Chiếc ghế, chén đũa dành cho thầy giáo cũ

16/11/2019 07:29
Lê Mai
(GDVN) - Nếu ai đó không có một người thầy để nhớ, đừng vội trách họ không tôn sư trọng đạo. Mỗi người có một cách để tôn sư trọng đạo của riêng mình.

Là học trò, học rất nhiều thầy cô giáo, thế nhưng đọng lại trong mỗi người, không phải tất cả thầy cô đã dạy mình.

Là giáo viên, dạy rất nhiều học sinh, thế nhưng cũng không phải họ nhớ tất cả, mà chỉ nhớ một số học trò. 

Có người nói, nếu không có một người thầy để nhớ, cuộc đời bạn thật vô nghĩa; nếu không có một học trò nào nhớ mình, cuộc đời dạy học của bạn thật đáng buồn. 

Nhớ thầy, nhớ trò, e là cái duyên của mỗi người. Nếu ai đó không có một người thầy để nhớ, đừng vội trách họ không tôn sư trọng đạo. Mỗi người có một cách để tôn sư trọng đạo của riêng mình. 

Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. (Ảnh minh họa: baophapluat.vn).
Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. (Ảnh minh họa: baophapluat.vn).

Chúng tôi thường tổ chức họp lớp hàng năm, khi thì nơi này, khi thì nơi khác. Mỗi kỳ họp lớp là một dịp nhớ lại thời thơ ấu, một dịp du lịch đến miền đất mới của tổ quốc. 

Cứ mỗi lần ăn cơm, bạn Dũng (tên nhân vật đã thay đổi) lại lấy một bộ chén đũa, một cái ghế trống đặt kế bên mình. Dũng nói đây là thói quen của mình từ khi … trưởng thành đến nay.

Có những chuyện đã 40 năm rồi mới dám nói, dám thú nhận.

Ngày chúng tôi học lớp 10 (nay lớp 12), thầy giáo dạy địa lý của chúng tôi là thương binh, thầy không có điều kiện lập gia đình do thương tật; thầy sống một mình trong khu tập thể; thầy gần gũi chúng tôi vì “không chịu” học môn thầy. 

Trong một lần họp lớp, các bạn nhắc đến thầy “địa” bị mất nửa nồi cơm, chuyện chiếc ghế trống kế bên Dũng mới được sáng tỏ. Chiếc ghế, chén đũa dành cho thầy giáo, ân nhân đã khuất của Dũng. 

Nhà chúng tôi xa trường, thỉnh thoảng học cả ngày, lại cơm đùm mo cau ở lại; thầy “Địa” lại kêu mấy đứa vào ăn chung cùng mình cho vui; cứ mở vung ra, y như rằng nồi cơm chỉ còn một nửa.

Tháng 11 nghĩ về sự tôn vinh những người thầy ngày nay
Tháng 11 nghĩ về sự tôn vinh những người thầy ngày nay

Lúc đầu chúng tôi tưởng thầy đã ăn sáng, nửa còn lại ăn trưa, mãi sau này mới biết có “con mèo” ăn vụng cơm thầy. 

Sau bốn mươi năm chôn vùi ký ức, hôm nay ông chủ Dũng mới thú nhận mình là “con mèo” ngày ấy.

Dũng mồ côi mẹ, nên sáng không ai gói cơm để ở lại học cả ngày, tiết bốn là cậu ta lại hóa “con mèo”, thầy biết, nhưng tránh không cho Dũng thấy, nhờ vậy Dũng mới học hết cấp ba. 

Thành đạt, Dũng về tìm thầy trả nghĩa, chỉ gặp thầy nơi nghĩa trang liệt sĩ; thầy bị tái phát vết thương, đã mất, được công nhận Liệt sĩ; gia đình người quản trang liệt sĩ đã được Dũng nhờ hương khói hàng ngày cho thầy mười mấy năm nay. 

Cũng đã mười mấy năm qua, cái ghế trống và bộ chén đũa luôn ở bên cạnh Dũng mỗi khi ăn cơm bất cứ chỗ nào, trở thành thói quen gây tò mò cho mọi người.

Tuổi học trò của chúng tôi chưa bao giờ được dự lễ 20/11, mỗi người tri ân thầy cô mình theo mỗi cách khác nhau, tận sâu đáy lòng nhớ thầy, ơn cô mới thực sự tôn sư trọng đạo.

Nhớ thầy cô giáo cũ, biểu hiện của một người trưởng thành tâm đức; xin hãy dành cho nhà giáo nụ cười cảm thông. 

Chưa bao giờ nghề giáo gặp nhiều áp lực như hôm nay, sẻ chia, cảm thông với giáo viên là cách tôn sư, trọng đạo nhất, điều giáo viên cần nhất hôm nay.        

Lê Mai