Câu chuyện cán bộ, giáo viên, công nhân viên thuộc ngành giáo dục huyện Kỳ Sơn buộc phải ủng hộ một số tiền không nhỏ để mua bò tặng cho hộ nghèo của xã Hữu Kiệm giúp họ xóa đói giảm nghèo để đủ điều kiện lên nông thôn mới, đã làm cho không ít những nhà giáo nơi đây bức xúc và bất bình.
Hộ bà Vi Thị Đức- bản Na Chảo, xã Hữu Kiệm, là hộ nghèo của xã nhận hỗ trợ bò giống từ cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Kỳ Sơn ngày 25/10/2019 (Tạp chí tri ân) |
Đây là chủ trương của huyện, của phòng, tôi chỉ là người thực hiện
Một trường học ở Kỳ Sơn sau khi thông báo giáo viên phải đóng một khoản tiền lớn để mua bò cho hộ nghèo, phần lớn giáo viên trong hội đồng hôm ấy đều đồng loạt phản đối.
Có giáo viên cho biết sẽ làm đơn kiện việc làm vô lý này. Hiệu trưởng nhà trường nói cứng, đây là chủ trương của huyện, của phòng, ai làm sai người ấy chịu trách nhiệm, tôi chỉ là người thực hiện, tôi không sai.
Đồng thời vị hiệu trưởng còn hù giáo viên nếu kiện, họ vào kiểm tra thì đồng chí chịu toàn bộ chi phí ăn ở cho họ.
|
Và ngay trong ngày hôm sau, khi thủ quỹ nhận lương về, nhà trường đã thu ngay số tiền giáo viên phải ủng hộ nộp về phòng.
Trách nhiệm xóa đói giảm nghèo cho người dân thuộc về ai?
Có giáo viên bức xúc nói rằng: “Việc xóa đói giảm nghèo cho người dân trong xã không phải là việc chính của giáo viên. Nhiệm vụ của chúng tôi là chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Việc xây dựng chuẩn nông thôn mới đầu tiên phải là sự phấn đấu của chính xã ấy, là sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền Ủy ban huyện, là sự đầu tư kinh phí của nhà nước.
Vậy tại sao lại quàng gánh nặng chăm lo về kinh tế lên vai chúng tôi?”
Giảm nghèo bằng cách nào thì phù hợp?
Việc xóa đói giảm nghèo phải được tiến hành trong nhiều năm thì thành quả có được mới chắc chắn. Cái này thường gọi là “Xóa nghèo bền vững”.
|
Việc bắt người dân trong khu vực đóng tiền để hỗ trợ những hộ nghèo, cách làm này có thể xóa nghèo nhanh nhưng không bền vì mới giải quyết được phần ngọn.
Nó chẳng khác gì kiểu làm xổi, không khéo còn xúc phạm đến người nhận giúp đỡ vì kiểu thương hại và ban ơn.
Người được nhận giúp đỡ có thể vui được không khi trong dư luận luôn râm ran về chuyện đóng góp?
Họ có thể sống thoải mái được không khi biết rằng những khoản tiền giúp đỡ kia không đến bằng lòng tự nguyện mà bị ép buộc?
Để thực sự xóa nghèo bền vững còn bao nhiêu cách hay, hiệu quả nhưng sao chính quyền nơi đây lại không áp dụng?
Đó là việc chính quyền có thể tạo công ăn việc làm (bằng một số nghề thủ công) cho người dân nơi đây làm thêm để tăng thu nhập hàng tháng.
Liên kết với ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho các hộ nghèo mượn tiền không lãi suất để mua bò, thời gian hoàn trả vốn từ 2-3 năm.
Việc làm này, sẽ mang lại khá nhiều mặt tích cực khi nỗ lực của chính quyền và của người dân họ đã thật sự thoát nghèo mà không để lại dư luận xấu như cách xóa nghèo hiện nay.