Khó gian lận xăng dầu nếu không có sự thông đồng từ lãnh đạo doanh nghiệp

16/11/2019 07:23
Hưng Long
(GDVN) - Đại gia Trịnh Sướng kinh doanh xăng dầu kém chất lượng với quy mô lớn đã khiến người dân bất an với chất lượng sản phẩm đang được kinh doanh trên thị trường.

Doanh nghiệp chân chính phải có hệ thống kiểm soát chặt chẽ

Tháng 5/2019, Bộ Công an đã lập chuyên án và triệt phá đường dây sản xuất xăng giả của đại gia Trịnh Sướng với quy mô lớn. Người tiêu dùng trên cả nước chưa khỏi lo âu với chất lượng xăng dầu đang được lưu thông trên thị trường.

Để làm rõ vấn đề này, ông Cao Hoài Dương – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam – Công ty cổ phần (PVoil) phân tích về quy trình và quy chế cung ứng xăng dầu phải chặt chẽ.

Ông Cao Hoài Dương – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam – Công ty cổ phần (PVoil). (Ảnh: Hưng Long).
Ông Cao Hoài Dương – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam – Công ty cổ phần (PVoil). (Ảnh: Hưng Long).

Về lý thuyết thì phải chuẩn và quản lý chặt từ khâu nhập hàng ở các nguồn. Ông Dương nói, như đối với PVoil thì nhập hàng đúng phẩm chất từ các đối tác Shell, Total…   

Thứ hai, đối với nguồn xăng dầu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn thì luôn đảm bảo 100% chất lượng; thậm chí chất lượng của nhà máy lọc dầu ở đây còn tốt hơn so với quy định của nhà nước.

Thứ ba, công tác pha chế phải được kiểm soát quy trình chặt chẽ. PVoil gắn với trách nhiệm quy trình phải rõ ràng từ người Giám đốc là cán bộ quản lý cho đến nhân viên.

Đã gắn với trách nhiệm rồi thì thực hiện bằng quy trình giám sát theo cơ chế. PVoil thực hiện cơ chế giám sát với đề án 808 và 1114.

PVOIL đã sãn sàng công tác cổ phần hóa
PVOIL đã sãn sàng công tác cổ phần hóa 

Theo đề án 808 và 1114 thì mỗi đề án có 2 đội đặc nhiệm phụ trách ở phía Bắc và phía Nam để giám sát, kiểm tra đột xuất các cửa hàng xăng dầu của PVoil.

Các đội này sẽ sử dụng biện pháp kiểm tra tại hiện trường, qua camera để ngăn chặn hành vi gian lận xăng dầu. Các cửa hàng của PVoil đều có gắn camera kết nối tín hiệu về đến công ty.

Những cửa hàng nào nghi vấn thì đội 808 và 1114 sẽ ngồi tại chỗ để kiểm tra trực tiếp. Khi xác định rõ dấu hiệu gian lận, đội 808 và 1114 sẽ có mặt tại cửa hàng để tiến hành các biện pháp tiếp theo.  

Một công đoạn nữa là bàn giao, lấy mẫu, niêm phong, nẹp chì đều theo quy trình chi tiết. Quy trình này đều được ứng dụng công nghệ để kiểm tra.

Ông Dương nhận định, PVoil đặt trường hợp chủ quan cho rằng, quy trình kiểm soát xăng dầu rất chặt chẽ nhưng cũng có những biện pháp hậu kiểm.

“Chữ Tâm” của doanh nghiệp nâng tầm thương hiệu

Điều cuối cùng đối với những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đến người tiêu dùng vẫn phải là “chữ Tâm” của người làm kinh doanh. Cái tâm trước hết đến từ lãnh đạo tổng công ty cho đến các nhân viên.

Cái tâm được thể hiện qua việc không gian lận về chất lượng, không gian lận bằng số lượng. Giám đốc của các công ty thuộc PVoil không có chủ trương đó thì cửa hàng trưởng cũng không dám có chủ trương gian lận.  

Tổng kho xăng dầu PVoil Nhà Bè. Ảnh: Hưng Long.
Tổng kho xăng dầu PVoil Nhà Bè. Ảnh: Hưng Long.

Một khi cửa hàng trưởng không có chủ trương gian lận xăng dầu sẽ dẫn đến nhân viên không thể liên kết với nhau để ăn gian xăng dầu của khách hàng được.

Đây là cách mà PVoil đang triển khai đến tất cả các cửa hàng xăng dầu trên thị trường. Việc gian lận xăng dầu ở các cửa hàng bán lẻ xuất phát từ cái tâm của người kinh doanh.

Nếu chủ doanh nghiệp đã có chủ trương làm ăn gian dối thì nhân viên mới có thể gian dối. Một nhân viên đơn lẻ khó có thể gian dối được khách hàng.

Tổng Giám đốc Cao Hoài Dương đưa ra ví dụ, ở nước ngoài, người dân vào các siêu thị không bị kiểm tra, không phải gửi giỏ xách ở bên ngoài nhưng lại không xảy ra tình trạng mất cắp. Đây chính là ý thức và cái tâm của người đi mua hàng.

Đối với PVoil cũng vậy, từ lãnh đạo đến tập thể nhân viên đều làm việc theo cái tâm của doanh nghiệp.

Ông Dương đưa ra ý kiến cho rằng, việc kiểm soát hóa đơn của các cửa hàng cũng có thể ngăn chặn tình trạng phi pháp, tuy nhiên chỉ có tác dụng một phần.

Hưng Long