Với đam mê học toán từ nhỏ, tôi luôn mơ, mơ đến khát khao cháy bỏng mình sẽ trở thành thầy giáo dạy toán cấp 3.
Chưa bao giờ tôi nghĩ sau này mình lại trở thành lễ tân ở một khu nghỉ dưỡng như bây giờ.
Hồ Văn Hiếu và thầy giáo Trường Ly người đã cưu mang em (Ảnh tác giả) |
Những năm tháng học phổ thông, tôi luôn được thầy cô và bạn bè đánh giá là một học sinh cần cù, chịu khó, có tố chất thông minh và lực học khá nổi trội.
Hồ Văn Hiếu tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận |
Con đường bước tới giảng đường đại học thênh thang ở gần ngay trước mắt.
Ước mơ ấy càng thôi thúc mãnh liệt khi tôi gặp được thầy Trường Ly giáo viên chủ nhiệm lớp 10 tại trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.
Vốn không có được cuộc sống may mắn như bao người. Thiếu hơi ấm của mẹ từ khi mới lọt lòng.
Lên 4 tuổi tôi vĩnh viễn rời xa vòng tay chở che đùm bọc của người cha.
Bà ngoại thương cháu côi cút đưa về cưu mang nhưng lại không có được tình thương yêu của cậu ruột.
Cậu lo sợ sự có mặt của tôi trong căn nhà thì mảnh đất hương hỏa của ngoại sẽ phải chia thêm cho tôi một phần nữa.
Cậu đã luôn hà khắc với tôi trong mọi chuyện khiến cho tôi tuy là một đứa trẻ, nhưng vẫn luôn nhận thấy vị đắng của tủi nhục trong từng bữa ăn, từng giấc ngủ.
Những bữa cơm không no chan đầy nước mắt.
Những lời đay nghiến, mắng chửi, những lời nhiếc móc, những trận đòn roi cứ theo tôi lớn lên cùng năm tháng.
Biết bao lần tôi định bỏ nhà ra đi nhưng bà đã hết lòng khuyên ngăn, bà nói dù khổ tôi vẫn còn nơi tá túc, vẫn còn ngày được hai bữa cơm.
Nếu bỏ đi, con sẽ đi đâu? Sẽ làm gì để sống khi chưa có một cái nghề trong tay? Nhìn những giọt nước mắt của bà ngoại nay đã ngoài 80, tôi đã không đành lòng cất bước.
Nén tủi nhục, giấu uất ức trong lòng và chỉ biết lao vào học. Học để quên đi những thiệt thòi mất mát, với khát khao cháy bỏng, học để đổi đời, và chỉ có học mới mong thoát khỏi cảnh nương nhờ ở đậu.
Thế nhưng hằng ngày, tận mắt chứng kiến cảnh cậu và bà xung khắc, mâu thuẫn với nhau mà nguồn cơn đều bắt nguồn từ sự hiện diện của tôi trong căn nhà ấy.
Dù khổ đau đến mấy, bản thân cũng chịu được nhưng vì mình mà để ngoại tuổi cao sức yếu phải khổ, tôi đã không thể cầm lòng.
Thế là, trong một lần bà với cậu lại xảy ra “chiến tranh”, tôi đã chạy khỏi căn nhà ấy, chạy khỏi nơi mà tôi đã lớn lên trong khốn cùng, tủi nhục, để lại tiếng kêu thất thanh, tiếng khóc đến xé lòng của ngoại. Tôi cứ chạy, mặc dù lúc đó chẳng biết mình sẽ đi đâu, về đâu.
Tôi lang thanh hết nơi này nơi kia cho đến khi trời tối hẳn. Ngoài kia phố xá đã lên đèn, thoảng trong không gian mùi thơm của lúa mới, mùi của những hàng quán bán buổi đêm.
Chân tay mệt rã rời, bụng lên cơn đói cồn cào. Đưa tay lục hết túi quần này đến túi quần kia cũng chẳng thể kiếm được vài nghìn mua cái gì ăn cầm qua cơn đói.
Tôi bước nhanh để dứt đi những mùi thơm cám dỗ. Chẳng hiểu sao tôi lại dừng trước ngõ nhà thầy Trường Ly. Người thầy giáo đã chủ nhiệm tôi năm lớp 10.
Tôi rón rén bước vào nhà, cúi đầu trước thầy nói nhỏ “Thầy ơi! Em bỏ nhà đi rồi. Giờ em không biết đi đâu, thầy có thể cho em ở đỡ vài ngày. Em ngủ chỗ nào cũng được”.
Nghe thế, thầy sững người vì bất ngờ. Do đã chủ nhiệm tôi năm lớp 10 nên thầy hiểu rõ hoàn cảnh gia đình. Thầy đã kéo tôi vào nhà và nói: “Em cứ ở lại đây, tạm vào ở căn phòng đang trống rồi thầy sẽ nói với cô”.
Thế rồi, tôi đã được gia đình thầy cưu mang từ đó. Khoảng 3 tháng sau, tôi liên tục bị những cơn đau đầu hành hạ. Thầy đã đưa tôi đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác làm xét nghiệm.
Cầm kết quả trên tay, mắt tôi như nhòe đi vì kết luận của bác sĩ “u não’. Thế là hết, cuộc đời tôi sẽ chấm dứt tại đây.
Người ta có gia đình, có cha mẹ lo lắng, có tiền bạc mà cơ hội sống còn quá mong manh. Còn tôi…Chỉ nghĩ đến đây, dòng nước mắt đã ứa tràn chảy chan hòa khắp mặt.
Thế nhưng chính thầy đã dang rộng vòng tay cứu vớt đời tôi một lần nữa. Thầy đã giúp tôi chiến đấu với bệnh tật.
Sau ca mổ thành công, tôi trở lại lớp học cũng là thời gian gần thi đại học.
Thầy chỉ khuyên rằng, em nên suy nghĩ có nên học đại học hay không?
Thời gian học nhiều, ra trường khó xin việc mà kinh tế nhà thầy cũng khó có thể nuôi em suốt 4 năm trên giảng đường.
Suy ngẫm lời thầy, tôi nghĩ chỉ có Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận học phí vừa phải, điều kiện ăn ở thuận lợi, thời gian học cũng không dài.
Học nghề du lịch tôi có thể xin đi làm thêm ở một số điểm du lịch ngay trong thành phố.
Nghĩ thế, tôi đã quyết định đăng kí vào học tại trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận khoa du lịch.
Chọn học khoa này vì tôi nghĩ quê hương mình đang phát triển mạnh nghề du lịch. Bởi thế học ra trường xin việc sẽ dễ dàng hơn.
Tôi nhập học và ở lại trường. Ngoài giờ học, tôi xin làm việc ở các resort gần trường.
Số tiền lương tôi nhận được đủ cho bản thân trang trải cuộc sống, đóng học phí và dành chữa bệnh. Hàng tháng, tôi vẫn phải vào thành phố để tái khám và uống thuốc đều đặn.
Sau ba năm miệt mài học và làm, tôi đã tốt nghiệp xuất sắc và là thủ khoa của trường.
Điều đáng mừng nhất, căn bệnh u não đã được bác sĩ thông báo chữa khỏi. Tôi còn được nhận vào làm việc tại công ty trách nhiệm hữu hạn du lịch Mũi Né.
Công việc chính của tôi lúc này là nhân viên lễ tân được xem là bộ mặt của công ty “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”.
Nhìn một số bạn bè học đại học ra trường nhưng vẫn lông bông thất nghiệp.
Tôi nghĩ mình đã hành động đúng khi chọn đi học nghề. Có thể nói quyết định này cũng đã giúp tôi được hồi sinh lần nữa.
Tôi vẫn đang nuôi trong mình khát khao sẽ được học liên thông đại học để trang bị thêm cho mình nhiều kiến thức về ngành du lịch giúp cho công việc làm của chính mình vững vàng hơn.
(Ghi theo lời kể của em Hồ Văn Hiếu thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận)