Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân hứa với Quốc hội điều gì?

07/11/2019 14:14
Đỗ Thơm
(GDVN) - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cam kết sửa quy định về văn bằng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đi vào thực chất.

Ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - ông Lê Vĩnh Tân là thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn tại Quốc hội về việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức.

Công tác đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ trưởng Nội vụ - ông Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Nội vụ - ông Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc – đoàn Hưng Yên nêu, tình trạng việc tổ chức thi, xét thăng hạng, nâng ngạch công chức, viên chức chưa rõ ràng, có nhiều bất cập, nhất là yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Vì yêu cầu đủ thủ tục nên cán bộ công chức, viên chức phải đi học nhưng theo kiểu đối phó, chất lượng chứng chỉ không thực chất.

Nhiều ngành nghề chưa thực sự cần chứng chỉ này nên mục đích chỉ là đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch, gây tốn kém.

Đại biểu Phúc chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Xin Bộ trưởng cho biết có hay không tình trạng này? Làm thế nào để khắc phục và có nên bỏ quy định này khi thi xét nâng ngạch hay không?”.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận qua dư luận báo chí, phản ánh của cử tri và nhất là từ công chức, viên chức ông cũng thấy quy định về văn bằng, chứng chỉ rất phiền hà.

"Không chỉ thi thăng hạng hay xét nâng ngạch đâu các đồng chí, mà còn ở quy trình bổ nhiệm. Nhiều quá!”, Bộ trưởng Tân nói.

Ông cho biết, những quy định này không phải mình Bộ Nội vụ đưa ra, mà đã có từ năm 1993, đến nay không còn phù hợp, cần phải chỉnh sửa.

“Tôi nghĩ hai mươi mấy năm rồi thì phải sửa chứ. Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này. Một quyết định mà 20 năm không sửa, để thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết sẽ sửa vào năm 2020 sau khi Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức được sửa đổi.

Thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch... đúng theo quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ nào”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành Nội vụ cũng cho rằng có nhiều cách kiểm soát chất lượng công chức, viên chức. Tin học, ngoại ngữ bây giờ phải thi trên máy tính, bài làm sát hạch bằng tiếng Anh, không cần phải có văn bằng. Phương pháp này có thể thực hiện để bớt đi thủ tục hành chính. 

Thu tiền học thăng hạng giáo viên là vi phạm Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT
Thu tiền học thăng hạng giáo viên là vi phạm Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT

Trong Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng của ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm.

Như vậy là chúng ta quy định về tuyển dụng công chức bằng ngoại ngữ là như nhau, còn ở từng vị trí phải có chứng chỉ văn bằng bằng cấp khác nhau, chúng tôi phải sửa cái này.

Đặc biệt thực hiện chủ trương của Nghị quyết 26 là phải có tỉ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế, nên từ cấp vụ trở lên phải đủ điều kiện giao tiếp bằng ngoại ngữ

“Tới đây sẽ quy định cụ thể, ví dụ cán bộ từ cấp vụ trở lên thì phải đảm bảo trình độ ngoại ngữ đủ để làm việc với quốc tế. Anh đi làm việc, hội thảo thì phải nghe và nói được tiếng nước ngoài", ông Tân cho biết.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cam kết trước Quốc hội: “Xin hứa với Quốc hội, sau khi Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ban hành thì chúng tôi sẽ sửa quy định về văn bằng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để không còn là gánh nặng với cán bộ công chức, viên chức mà đi vào thực chất”.

Cũng về những bất cập trong quy định về văn bằng, chứng chỉ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề trước Quốc hội. Đó là ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người cán bộ công chức, viên chức ở đó rất thông thạo tiếng nội ngữ, tiếng dân tộc, chúng ta có nhất định phải quy định lấy thêm cái chứng chỉ ngoại ngữ hay không?

"Đây là vấn đề được rất nhiều người phản ánh, chúng ta sẽ phải nghiên cứu", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khi điều hành phiên chất vấn.

Đỗ Thơm