Bước chân vào lớp học, thấy trên bàn có rất nhiều hoa, cô giáo A. hỏi cả lớp: “Đây là hoa của những em nào?”
Tặng quà thầy cô giáo ngày 20/11 (Ảnh minh họa: doisongvietnam.vn). |
Một số học sinh đứng lên nói: “Có phong bì ghi tên con trong đó mà cô”. Cầm từng bông hoa lên, cô A. thấy chiếc phong bì nằm gọn trong đó.
Cô giở từng chiếc phong bì và gọi trò lên nói: “Cô nhận bông hoa này còn phong bì con đem về cho mẹ nói rằng cô cảm ơn”.
Có học sinh vui mừng cầm về chỗ, có em lưỡng lự ra chiều nghĩ ngợi và nói lại: “Tiền trong đó cô ạ. Hai trăm nghìn đồng, sao cô lại trả lại?”
Chẳng riêng gì cô A. được học sinh tặng như thế. Đồng nghiệp của tôi dạy học trong nhiều trường học ở các địa phương cũng kể lại hàng chục kiểu tặng quà của học sinh.
Có nhiều câu chuyện thật cảm động nhưng cũng không ít câu chuyện cười ra nước mắt.
Có em tay xách bị quà hay chiếc phong bì chạy nháo nhác khắp trường mắt dáo dác ngó quanh để tìm thầy cô giáo mình cần tặng. Gặp thầy cô, có em nói: “Mẹ con cho cô đấy”.
|
Có học sinh lớp 2 còn nói: “Mẹ bảo nộp cho cô”.
Nghe mà đắng lòng, thấy xót xa, mà thương các em chưa hiểu gì chuyện ấy đã bị cha mẹ cho làm quen với phong bì, quà cáp ngay từ khi còn rất nhỏ.
Thương trò lại càng trách phụ huynh sao nỡ bắt các em làm như thế? Tri ân kiểu gì lạ vậy hay chỉ đơn thuần xem như là trách nhiệm phải theo?
Một đồng nghiệp khác lại đã kể cho tôi nghe câu chuyện: “Nói không với phong bì” của mình.
“Từ sáng tới giờ, em đã trả lại rất nhiều phong bì rồi. Nói chung nhận phong bì của học sinh mang tiếng lắm. Mình nghèo cũng đã nghèo, có thêm chừng ấy cũng chẳng thể giàu hơn.
Mà nhiều phụ huynh tặng mình xong rồi lại ra ngoài kể: “Vừa mất toi mấy trăm ngàn vì ngày tết thầy cô” nghe xót xa lắm”.
Một đồng nghiệp khác góp lời: “Lúc sáng, có mấy phụ huynh gọi điện hỏi thăm nhà, em phải nói dối mình đã đi khỏi để đỡ mất công đưa qua trả về phiền phức.Thế mà họ lại gửi con chiều mang lên lớp tặng thầy”.
Có đồng nghiệp khác lên tiếng: “Em cũng trả lại phong bì thấy nhận thì kì quá. Nếu phụ huynh tặng cho chai dầu, chai sữa tắm, mảnh áo dài, cuốn sổ hay cây bút mình nhận cũng được vì họ đã trót mua rồi”.
Người lại dứt khoát: “Đã không nhận quà thì tuyệt đối không nhận thứ gì. Phong bì hay hiện vật cũng là quà.
Mình trả lại lần này thì lần khác nhất định họ sẽ không tặng nữa như thế sẽ không tạo ra tiền lệ xấu.
Có giáo viên cho rằng: “Mình không gợi ý, không kêu gọi học sinh nói ba mẹ mua quà. Phụ huynh tự nguyện đến tặng, mình từ chối là phụ lòng người ta…”
Có giáo viên nhất định chỉ nhận quà của những học sinh cũ bởi đây không phải là món quà toan tính, đó thật sự là quà của long tri ân.
Lại có giáo viên thẳng thắn mỉa mai: “Bày đặt trả lại, họ cho thì nhận mình có xin đâu?”.
Trong thực tế, không phải phụ huynh nào cũng tặng quà với lòng toan tính theo kiểu “Để thầy cô ưu ái, chăm sóc con mình hơn các bạn”.
Nhiều phụ huynh có con luôn chăm ngoan, học giỏi. Phụ huynh nói mình tặng quà để “Cám ơn về công lao dạy dỗ của cô thầy”.
Bởi thế, cách tặng quà cũng rất thành tâm và tế nhị. Nhiều giáo viên cũng đã tìm mọi cách từ chối nhưng “phần thắng” luôn về phía phụ huynh.
Nhận quà hay không nhận? Nhận quà còn phong bì thì không? Phụ huynh tự nguyện tặng thì mình có quyền nhận chẳng sao cả?
Câu chuyện về quà tặng, về cách tặng quà của phụ huynh vẫn luôn là đề tài được nhiều thầy cô bàn tán sôi nổi mà nghe ra ai cũng có cái lý của mình.
Còn riêng bạn thì sao?