Chúng tôi cần tôn sư trọng đạo cả năm đâu cần sự tôn vinh của một ngày?

14/11/2019 06:28
Thuận Phương
(GDVN) - Lễ tri ân như một trào lưu rộ lên một ngày rồi tắt hẳn. Những điệp khúc buồn lại tiếp tục cho bao ngày còn lại trong năm.

Một thầy giáo vốn là giảng viên một trường đại học ở Quy Nhơn kể rằng: “Tôi hỏi con tôi đang học ở nước ngoài, rằng hàng năm có Ngày Nhà giáo với hoạt động như ta không?

Ảnh minh họa: ninhthuan.edu.vn.
                                                       Ảnh minh họa: ninhthuan.edu.vn.

Nó bảo con học mấy năm nay, từ ngày ở Nhật rồi sang Pháp, con không thấy người ta tổ chức gì.

Tôi hỏi, vậy ở nước người ta không có truyền thống "Tôn sư trọng đạo" như nước mình sao?

Nó bảo, 365 ngày với họ, ngày nào cũng tôn sư trọng đạo; còn cái trò nhận quà cáp, biếu xén như Việt Nam thì họ khinh ra mặt”.

Vẽ thiên đường trong mơ

Không được như nhiều nước trên thế giới 365 ngày thì ngày nào cũng tôn sư trọng đạo nên cần gì một ngày để tri ân?

Ở nước ta, cứ gần đến ngày 20/11 chúng tôi lại được nghe những điệp khúc quen thuộc ngợi ca "nghề cao quý”.

Những trang sử vàng về giáo dục bao đời cũng được phát lại ra rả trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày này qua ngày khác.

Những hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo rầm rộ diễn ra ở khắp nơi.

Người ta tổ chức lễ tặng hoa, ngợi ca công lao của thầy cô bằng những diễn văn, những lời tung hô và kết thúc các buổi lễ bao giờ cũng bằng cảnh ăn uống, nhảy nhót, hát hò đôi khi cả cảnh nhận quà và phong bì.

Chúng tôi cần tôn sư trọng đạo cả năm đâu cần sự tôn vinh của một ngày? ảnh 2
Có những món quà làm thầy cô bật khóc

Những lời ngợi ca, sự chúc tụng luôn dâng trào bay bổng tận mây xanh để những người chưa vào nghề phải khát khao và mơ ước.

Thế nhưng, những nhà giáo có thâm niên gần ba chục năm trong nghề thì hiểu rõ lý thuyết thì đẹp đến lạ lùng nhưng hiện tại lại chẳng kém phần chua chát

Nghề cao quý mà đồng lương còi cọc, có giáo viên dạy cả tháng chỉ hơn một triệu đồng.

Nhiều nhà giáo gần 30 năm cống hiến cho giáo dục vùng khó bỗng chốc bị hất văng ra đường không chút xót thương vì bao năm họ không cho xét biên chế.

Nghề cao quý mà cầm đồng lương ăn bữa trước phải lo bữa sau, không làm thêm nghề tay trái chẳng ai có thể duy trì nỗi cuộc sống bình thường hằng ngày.

Nghề cao quý mà phụ huynh bắt giáo viên phải quỳ, sẵn sàng dang tay tát vào mặt thầy cô khi nghi ngờ con bị phạt.

Phụ huynh sẵn sàng cầm nón bảo hiểm đánh cô đến trụy thai chỉ vì một vết bầm trên tay do khi chơi em bất cẩn bị ngã.

Học sinh đánh lại thầy cô ngay trên bục giảng, gọi gia đình vào trường đánh cô đến ngất xỉu chỉ vì nhắc nhở em học bài.

Học sinh kêu giang hồ, anh chị xử thầy giáo ngay cổng trường chỉ vì thầy khuyên trò chú tâm vào việc học, đừng giao du với bạn xấu.

Bạo hành thầy cô không còn là hiện tượng cá biệt mà đã trở thành chuyện khá phổ biến trong môi trường giáo dục hiện nay.

Vinh quang gì khi thầy cô lên lớp luôn trong tâm thế lo sợ bị phụ huynh hay bị chính học sinh hành hung bất cứ lúc nào. Chưa bao giờ đạo đức học đường lại đáng báo động như lúc này.

Có cần tôn vinh một ngày?

Đến ngày 20/11, các ngành giáo dục ở địa phương lại tưng bừng làm lễ tôn vinh. Các cấp chính quyền đến thăm trường hoặc gửi điện hoa, gửi quà, gửi thiệp chúc mừng.

Các trường tổ chức buổi lễ tri ân cho học sinh toàn trường, rồi màn tặng hoa chụp hình làm kỉ niệm. Học sinh tổ chức kéo nhau đến thăm thầy cô giáo.

Không ít phụ huynh (chủ yếu cấp mẫu giáo và tiểu học) chở con đến tận nhà thầy cô mang theo những phần quà lớn, nhỏ để biếu, tặng cùng những lời chúc tụng có cánh lại được dịp bay bổng, vang lên.

Lẽ tri ân như một trào lưu rộ lên một ngày rồi tắt hẳn. Những điệp khúc buồn lại tiếp tục cho bao ngày còn lại trong năm.

Giáo viên mong gì nhất?

Chúng tôi cần tôn sư trọng đạo cả năm đâu cần sự tôn vinh của một ngày? ảnh 3
Những mẩu chuyện, nhiều tâm tư... sau ngày 20/11

Đương nhiên các nhà giáo không mong gì lễ tri ân chỉ diễn ra trong một ngày bằng những lời ca tụng, tung hô có cánh.

Càng không mong để nhận được hoa, những món quà biếu tặng của phụ huynh, của học sinh.

Điều nhiều thầy cô mong mỏi nhất chính là nghề giáo được nhà nước quan tâm, dành cho những chính sách ưu tiên như giáo viên sống được bằng nghề.

Có chính sách đặc biệt cho những giáo viên đã cống hiến nhiều năm cho ngành giáo dục không phải sống trong những ngày tháng lo sợ bị sa thải bất cứ lúc nào.

Mong không còn bị áp đặt các loại chỉ tiêu để thầy cô được tự do đánh giá học sinh một cách công tâm nhất.

Mong phụ huynh hợp tác tốt với giáo viên để dạy dỗ và giáo dục học sinh được tốt nhất.

Khi không còn sự bảo trợ đặc biệt từ cha mẹ, học sinh, các em sẽ chăm ngoan, lễ phép hơn giúp cho việc giảng dạy của thầy cô sẽ không còn nhiều áp lực.

Đây cũng chính là sự tri ân mà thầy cô nào cũng mong đợi. Tri ân kiểu này nó bền vững chứ không như kiểu “mì ăn liền” như hiện nay chúng đang đua nhau thực hiện.

Thuận Phương