thực hiện thí điểm, một số nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường hiện nay sẽ được chuyển giao cho chính quyền địa phương các cấp của Thành phố Hà Nội để bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn phường được thực hiện thông suốt, không bị bỏ sót.
Theo ông Tân, khi không tổ chức Hội đồng nhân dân phường thì vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường thay đổi so với hiện nay.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, thị xã đặt tại phường. Ủy ban nhân dân phường được bổ sung 08 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường được bổ sung 03 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn.
Khi đó, Ủy ban nhân dân phường thực hiện thí điểm sẽ không còn là một cấp quy hoạch, một cấp ngân sách, mà chỉ là đơn vị dự toán ngân sách thuộc Ủy ban nhân dân quận, thị xã; nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công trên địa bàn phường.
Khi thực hiện thí điểm, cơ quan hành chính ở phường vẫn gọi là Ủy ban nhân dân để nhằm thực hiện đúng Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019 của Bộ Chính trị.
Mặt khác, nếu đặt tên cơ quan hành chính phường khác với tên gọi Ủy ban nhân dân thì toàn bộ dữ liệu có liên quan của thành phố Hà Nội (như chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy tờ thường trú, tạm trú của công dân…) sẽ phải thay đổi, dẫn đến sự tốn kém, gây khó khăn cho người dân và công tác quản lý nhà nước trên địa bàn phường.
Thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, để phù hợp, thích nghi với mô hình tổ chức chính quyền mới ở phường thì các thiết chế Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở quận, thị xã và thành phố cũng phải cơ cấu lại nhiệm vụ, quyền hạn, xác định rõ việc nào thành phố đảm nhiệm, việc nào giao cho quận, thị xã và việc nào có thể giao cho cơ quan hành chính ở phường quyết định; cùng với đó là phải đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan, đặc biệt là Ủy ban nhân dân phường.
Bên cạnh việc làm rõ các nội dung phân quyền, cần đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền và tăng cường sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với chính quyền ở phường để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ doanh nghiệp và người dân.
Theo ông Định, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, tuy Ủy ban nhân dân phường nơi thực hiện thí điểm có sự khác biệt cơ bản về địa vị pháp lý, tính chất và cơ cấu tổ chức, nhưng nhất trí vẫn giữ tên gọi là Ủy ban nhân dân với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.