Khát vọng con chữ của cô nữ sinh người dân tộc Lự
Cô nữ sinh Tao Thị Ón (sinh năm 2001) người dân tộc Lự, ở bản Nậm Ngập (xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), Ón 1 trong 10 học sinh dân tộc Lự (số dân dưới 10.000 người), không học trường phổ thông dân tộc nội trú đã trúng tuyển vào đại học năm 2019.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 8 anh chị em đa phần đều làm nương, được mùa hay mất mùa đều phụ thuộc vào “tâm trạng của ông trời” nên cuộc sống của Ón và anh chị em rất vất vả.
Ón không còn nhớ rõ mặt mẹ mình vì mẹ mất khi em hơn 1 tuổi, hai năm sau không may người bố cũng ra đi.
Mồ côi cả bố lẫn mẹ, Ón sống cùng gia đình anh trai, chị gái.
Vì gia đình anh chị cũng nghèo khó, kinh tế còn khó khăn nên không đủ tiền cho Ón ăn học.
Vì thế Tao Thị Ón từng suýt nữa đánh mất cơ hội được đến trường.
Tao Thị Ón nhận học bổng trong Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu năm 2019. |
Thương em, dù kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào mấy thửa ruộng nương nhưng anh chị cũng đã rất cố gắng để có thể cho em theo học được hết lớp 12.
Trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019, bằng nỗ lực của mình Ón đã đạt được số điểm thi đại học là 23,5 cao nhất lớp với điểm Ngữ văn là 7, Địa lý 8, Lịch sử 8,5.
Tuyên dương 120 học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu |
Sống ở vùng kinh tế còn khó khăn, không mấy học sinh dân tộc thiểu số có thể học lên lớp 12 chứ đừng nói đến đạt kết quả thi đại học cao như Ón.
Nỗ lực của Ón còn thể hiện bằng việc em không học trường nội trú. Bởi khác với các trường nội trú, trường thường có điều kiện vật chất tạm bợ và chất lượng giảng dạy còn yếu kém.
Tao Thị Ón kể: “ Hết cấp 2 em có nguyện vọng muốn thi lên trường nội trú huyện nhưng mà vì hoàn cảnh nên anh chị em không đồng ý. Cuối cùng em học ở bản trường Trung học phổ thông Nậm Tăm”.
Ngày Ón nhận kết quả thi đại học cũng là ngày trái tim em tan vỡ vì anh chị quá khó khăn có thể nuôi Ón học Đại học.
Tạm gác ước mơ, Ón xin anh chị xuống Hà Nội tìm việc làm để hỗ trợ gia đình, Ón xin làm thêm ở một quán bia ở Bắc Từ Liêm.
Trong lúc bạn bè cùng trang lứa vẫn đang cắp sách đến trường, khám phá bao nhiêu điều mới mẻ của cuộc sống, xây ước mơ bằng khoảng trời tuổi trẻ của mình thì Ón phải bước vào hành trình cuộc sống trong quán bia.
Tuy vậy, hi vọng và hạnh phúc đã mở ra khi sự giúp đỡ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Ủy Ban dân tộc tạo điều kiện hỗ trợ các em học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, Ón đã được đi học.
Với số điểm thi của mình, Tao Thị Ón đã đỗ vào Học viện phụ nữ Việt Nam và hiện tại đang theo học tại lớp Quản trị dịch vụ du lịch lữ hành CK7.
Cô sinh viên dân tộc Lự trong hoạt động ghi tên vào sổ Vàng ở Văn miếu Quốc Tử Giám chiều ngày 11/11/2019. ( Ảnh: Đức Minh) |
Không nhiều sách vở, không học thêm, bí quyết ôn thi đại học của Ón là nghe giảng trên lớp rồi ôn tập ở nhà. Gần mùa thi thì tranh thủ hỏi thêm cô giáo nhiều vấn đề mình còn thắc mắc.
Cô giáo là nơi duy nhất em có thể hỏi bài nên dù thời tiết khắc nghiệt như thế nào em vẫn đi đến trường để tích góp thêm kiến thức.
Không được cưng chiều, bao bọc như bao bạn bè cùng trang lứa nhưng với Ón chưa bao giờ em lấy lí do đó để cho phép bản thân mình được phép thôi học.
Ngược lại, học tập, hiểu biết kiến thức nhiều hơn, làm giàu phát triển quê hương mình chính là mục tiêu mà cô nữ sinh này đang phấn đấu.
Tối 12/11/2019 vừa qua Tao Thị Ón được vinh dự là một trong 120 học sinh, sinh viên, thanh niên được vinh danh tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2019.
Giấc mơ từ bản nhỏ của Tao Thị Ón.
Ón bây giờ đã trở thành sinh viên đại học, trong giấc mơ của cô gái dân tộc Lự có nhiều dự định nhưng hoài bão lớn nhất của em là phát triển quê hương, nơi em sinh ra và trưởng thành.
Ón chia sẻ: “Em rất thích đi du lịch nên xuống Hà Nội là một điều tuyệt vời đối với em.
Nhưng mà em vẫn chưa có dịp đi đâu vì trước thì cứ lo đi làm còn giờ chỉ vừa nhập học chưa quen nhiều.
Ở Lai Châu, tiếng Anh không được học nhiều như các bạn ở dưới này nên tối đến em phải tự học để có thể bắt kịp được các bạn.
Em nghĩ phải học Tiếng anh tốt hơn để có thể giao tiếp và cũng để có cơ hội được đi nhiêu nơi hơn.
Cũng vì yêu du lịch và em nghĩ đó cũng là hướng để giúp bà con xóa nghèo nên em chọn quản trị du lịch lữ hành là lớp mà mình theo học.”
Dù vất vả hơn những bạn bè đồng trang lứa khác nhưng vẫn tiếp tục được đến trường nên cô nữ sinh dân tộc thiểu số chặng ngại ngần gì.
Em vẫn vui tươi và không ngừng cố gắng.
Tao Thị Ón trong chương trình vận động hiến máu “ Lửa hồng” được tổ chức tại Học viện Phụ nữ Việt Nam. ( Ảnh: Ngọc Trang) |
Nếu như đồng bào các dân tộc thiểu số thường dừng việc học sớm vì nghĩ rằng nó không mang lại lợi ích gì, không giúp được gì cho cuộc sống của họ thì Ón lại nuôi giấc mơ đi học với hoài bão lớn hơn:
“Nếu ổn định, không phải đi quá xa chỗ mình thì em thích làm kinh doanh về lĩnh vực du lịch. Em thích du lịch nhưng mong muốn lớn hơn là hy vọng mọi người biết thêm nhiều điều mới mẻ hơn ở quê hương mình.”
Hơn thế nữa cô bạn còn thích thú tâm sự: “Kinh doanh thì con người được hoạt động nhiều hơn, giao tiếp nhiều, không bị ì người.
Trên chỗ em thì có nhiều cô chú ở trong bản làm kinh doanh nên em rất ngưỡng mộ vì họ năng động nên em cũng muốn trở thành một người như thế.”
Khi chúng tôi hỏi với giấc mơ lớn như thế Ón định bắt đầu như thế nào cô bạn trả lời:
“Chỗ em bây giờ bán hàng thì có rất nhiều người làm rồi nhưng tổng hợp bao gồm nhiều dịch vụ như nhà hàng, nhà nghỉ, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp thì chưa có mấy.
120 sinh viên tiêu biểu các dân tộc thiểu số ký sổ Vàng |
Với cả vấn đề làm đẹp cũng bắt đầu được mọi người chú ý nên em cũng muốn mở rộng thêm.”
Ón còn hào hứng kể: “Bây giờ em đang học du lịch, em cũng nghe thông tin của mấy anh bên ủy ban xã là tầm vài năm nữa bên tỉnh sẽ triển khai lĩnh vực du lịch.
Nên trước khi có thể kinh doanh em có thể xin làm hướng dẫn viên du lịch hoặc trong các khách sạn ở quê em để học hỏi trước.”
Cô bạn còn muốn mình có thể quay trở về giúp đỡ cho nhiều bạn khác ở quê mình có thể tiếp tục đi học, tạo cho mình những cơ hội mới làm giàu trên quê hương.
Với Ón, cố gắng chưa bao giờ là đủ, sống cho mình không phải là tất cả mà sống có ý nghĩa với cuộc đời mới là điều em hướng đến.