Trong một lớp học tại trường tiểu học Eliot Bank ở Forest Hill, phía đông nam London, những bé 7 tuổi đang ngồi khoanh gối thành một vòng tròn, chống cằm suy nghĩ về một câu hỏi nan giải do Peter Worley - giáo viên triết học đặt ra: "Có thể bước qua hai lần trên một dòng sông hay không?"
Từng em nhỏ nhíu mày. Những câu trả lời lần lượt được đưa ra: "Em nghĩ chúng ta có thể bước qua hai lần vì nếu bước qua một lần với một chân, ta có thể bước lần thứ hai với chân còn lại".
"Bạn có thể bước một lần qua dòng sông một ngày rồi về nhà. Rồi ngày hôm sau bạn có thể quay trở lại cùng một dòng sông rồi làm lại việc đó"...
Một bé trai bỗng lên tiếng: "Nếu bạn bước qua dòng sông vào thứ bảy và rồi bước qua dòng sông vào ngày hôm sau, nơi bạn đã bước qua hôm thứ bảy sẽ biến mất rồi vì dòng sông cứ tiếp tục chảy".
"Ồ", Worley reo lên, "Nghe thú vị đấy. Điều này thật sự khiến thầy phải suy nghĩ".
"Em nghe nói rằng tất cả những sông và biển trên thế giới rồi cũng tập hợp lại với nhau", một bé gái liền giơ tay, "Dù sao dòng sông đó cũng chỉ thuộc một đại dương lớn thôi mà!"
Học triết để suy nghĩ thấu đáo và khác thường
Các em học sinh 7 tuổi trên đang cố giải quyết một câu hỏi triết học mà triết gia Hy Lạp Heraclitus đã đặt ra từ hàng thế kỷ trước.
"Tôi nghĩ triết học quan trọng vì triết học là về suy nghĩ, và về suy nghĩ sao cho thấu đáo. Và nếu suy nghĩ có vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta lẫn trong giáo dục, thì chắc bất cứ thứ gì liên quan đến suy nghĩ cũng quan trọng y như vậy", Worley nói về vai trò của triết học với giáo dục phổ thông.
Theo Worley, những bài học triết học như ví dụ trên đây khuyến khích những đứa trẻ đặt câu hỏi khác thường và phải "vắt óc suy nghĩ" cũng như vận dụng trí tưởng tượng để tìm câu trả lời.
Cuốn sách "Cửa hiệu triết học". |
Trong cuốn sách "Cửa hiệu triết học" tổng hợp những bài tập triết học cho trẻ, Peter Worley bắt đầu mỗi bài tập bằng những câu hỏi hay câu chuyện về dòng sông, chiếc bánh Donut, con dao và kết thúc bởi những câu hỏi "xa hơn", như về sự thay đổi, sự tồn tại, sự hiện hữu.
Những câu hỏi này là cánh cửa để rèn luyện khả năng tư duy, mở mang trí tuệ cũng như khả năng kiến giải cuộc sống.
Bên cạnh đó, thông qua quá trình cùng nhau bàn luận vấn đề triết học với bạn bè trong lớp học, trẻ phát triển khả năng giao tiếp, tư duy phản biện, kỹ năng lập luận và tranh luận.
Đã có những nghiên cứu về ảnh hưởng tích cực của triết học tới kết quả học tập của trẻ. Còn trong ấn bản bàn về những lý do tại sao triết học nên được đưa vào giáo dục phổ thông, một trong những lý do chính yếu được tạp chí Philosophy in Schools dẫn ra là khả năng cải thiện năng lực tư duy và khả năng suy luận cho trẻ.
Học triết để sống tự do
Bên cạnh những kỹ năng liên quan đến suy nghĩ và tư duy phản biện, triết học rất cần thiết cho những đứa trẻ - vốn đang ở giai đoạn tìm hiểu về thế giới xung quanh - ở phương diện tiếp cận cuộc sống.
Thông qua việc đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi triết học, trẻ học được cách nghĩ về thế giới theo một cách khác biệt, thấu đáo, đầy nghi ngờ nhưng độc lập và đa dạng.
"Chúng ta cần triết học bởi vì đó là thứ để con người suy nghĩ, tư duy, chiêm nghiệm", Peter Worley cho hay.
Và bởi vì không có câu trả lời nào được công nhận là "đúng" hay "sai", triết học cho phép mỗi đứa trẻ khám phá chính thế giới quen thuộc từ góc nhìn độc lập, thách thức những định kiến. Đây là nền tảng cho sự độc lập của một con người trưởng thành trong tương lai.
Trong một thế giới có quá nhiều biến động như hiện nay, năng lực này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
"Những đứa trẻ đang bước vào một thế giới với quá nhiều thay đổi. Chúng ta không thể dự đoán những gì về mặt chuyên môn hay kiến thức, nhưng có một điều mà chúng ta có thể trang bị cho những đứa trẻ là sự tự tin và một ý niệm về việc tự suy nghĩ và ra quyết định", Worley cho biết.
Chẳng hạn, khả năng chất vấn những định kiến mà suy nghĩ về thấu đáo mà trẻ rèn luyện được từ triết học, giúp trẻ đối mặt với những tình huống tiến thoái lưỡng nan trong cuộc sống sau này.
Còn riêng dưới góc độ giáo dục, Peter Worley cho rằng triết học trang bị cho những đứa trẻ khả năng chất vấn mọi thứ - khiến chúng không bị giới hạn hay áp đặt bởi những điểm yếu của bất kỳ hệ thống giáo dục nào:
"Vì triết học có khả năng đặc biệt là bước ra ngoài khỏi chính nó và bước ra ngoài bất cứ hệ thống nào - chúng ta có triết học giáo dục, triết học toán học - tôi nghĩ triết học có một vai trò quan trọng một người bảo vệ.
Ví dụ, nếu chúng ta có triết học trong hệ thống giáo dục, thứ gì đó bước ra khỏi hệ thống và đặt câu hỏi về hệ thống đó, có nghĩa là chúng ta có điều gì đó để bảo vệ chính mình".
Là chủ tịch kiêm đồng sáng lập Quỷ Triết học, giảng viên của Royal Society of Arts và giành học vị tiến sĩ tại King's College London, Peter Worley có kinh nghiệm lâu năm giảng dạy và nghiên cứu về phương pháp sư phạm trong triết học Plato. Theo Worley, giống như âm nhạc, triết học là môn học là trẻ có thể thực hành mà không cần biết bất cứ điều gì về lịch sử hay hệ thống phương pháp. Cách tiếp cận của Worley trong dạy triết học trong trường học là không dạy trẻ về lịch sử hay lý thuyết, mà thay đó sử dụng những câu chuyện thú vị và những câu hỏi gây tò mò. Từ đó, tạo nên những cuộc đối thoại triết học hấp dẫn trong lớp học. "Cửa hiệu triết học" - cuốn sách tập hợp những bài đối thoại triết học trong lớp học của Peter Worley - đã nhận được giải Education Resources Award tại Best Educational Book năm 2012. Giành chiến thắng tại New England Book Festival 2012 cho hạng mục Compilations / Anthology, đồng thời thắng chung cuộc giải ForeWord Review Book năm 2012. |