Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trường Trường trung học phổ thông Đông Đô, Hà Nội, kiến nghị:
Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ Về chính sách khuyến khích phát triển cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập quy định: Tất cả các trường ngoài công lập “được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động”.
Mục 2 a điều 8: Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/05/2008, của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường tiếp tục khẳng định: Các trường ngoài công lập “được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động”.
Nghị định đã thể hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước ưu đãi, khuyến khích mọi lực lượng tham gia xã hội hóa giáo dục.
Quyết định số 1466/QĐ - TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường quy định để được hưởng thuế suất ưu đãi 10% các cơ sở giáo dục phải đạt được tiêu chuẩn:
Diện tích tối thiểu đất trên 1 học sinh ở thành phố là 8 m2 trên 1 trẻ mầm non, 6 m2 trên 1 học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, 30 m2 trên 1 học sinh trung cấp chuyên nghiệp và 55 m2 trên 1 sinh viên bậc đại học, cao đẳng.
Nếu không đủ tiêu chuẩn trên thì phải đóng 100% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Video thầy Võ Thế Quân chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này.
Quá trình thực hiện Quyết định số 1466/QĐ - TTg thấy bất hợp lý, nên Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 6/5/2013 bỏ tiêu chuẩn về diện tích đất trên 1 học sinh với các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học chuyển sang quy định diện tích sàn xây dựng trên học sinh.
Cụ thể: các trường trung học chuyên nghiệp tối thiểu 1,5 m2 trên 1 học sinh, các trường đại học, cao đẳng, tối thiểu là 2 m2 trên 1 học viên.
Tại Quyết định này tiêu chuẩn về diện tích đất trên 1 học sinh từ bậc mầm non cho đến trung học phổ thông vẫn giữ nguyên như Quyết định số 1466/QĐ -TTg .
Nhà nước ban hành chính sách xã hội hóa giáo dục để phát huy sức mạnh của tất cả các lực lượng tham gia vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Trong thời gian ngắn các quy định không nhất quán, không phù hợp thực tế đã gây khó khăn cho việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục.
Tôi có kiến nghị như sau: Quy định 6 m2 đất trên 1 học sinh là không phù hợp thực tế, đất là công thổ quốc gia thuộc sự quản lý của Nhà nước, các trường không thể tự mình có đất, mà phải được nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất.
Muốn đạt chỉ tiêu 6 m2 đất trên 1 học sinh thì phải đi kèm theo điều kiện tiên quyết là nhà nước đảm bảo đủ đất cho các trường ngoài công lập theo tiêu chuẩn trên (điều này đã được quy định tại Nghị định số 53/2006/NĐ-CP và Nghị định số 69/2008/NĐ-CP).
Hiện nay 95% các trường ngoài công lập không đạt định mức 6 m2 đất trên 1 học sinh. Vì vậy khi Nhà nước chưa có điều kiện đáp ứng nhu cầu về đất cho các trường ngoài công lập thì việc đưa ra quy định này là điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% là đánh đố, bắt bí các trường.
Kết quả là 95% các trường không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, như vậy Quy định này không phù hợp thực tế, cản trở chính sách xã hội hóa giáo dục.
5 năm sau khi thực hiện Quyết định số 1466/QĐ -TTg về diện tích đất trên 1 học sinh, Chính phủ thấy không hợp lý nên tại Quyết định số 693/QĐ-TTg đã đổi sang quy định về tích diện tích sàn xây dựng trên 1 học sinh đối với các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.
Vậy tại sao các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông vẫn giữ nguyên quy định về tính diện tích đất trên 1 học sinh? Đã sửa thì phải sửa triệt để!
Đề nghị bỏ Quy định 6 m2 đất trên 1 học sinh mới được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% mà chuyển sang quy định về diện tích sàn trên 1 học sinh như đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.
Ngày 5/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Chính sách thuế đối với các cơ sở giáo dục tư thục”. Tới dự tọa đàm có chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội. Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội). Thầy Nguyễn Anh Tuấn và cô Đàm Thùy Dương - đại diện Trường phổ thông liên cấp Wellspring Hà Nội. Cô Nguyễn Hồng Nhung - Kế toán trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội). Cô Đỗ Thu Hiền - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Giáo dục và Đào tạo phát triển kỹ năng sống Minh Trí (tỉnh Quảng Ninh). |