Ảnh minh họa |
Chỉ trong một thời gian ngắn mà hàng chục người trẻ chết tức tưởi, chết tai nạn vì những lý do cực kỳ lãng xẹt, chưa chết mà đã… bị dự báo ngày chết… Nêu lên cặn kẽ sự việc này, những người làm báo Pháp luật và thời đại mong muốn cơ quan chức năng có thể vào cuộc làm rõ để giải thích sự việc dưới lăng kính khoa học, nhằm đem lại sự bình yên cho người dân tại địa phương.
Thôn Bích Thủy (xã Văn Đức) là một khu vực thuần nông, nhưng nhờ có nghề đánh bắt rươi (một loại đặc sản của các tỉnh phía Bắc) nên từ đầu đến cuối làng có tới hàng chục ngôi nhà cao tầng khang trang, lộng lẫy. Trước đây, trong số hàng chục dòng họ khác nhau trong làng, dòng họ L.V là một trong những dòng họ theo nghề đánh bắt rươi lâu đời và cũng làm ăn thịnh vượng nhất trong thôn. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi dòng họ này di dời mộ tộ và gặp hai con rắn.
Đã phạm điều tối kỵ, lại còn “trùng tang”
Đầu những năm 2000, do mộ cụ tổ của cụ ông và cụ bà dòng họ này nằm cách xa nhau, mộ của cụ bà lại bị người dân làm ruộng cuốc làm mất hết cả chân mộ, dẫn đến nước ngập vào trong nên cả họ tiến hành họp những người cao tuổi trong dòng họ, bàn chuyện chuyển mộ cụ bà về gần cụ ông.
Người ta kể lại, khi thợ xây tiến hành đào đất để di dời mộ cụ bà thì phát hiện trong ngôi mộ có một con rắn lạ, nặng khoảng nửa ký nằm ở độ sâu 1.5m, lạ lùng là mình rắn có màu đỏ như lửa. Tiếp tục đào mộ cụ ông, người ta lại tiếp tục phát hiện một con rắn hổ mang nặng đến một ký nằm ở trên đầu ngôi mộ. Theo lời kể lại, sợ nhất là cả hai con rắn trên đầu đều có mào hình chữ thập, nhìn kỹ thì thấy một con trên đầu có hình chữ “Thọ”, một con trên đầu có hình chữ “Phúc”.
Có lẽ người ta nghĩ ở khu vực cánh đồng ngập nước này, chuyện gặp rắn thì “thường như cơm bữa” nên không ai ngạc nhiên. Cánh thợ xây liền mang con rắn hổ mang đi bán lấy tiền uống rượu. Con rắn có màu đỏ rực còn lại thì ông Điền là người trong họ mang về ngâm rượu, nhưng sau đó vợ ông không cho ngâm nên ông lại mang ra ruộng thả đi.
Sau khi dòng họ di dời mộ cụ ông, cụ bà về với nhau, thời gian đầu mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường, không có biến cố nào xảy ra. Bẵng đi một thời gian, vào khoảng năm 2007, vợ của ông trưởng họ bỗng nhiên bị bệnh đột ngột qua đời và sau đó, hơn chục người trẻ trong họ cũng lần lượt qua đời chỉ trong thời gian hơn hai năm. Dân làng bỗng trở nên hoang mang hoảng sợ, kể từ đó câu chuyện về dòng họ bị “ma ám” bỗng trở nên xôn xao, náo động cả một vùng quê.
Người trong họ cho biết, sau khi vợ ông trưởng họ bỗng nhiên bị bệnh đột ngột qua đời, người con dâu trưởng của người chết liền đi xem bói thì được cho biết rằng: Khi làm mộ, nếu phát hiện có rắn ở trong đó thì đó là điều thịnh vượng, và không nên đào lên nhưng mọi người vẫn cố làm dẫn đến bị động mả, do các cụ “về bắt” dần con cháu trong họ và người đầu tiên “bị bắt” là vợ của trưởng họ. Bên cạnh đó, thầy bói còn “phán” thêm: Do bà vợ trưởng họ bị “bắt” đúng vào giờ “trùng tang” nên cứ thỉnh thoảng các vị “thần trùng” lại về lấy con cháu trong họ xuống để làm người phục vụ cho các “thần”.
Cả nhà theo nhau chết
Một chuyên gia phong thủy cho biết, theo quan niệm phong thủy, trường hợp khi phát lộ mộ nếu thấy có rắn thì không được cải táng. Theo người xưa, nơi có rùa rắn đến ở, đặc biệt là mộ phần tổ tiên nghĩa là nơi đó là khu đất tốt, có luồng sinh khí mạnh, được coi là phù hợp với môi trường sống của rắn “mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm”. Ngoài ra nơi rắn sống thì chuột và các động vật khác không dám đến nên khu mộ không bị chuột đào hang phá phách, theo người xưa sẽ không có ảnh hưởng theo hướng tích cực đến tình trạng của gia đình.
Ngoài ra, theo quan niệm phong thủy, rắn “tu luyện lâu năm” sẽ hóa thành rồng. Rắn ở nơi mộ địa tức là đang trấn giữ long mạch. Khu mộ có rắn ở là nơi đất tốt mà cổ nhân gọi là “quý địa”, “đại cát lợi”. Vì vậy khi phát lộ thấy xuất hiện rắn thì không nên cải là vậy. Nếu cải đi thì làm tổn hại nguyên khí, phá long mạch, cũng giống đang từ nơi thoáng mát chuyển sang nơi tăm tối vậy.
Còn theo cách lý giải của khoa học, rắn có thể chọn mộ làm nơi sinh sống vì rắn là động vật máu lạnh thuộc âm, thích sống nơi ẩm thấp, mát mẻ và yên tĩnh, thông thường môi trường phù hợp với rắn vào khoảng 18 – 30 độ C.
Chẳng biết cái chết của bà vợ ông trưởng họ có liên quan gì tới việc “động mồ mả tổ tiên” hay “trùng tang” hay không, nhưng kể từ khi cô con dâu cả đi xem bói về thì hàng loạt người trong dòng họ không kể già trẻ, gái trai cứ thế chết dần chết mòn. Hơn một tháng sau, cả họ suốt ngày “bận bịu” vì tiễn đưa bốn người gồm: Cô, dì, chú, bác, cháu trong dòng họ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Một điều trùng lặp khác khiến mọi người vô cùng lo sợ: Chỉ trong vòng hơn nửa năm trời, ba vợ con của một gia đình trong họ đang mạnh khỏe bỗng nhiên đổ bệnh rồi từ biệt mọi người về thế giới bên kia. Trong vòng hơn một năm kể từ sau cái chết đầu tiên, tổng cộng gần chục người trong dòng họ cứ thế theo nhau chết, trong đó có những cái chết thuộc dạng lý do “cực dị”.
Cái chết của anh L.V Ngãi (SN1972) là một trong số đó, lạ đến mức khi nhắc lại cả người trong và ngoài cuộc vẫn ngơ ngác không biết giải thích thế nào cho hợp lý. Đó là một buổi chiều giữa tháng 9/2009 vào giữa mùa rươi nổi, anh Ngãi cùng vợ chở nhau bằng xe đạp ra sông Bích Thủy bắt rươi.
Chị vợ kể lại: “Hôm đó, khi tới bờ đê anh Ngãi đưa điện thoại cho tôi, dặn đứng chờ rồi anh ấy bơi thuyền ra nơi bẫy rươi giữa sông”. Bóng anh Ngãi dần khuất trong bóng đêm giữa mênh mông sóng nước chỉ còn thấy leo lét ánh đèn pin.
Đứng chờ trên bờ một hồi lâu, bỗng chị nhận được điện báo của anh chồng cũng đánh rươi cách đó vài trăm mét thông báo việc thấy đèn pin và chậu đựng rươi của anh Ngãi trôi lập lờ theo dòng nước mà không thấy người đâu.
Có chút sững sờ nhưng chị vợ cố trấn an suy nghĩ vì biết chồng lớn lên trên sông nước, bơi lội giỏi nhất nhì làng, không thể có chuyện chết đuối. Nhưng đợi mãi, gọi mãi không thấy, chị mới tá hỏa hô hoán mọi người đi tìm giúp.
Vạch từng bụi cỏ quanh sông, theo dòng nước vài km cũng không thấy động tĩnh gì. Lúc bấy giờ không hiểu linh tính thế nào, người anh trai nạn nhân mới giật mình nói rằng: “Nó vẫn ngồi đâu đây thôi”.
Quả thật, tất cả những người hôm đó sững sờ nhìn thấy thi thể anh Ngãi chợt bật lên khỏi mặt nước, xếp chân trong tư thế ngồi ngay cạnh mạn thuyền, không hề trôi đi dưới dòng nước đang cuồn cuộn chảy, trong khi không hề vướng mắc vào bất cứ vật cản nào. Nén lại đau thương và không thể giải thích được cái chết kỳ cục của nạn nhân, mọi người chỉ đoán già đoán non anh đã bị cảm đột ngột nên ngã đuổi nước mà thiệt mạng.
Đúng ngày giỗ 100 ngày anh Ngãi, người anh trai cũng đột ngột lâm bệnh ngay trong buổi sáng giỗ em. Sáng hôm ấy, chị vợ anh dậy từ tinh mơ chuẩn bị gánh hàng cá đi chợ nhưng thấy chồng nằm im thin thít thì nhẩm nghĩ: “Chắc hôm qua đi làm mệt nhọc nên say giấc” và đã không đánh thức chồng. Sau khi chuẩn bị cơm sáng, đưa con đi học rồi đến khi tạn chợ về nhà, chị lấy làm lạ vì thấy chồng không đi dự giỗ trăm ngày em trai mà nằm bất động trên giường.
Nấu cơm xong, gọi dậy ăn nhưng anh chồng chỉ lắc đầu. Ngỡ chồng giận mình vì lý do nào đấy nên chị không nói gì. Đến tận chiều, cả nhà mới hốt hoảng về tình trạng của anh. Gia đình vội vàng đưa đi cấp cứu nhưng những dầu hiệu không lành về sức khỏe hiện tại của bệnh nhân đã báo trước cho dòng họ thêm một lần tang tóc. Anh trai Ngãi đã qua đời ít ngày sau đó tại bệnh viện Hải Dương sau cơn đột quỵ ấy.
Nỗi đau trong họ mạc, gia đình còn chưa chấm dứt, khi hai anh em ruột lần lượt qua đời cách nhau 100 ngày mà không có lý do thì một sự lạ khác lại tiếp diễn. Đúng 100 ngày sau cái chết của người con thứ hai, mẹ đẻ của hai anh cũng đột ngột qua đời. Khăn tang trắng lại chồng lên khăn tang. Chỉ hơn 9 tháng mà gia đình chịu cảnh chia ly người thân 3 lần.
Người trong họ kinh hãi, người trong thôn xôn xao. Thực hư không rõ thế nào nhưng những sự lạ này cứ được đồn đại lên. Có người cho rằng “khi thấy người anh không dậy được thì mời thầy về cúng bái, cúng xong hôm sau nạn nhân bỗng tỉnh lại, nhưng kỳ quái là khi tỉnh dậy người này cứ đuổi bà vợ để cắn, rồi ngày hôm sau nữa thì chết”.
Rồi chuyện lúc gia đình làm lễ gọi hồn người đó về hỏi thì người đó nhập hồn vào một người khác và cứ cười khanh khách: “Có phải một mình tao bắt đâu, thằng đấy khỏe lắm, tao phải gọi mấy người lừa lúc nó say rượu nên mới bắt được”.
Được báo trước vẫn… không thoát chết
Trước hàng loạt cái chết của mọi người, dòng họ liền tìm xuống một ông thầy bói ở Quảng Ninh để “cầu cứu” thì được người này phán rằng: “Dòng họ bị trùng tang nên cứ khoảng 100 ngày là lại có một người ra đi, nếu muốn thoát được thì phải nhờ thầy cao tay lập đàn giải hạn”. Cùng với đó, ông thầy này còn “phán” rằng trong họ một tuần nữa sẽ có người tên là Cường sắp bị “bắt” đi.
Không tin vào lời thầy bói, mọi người trong họ lại tiếp tục đi gọi hồn ở bên huyện Nam Sách. Người ta kể lại rằng, “người chết hiện lên” nhập vào một người và cho biết: “vào ngày 20/8/2010 các “thần” sẽ bắt một người tên Cường trắng trẻo, đẹp trai, đi làm ở xa và là người có chức tước”.
Sau khi nghe thấy thông tin đó, mọi người trong nhà ai nấy đều nơm nớp lo sợ và chờ đến ngày 20 định mệnh. Rà soát trong họ xem những ai có tên Cường thì chỉ thấy có một người duy nhất (là con của ông lão định mang con rắn đỏ rực về ngâm rượu). Người này đã lấy vợ nhưng ở tận Hà Nội.
Cuối cùng ngày đó cũng đến, trong họ người này dặn người kia phải luôn cẩn thận, máy điện thoại lúc nào cũng phải bật 24/24h để nghe ngóng tình hình. Đợi mãi đến 20h đêm ngày 20/10/2010, cả họ vẫn chưa thấy xuất hiện tin xấu, cho rằng mọi chuyện đã qua và các thầy bói, thầy gọi hồn lừa bịp. Mọi người vui vẻ rủ nhau đi uống rượu hát karaoke “ăn mừng”.
Cuộc vui ấy chỉ diễn ra được chưa đầy 2 tiếng đồng hồ: Đúng 22h ngày hôm ấy, điện thoại mọi người rung lên bần bật, người trên Hà Nội báo về hung tin anh Cường vừa chết thảm khi tàu hỏa đâm phải ở thị trấn Văn Điển. “Người thì đứng chết lặng sững sờ, người thì sợ quá rơi cả cốc bia vào chân vỡ than mà không hay khi nghe thông tin ấy”, một người thuật lại.
Nạn nhân là một kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa, thời điểm anh “ra đi”, vợ anh đang mang bầu đứa con đầu lòng và anh cũng đang giữ chức vụ Phó giám đốc của một công ty chuyên về thiết bị điện.
Hơn 2 tháng sau, người trong họ lại tiếp tục đi xem bói và được thầy phán sắp tới trong họ sẽ có một người nữ có tên vần H sắp “ra đi”. Lại một lần nữa sự trùng lặp xảy ra khi ngày 28/3 vừa qua, một người trong họ tên Hùng đang khỏe mạnh bình thường bỗng nhiên đổ bệnh, sau khi đi bệnh viện chiếu chụp ông được các bác sĩ cho về nhà chữa trị.
Về nhà được vài ngày, trong khi đi từ nhà ra ngoài cửa thì ông gục ngã chết luôn tại chỗ. Một người phụ nữ trong họ mắt đỏ hoe nhớ lại: “Chiều hôm ấy tôi còn mang bột mỳ rán sang cho ông ăn. Ông tỉnh táo và khỏe mạnh lắm, nhìn thế nên tôi yên tâm ra về. Chỉ vài tiếng sau đã nghe thấy tin ông ấy đột nhiên loạng choạng bước tới cửa thì lăn đùng ra chết”.
Như vậy chỉ tính trong vòng chưa đầy 3 năm, dòng họ này đã có tới 12 người chết bất thường, chết vì bệnh tật. Khu nghĩa trang của dòng họ lúc nào cũng trắng vòng hoa vì người trong dòng tộc theo nhau chết.
“Lá vàng khóc lá xanh”
Theo chân một người dân Bích Thủy, chúng tôi đến nhà ông L.Sinh, một người trong dòng họ. Trong ngôi nhà 3 tầng khang trang, tiếp chúng tôi là 2 người đàn ông, một già, một trung tuổi, là ông Sinh và người cha – cụ L. Tài (79 tuổi).
Đây chính là gia đình đã có 3 người liên tiếp chết cách nhau 100 ngày. Khi hỏi thăm về sức khỏe và tuổi tác, ông cụ cười cười nhưng đôi mắt đượm buồn: “Vợ chồng tôi bằng tuổi nhau, nếu bà ấy còn thì xuân này chúng tôi đã được cùng con cháu mừng thọ 80”.
Có lẽ những cái chết của vợ và các con trai đã làm ông gần như suy sụp, nếu không phải vì biến cố này thì người đàn ông ở cái tuổi “xưa nay hiếm” ấy vẫn còn khỏe mạnh lắm. Giờ đây, mỗi bước đi của ông đã phải nhờ đến cây gậy đồng hành.
Tò mò về câu chuyện 2 con rắn, chúng tôi đánh bạo hỏi ông Sinh xem thực hư thế nào. “Đúng là có chuyện đó”, ông khẳng định. “Mấy năm trước, con cháu trong họ chúng tôi góp tiền để đưa mộ cụ tổ bà về bên cạnh cụ tổ ông. Trong quá trình đào lên thấy trong mộ bà có một con rắn cạp nia và trong mộ ông có một con rắn hổ mang nặng gần một ký.
Nhưng không có chuyện con rắn có cái mào như mọi người vẫn nói và chúng tôi cũng không đập chết mà những người thợ xây mộ đã đem con rắn này đi bán lấy tiền uống rượu”, ông cho biết.
Theo ông Tài, dòng họ L.V có khá nhiều điều đặc biệt: Có 8 chi, đến đời mình mỗi người con trai trong họ sau khi lập gia đình đều sinh được 8 người con. Đó cũng là trùng hợp ngẫu nhiên mà người họ L.V vẫn lấy làm tự hào về cái “lộc” của mình.
Nhưng đến nay, ông Tài chỉ còn lại 5 người con. Sau “cơn bão ma” này, riêng chi nhà ông cũng mất 5 người. Các chi khác trong họ cũng cùng chung tiếng khóc mất con cháu một cách đau lòng khó hiểu. Từ năm 2009 đến nay, cứ lần lượt những cái chết gần nhau liên tiếp xảy ra cướp đi hơn chục mạng người, hiện tại trong họ còn một người đàn ông cũng đang vật lộn chống chọi khó khăn với bệnh tật và “không biết đi lúc nào”.
Những người quá cố, già có, trẻ có, cả nam và nữ, người bỗng dưng phát bệnh, người chết tức tưởi để lại nỗi đau khôn cùng cho người sống. Con cháu trong nhà hoang mang lo sợ, những buổi họp họ đầu Xuân đã không còn vui nữa, thêm vào đó là những lời đồn thổi dù không ác ý của dân trong làng làm không khí trong mỗi gia đình mang họ L.V chẳng mấy lúc được bình yên.
Những người con trai khỏe mạnh cứ đột ngột chết đi để lại nỗi trống trải không gì bù đắp được cho những người phụ nữ và sự phiền muộn, nhớ thương của những người làm cha mẹ. Kể cho chúng tôi nghe chuyện của các em mình, ông Sinh vẫn bùi ngùi vì thương “hai chú chưa có con trai nối dõi”.
Ông cũng vô cùng thương tiếc cho cái chết của anh Cường: “Hàng trăm người đứng đợi tàu hỏa đi qua, “ma xui quỷ khiến” thế nào, chú nó lại chọn đúng thời điểm ấy để băng qua đường sắt”.
Nỗi đau chưa có lời giải
Mang nỗi lo sợ trong lòng, những người phụ nữ với bản tính yếu đuối tìm đến các đền chùa, thầy cúng, cô đồng để xem bói, giải hạn. Bản thân ông trưởng họ và gia đình cũng nhiều lần lập đàn giải oan, giải hạn cho họ nhà mình.
Trong tâm trạng hoang mang, lo lắng họ cũng chỉ biết tìm đến những nơi như thế để tìm chốn cầu an cho dòng họ. Bình tĩnh hơn, ông Sinh nghĩ rằng gia đình cũng như dòng họ, “thịnh nhiều rồi cũng có lúc suy”. Những chuyện không may, những cái chết đau lòng là việc rủi ro không tránh được. Bản thân tôi là người trực tiếp đào mộ các cụ lên để quy hoạch, mình làm việc tốt báo hiếu tổ tiên, sao có thể coi là bị trừng phạt được?”.
Tìm gặp ông trưởng họ L.Xương tại một quán nước trong làng khi ông đang mải nói chuyện với những người hàng xóm, ông thở dài âu sầu: “Tôi đã dồn được 20 triệu đồng định để cải mộ cho bà lão, nhưng sau những chuyện đã qua, mấy đứa con chưa đồng ý, chúng bảo đi “xem thầy” xem thế nào”.
Nghe đâu câu trả lời của “thầy” khiến không ít người sởn gai ốc lo sợ: “Dòng họ này bây giờ không được cải táng mộ vì cứ hễ có một người được đào lên sẽ có một người nằm xuống”. Ông Xương thoáng buồn kể chuyện mấy người con dâu của ông sợ rằng khi bốc mộ mẹ lên thì chồng các chị sẽ chết, vì thế các con ông lần chần mãi mà không dám làm. Lúc chúng tôi về thôn Bích Thủy cũng là lúc người con dâu của ông Xương đang lặn lội lên tận Bắc Giang để tìm thầy xem bói cho vận hạn nhà mình.
Những người trong dòng họ L.V biết bao ngày nay đã sống trong sợ hãi. Không những thế, họ còn phải luôn nhận được những cái nhìn ái ngại của người trong vùng. Sau những sự việc đã xảy ra, có người nghĩ rằng rồi bây giờ, con cháu nhà họ L.V sẽ khó lấy vợ, lấy chồng do ai biết chuyện cũng sẽ bất an, sợ “ma ám”. Câu chuyện của dòng họ có khi còn bị một số người gán ghép vào những chuyện không hay, xui rủi khác.
Người xấu bụng thậm chí còn thêu dệt ra câu chuyện đổ lỗi người họ khác chết vì… họ L.V. Một phụ nữ trong làng thì thào với chúng tôi: “Đấy, cái vụ nhà chị hàng xóm cạnh nhà ông trưởng họ L.V chết vì điện giật là một ví dụ. Người nhà chị bị điện giật chết đã đi xem bói thì được thầy phán rằng do bà vợ ông trưởng họ L.V trên đường về nhà bắt con cháu đi cùng, nhưng do cửa khóa không vào được nhà nên đã đi vòng phía sau. Không may nhà chị ấy lại ngay sau nhà bà này nên hồn ma bà này đã bắt đi”.
Những người trong dòng họ L.V muốn các nhà khoa học vào cuộc để chứng minh rằng những tai ương liên tiếp giáng xuống đầu họ bấy lâu nay chỉ là một sự rủi ro. Họ mong muốn tai ương qua đi, vận đen qua đi để người còn lại vẫn phải sống tiếp, con cháu trong nhà sẽ lớn khôn khỏe mạnh, dựng vợ gả chồng sinh con cháu đề huề đem lại phúc đức, thịnh hưng cho dòng họ, xóa bỏ lời đồn “ma ám” bấy lâu nay.
“Những người còn sống làm tròn trách nhiệm cải táng cho người đã khuất theo đúng tập tục, văn hóa của người Việt Nam, vì sao chỉ vì 2 con rắn mà phải chịu nhiều nỗi đau đến thế?”, một người đặt câu hỏi.
(Còn tiếp)