Có dịp lắng nghe chia sẻ của cô giáo Trần Thị Bá Tiền hiện đang là giáo viên dạy âm nhạc tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hà Đông, thuộc xã Hà Đông - Đak Đoa – Gia Lai – nơi các trung tâm thị trấn Đak Đoa hơn 50km và 100% dân cư là người đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện đi lại khó khăn giúp tôi hiểu được bầu nhiệt huyết của các thầy cô nơi đây.
Nhớ lại năm 2014 vào ngày biết mình trúng tuyển và được đi dạy cô Bá Tiền (sinh năm 1984 tại xã Đăk Hlơ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) vui mừng khôn xiết bởi lẽ từ nay được theo đuổi ước mơ là người giáo viên âm nhạc mang tiếng hát, nụ cười đến cho các em học sinh nhỏ.
Cô Bá Tiền (ngoài cùng bên trái) đi dạy trường cách nhà hơn 130 km. Hằng ngày, không ngại khó ngại khổ, mỗi tuần thứ hai đến trường sớm và chiều thứ sáu cô về với gia đình. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Cô Bá Tiền kể: “Khi nhận được quyết định và biết mình được tuyển dụng về trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hà Đông tôi rất tò mò về ngôi trường mới này, không biết nó ở đâu và như thế nào.
Chỉ biết ngôi trường cách nhà tôi ở khoảng 130km. Lúc đầu vợ chồng tôi rất băn khoăn, lo lắng và hơi e ngại về quãng đường xa nhưng với lòng yêu nghề và ao ước được đứng trên bục giảng của mình nên chúng tôi động viên nhau cùng tiếp tục vào tìm hiểu ngôi trường mới này.
Vừa đi vừa hỏi thăm đường, quãng đường đi càng lúc càng vào sâu trong rừng khiến tôi thấy rất hoang mang và ngần ngại. Nhưng khi vừa đến nơi, được đồng nghiệp, học sinh chào đón và hỏi thăm rất ân cần, cảm giác lo lắng, hoang mang trong tôi dần như tan biến. Lúc này tôi cảm thấy mình yêu quý và rất muốn gắn bó với ngôi trường này”.
Hành trình đến với lớp học tình thương của “thầy giáo” 9X |
Và rồi những ngày đầu đến lớp, nhìn ánh mắt ngây thơ trong sáng, hồn nhiên của các em học sinh cô Bá Tiền tự nhủ rằng bản thân mình cần phải cố gắng và nhiệt huyết hơn nữa để mang đến con chữ cho các em, có lẽ không có niềm hạnh phúc nào bằng niềm vui, niềm hạnh phúc khi được thấy các em ngày ngày được cắp sách tới trường, được vui chơi, học tập cùng bạn bè.
“Được thấy các em khôn lớn và trưởng thành từng ngày là niềm hạnh phúc nhất của những người giáo viên chúng tôi”, cô giáo này chia sẻ.
Được biết, hiện nay cô Bá Tiền và gia đình đang cư trú tại xã Đak Hlơ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, cô đi dạy hơn 130 km. Hằng ngày, không ngại khó ngại khổ, mỗi tuần thứ hai đến trường sớm và chiều thứ sáu cô về với gia đình ở huyện Kbang.
Gia đình khó khăn, chồng đi làm thuê, hiện hai vợ chồng cô đang có 2 đứa con nhỏ (một cháu học lớp 7, một cháu học lớp 1) và đang nuôi một mẹ già.
Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, đi lại xa xôi nhưng vì yêu nghề, yêu các em học sinh, cô đã luôn khắc phục khó khăn riêng của bản thân, hoàn thành công việc được giao và hết lòng với các em học sinh.
Cô Bá Tiền tâm sự, hiện Hà Đông còn nhiều khó khăn vất vã nhưng ở đây mọi người sống với nhau thật tình cảm và chân thành. Ngày ngày được nghe các em cất lên những giai điệu thân thương của những bài hát mà bản thân mình đã dạy đó là niềm hạnh phúc vô bờ.
“Điều mong ước của tôi lúc này là được thấy các em ngày ngày đến lớp, được học tập và vui chơi. Các em sẽ có một tương lai tươi sáng hơn, sẽ trở thành người tốt, người có ích cho xã hội. Góp phần xây dựng quê hương Hà Đông ngày càng giàu đẹp.
Giờ đây, tôi nguyện sẽ đem hết sức lực và nhiệt huyết tuổi trẻ của mình để tiếp tục cống hiến cho nền giáo dục xã Hà Đông”, cô Tiền nói.
Qua chia sẻ được biết, cô Tiền là giáo viên được Ban thư ký Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Gia Lai giới thiệu là gương giáo viên tiêu biểu tham gia Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2019.