Nên giao quyền cho người đứng đầu đơn vị được tuyển dụng giáo viên

05/11/2019 08:25
Đỗ Thơm
(GDVN) - Các cấp quản lý chỉ nên ở vai trò giám sát về chất lượng, tiêu chuẩn giáo viên.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

Bên hành lang Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, phóng viên đã ghi nhận một số ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn tuyển dụng viên chức trong ngành giáo dục.

Đại biểu Chu Lê Chinh – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, ảnh: Đỗ Thơm.
Đại biểu Chu Lê Chinh – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, ảnh: Đỗ Thơm.

Đại biểu Chu Lê Chinh – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho rằng, chủ trương, tinh thần giao quyền tự chủ trong tuyển dụng, sử dụng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp là phù hợp.

“Cấp trên tăng cường kiểm tra, hướng dẫn. Không có vừa tuyển dụng, vừa kiểm tra hướng dẫn sẽ dẫn đến quá nhiều việc và cũng không khách quan.

Theo tôi, nên giao quyền cho cơ sở, người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm về cả chất lượng, số lượng. Nó cũng phù hợp với xu thế chung”.

Đối với băn khoăn của ngành giáo dục là ngành không có sự chủ động về quyền tuyển dụng nên dẫn đến thừa thiếu cục bộ ở các địa phương, đại biểu cho rằng, công tác tuyển dụng trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập từ trước đến nay là vẫn phối hợp với ngành nội vụ.

“Chủ trương tiến tới tự chủ hơn nữa thì theo tôi nên giao các ngành, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập.

Họ chủ động tuyển dụng để khắc phục thừa, thiếu cục bộ. Đặc biệt là giáo dục mầm non hiện nay đang thiếu rất nhiều.

Quản lý nhà nước về tuyển dụng và đào tạo thì Sở Nội vụ các địa phương nên đứng ở vai trò kiểm tra, giám sát xem việc tuyển dụng, sử dụng của đúng không, chất lượng không.

Nên để ngành giáo dục chủ động. Đánh giá thi như thế nào, sát hạch ra sao để họ chủ động. Hướng tới sự phân cấp hơn”, đại biểu nói.

Cũng liên quan đến vấn đề tuyển dụng viên chức, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước nêu quan điểm, nên giao sự chủ động trong tuyển dụng nhân sự cho các đơn vị.

Bởi theo đề án vị trí việc làm, họ sẽ cân đối được nhân sự trong tổng thể chung. Theo đại biểu, nếu ngành Giáo dục được quyền tuyển dụng giáo viên thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

“Dĩ nhiên khi đó, chúng ta phải có cơ chế điều kiện giám sát. Ví dụ, phải có điều kiện về khung tiêu chuẩn cho các chức danh biên chế?.

Bộ trưởng Nội vụ sẽ trả lời chất vấn về thi nâng ngạch công chức
Bộ trưởng Nội vụ sẽ trả lời chất vấn về thi nâng ngạch công chức

Quy định về các loại hợp đồng dài hạn, ngắn hạn phải như thế nào?.

Đây cũng là vấn đề sẽ được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Viên chức quy định chặt chẽ; thậm chí sẽ có văn bản dưới luật hướng dẫn để thực hiện”, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh phân tích

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, nếu ngành giáo dục không chủ động được về con người thì sẽ rất khó, thậm chí là không phát huy được giá trị chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, thậm chí là nhân sự ở đơn vị đó.

“Ở thời điểm hiện tại, cần phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành Giáo dục - Nội vụ và nên theo hướng, ngành Giáo dục chủ trì tuyển dụng và phối hợp với ngành Nội vụ.

Nếu còn băn khoăn, chúng ta có thể thực hiện thí điểm ở một số địa phương, sau đó rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả đến đâu.

Việc thực hiện thí điểm để chúng ta có cơ sở thực tiễn; nếu có hiệu quả thì nhận rộng và áp dụng đại trà để trở thành cơ chế chung”, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề xuất.

Đỗ Thơm