Sau cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An qua phản ánh của một số giáo viên về việc buộc phải đóng tiền ủng hộ mua bò cho hộ nghèo tại xã Hữu Kiệm (trước đó đã đóng 1 ngày lương), ông Chủ tịch huyện cho biết sẽ thẩm tra lại nội dung theo đơn phản ánh và có kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp.
Số tiền mỗi Chi bộ trường học phải ủng hộ đã được giảm đi phân nửa (Tin nhắn từ Phòng Giáo dục Kỳ Sơn Ảnh CTV) |
Chỉ sau một ngày, các trường học ở huyện Kỳ Sơn đã nhận lại tin nhắn của Phòng Giáo dục có nội dung:
“Thực hiện thông báo kết luận của BTV Huyện Ủy và chỉ đạo của UBND huyện Kỳ Sơn, mỗi Chi bộ đơn vị trường học trên địa bàn huyện vận động, quyên góp xóa nghèo cho một hộ ở xã Hữu Kiệm.
Do quân số ở từng Chi bộ là khác nhau, nên số tiền để ủng hộ mua đủ một con bò giống khoảng từ 6.000.000đ (có thể mua bò giống hoặc tiền mặt…”.
Tin nhắn còn nhấn mạnh: “Các trường chuyển tiền xong lập danh sách cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên gửi về Văn thư Phòng để báo cáo”.
Vậy là, số tiền ủng hộ, vận động được ấn định về mỗi Chi bộ trường học lúc đầu là 12.000.000đ nay đã được hạ xuống phân nửa còn 6.000.000đ.
Kêu gọi vận động quyên góp nhưng ấn định chỉ tiêu có hợp lý?
Nghĩa của từ vận động được từ điển Hoàng Phê biên soạn có nghĩa là “tuyên truyền, giải thích, thuyết phục người khác tự nguyện làm việc gì”.
Nghĩa là, người vận động sẽ tuyên truyền để người được tuyên truyền thấy được ích lợi của công việc ấy và tự nguyện tham gia.
Người được vận động sẽ đồng cảm và tự nguyện để thực hiện việc ấy trong tâm thế thoải mái.
|
Gắn vào công việc ủng hộ người nghèo ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Huyện Ủy có thể ra thông báo cho toàn thể cán bộ công nhân viên trong toàn huyện biết về đời sống khó khăn, vất vả của người dân nơi này để mọi người hiểu và cảm thông.
Từ đó, mong muốn sự giúp đỡ, chung tay của tất cả mọi người để người dân nơi ấy có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sau khi hiểu rõ mục đích của cuộc vận động thì tùy vào hoàn cảnh kinh tế từng gia đình để mỗi người đóng góp tùy tâm.
Người có kinh tế ủng hộ nhiều, người nghèo khó hơn ủng hộ ít hoặc có thể không ủng hộ.
Ủng hộ kiểu cào bằng dẫn đến tình trạng người nghèo nhiều ủng hộ người nghèo ít?
Trong cuộc vận động mua bò cho hộ nghèo tại huyện Kỳ Sơn thay vì để mọi người tự nguyện theo điều kiện kinh tế của mình thì nơi đây lại đưa ra mức giá phải ủng hộ cố định.
Việc này, chẳng khác nào bắt buộc cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục dù không muốn cũng phải đóng góp hay sao?
Đã thế còn phải lập danh sách người ủng hộ nộp về Phòng Giáo dục (ai chẳng hiểu lập danh sách này nhằm mục đích gì).
Chưa nói đến việc một số người đóng góp cho những hộ nghèo kia còn nghèo khổ, khó khăn hơn cả những hộ nghèo ở xã Hữu Kiệm.
Vì sao chúng tôi nói thế? Nhiều giáo viên phản ánh, giáo viên dù lương thấp nhưng vẫn còn cao hơn lương của một số nhân viên trong nhà trường.
Ví như nhân viên thiết bị, văn thư, tạp vụ hay bảo vệ, thậm chí là kế toán có người một tháng chưa đến 2 triệu đồng.
Thế mà họ phải bỏ ra vài trăm ngàn thậm chí tới dăm trăm ngàn đồng (Gia đình 2 vợ chồng thì mất đứt gần tháng lương) để ủng hộ thì tháng ấy họ biết lấy tiền đâu để chi tiêu cho cả một gia đình?
Xóa nghèo cho người này nhưng không thể để người khác lại gặp khó khăn. Bởi thế, việc đưa chỉ tiêu, ấn định mức tiền phải ủng hộ ở Kỳ Sơn cần được xem xét lại cho thấu tình đạt lý.