Theo thống kê của Chi cục An toàn thực phẩm, toàn thành phố Hà Nội có 4.534 bếp ăn tập thể và căng tin trường học ở các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông.
Trong thời gian qua, ngành y tế TP cũng với ngành giáo dục - đào tạo đã phối kết hợp chặt chẽ để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, giảm nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Cụ thể, ở khối mầm non có 3732 bếp ăn tập thể (2.884 bếp ăn của trường tư thục và 848 bếp ăn của trường công lập); Tiểu học có 535 (510 bếp ăn và 25 căng tin); Trung học cơ sở 200 (124 bếp ăn và 76 căng tin); Trung học phổ thông 67 (23 bếp ăn và 44 căng tin).
Số trường học tự nấu ăn là 4.024; số trường liên kết ký hợp đồng nhà thầu kinh doanh dịch vụ ăn uống là 415 (bao gồm 263 nhà thầu có địa điểm đăng ký kinh doanh tại trường, 152 nhà thầu không có địa điểm đăng ký kinh doanh tại trường).
Đến nay có 95 trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn.
Bữa ăn bán trú của học sinh tiểu học trên địa bàn Hà Nội. |
Qua kiểm tra cho thấy, tất cả các trường có bếp ăn tập thể đều ký kết hợp đồng thực phẩm với nhà cung ứng đảm bảo tính pháp lý; 89% trường học có Ban chỉ đạo, Tổ tự giám sát bếp ăn tập thể trường học và kiểm soát sữa học đường; 93% trường xây dựng và triển khai đầy đủ kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể và kiểm soát sữa học đường.
Kết quả kiểm tra, giám sát cũng cho thấy, 91% nhà trường đã cam kết trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm, công khai nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; 90% bếp ăn có hồ sơ pháp lý; 82% bếp ăn có đủ sổ sách theo dõi việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm. Đồng thời, đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến tại bếp ăn tập thể.
Về nguồn nhân lực, có 9.164/10.275 người tham gia chế biến, cô nuôi trong bếp ăn tập thể trường học có kiến thức về an toàn thực phẩm, được khám sức khỏe, đạt 89,2%. 80% nhân viên nấu ăn, nhân viên phục vụ được trang bị bảo hộ lao động phù hợp, đảm bảo vệ sinh.
Thống kê cho thấy 90% các trường học có đầy đủ sổ sách ghi chép việc thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định; quy trình bảo quản, sơ chế, chế biến, vận chuyển thực phẩm đảm bảo vệ sinh.
Hoa hồng suất ăn bán trú… không thơm đâu |
Lưu mẫu thức ăn đảm bảo đủ 24 giờ, có đủ thông tin người lưu, giờ lưu và được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Thống kê của Chi cục An toàn thực phẩm cũng cho thấy từ năm 2014 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể với tổng số 235 người mắc, không có tử vong.
Tất cả các sự cố về an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn được điều tra, xử lý kịp thời, không để tử vong do ngộ độc thực phẩm. Lấy mẫu thức ăn, thực phẩm nguy cơ ô nhiễm gửi xét nghiệm khi cần thiết.
Trong thời gian tới, ngành y tế và ngành giáo dục sẽ tích cực phối kết hợp trong công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn để các nhà trường, bếp ăn tập thể khắc phục tồn tại, thực hiện tốt quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của giáo viên và học sinh.
Mới đây Ban Thường trực Ủy ban Mặt trật Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 17/KH-MTTQ-BTT, triển khai giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2019.
Trong quý 3/2019, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; tiến hành kiểm tra 108 cơ sở, trong đó, xử lý vi phạm hành chính 15 cơ sở với tổng số tiền phạt là 165 triệu đồng.