Tôi sinh ra và lớn lên ở một xã nông thôn nghèo của Vĩnh Long, một tỉnh miền tây Nam bộ.
Tuổi thơ tôi gắn liền với mót lúa, lượm phân bò, với những cánh diều làm bằng lá dừa. Ngày tôi vào đại học, ba tôi quyết bán mảnh đất ruộng duy nhất của gia đình.
Tôi vốn mê làm thầy giáo từ nhỏ, nhưng trước mắt tôi, đời sống thầy cô giáo quá nhiều khó khăn. Hỏi ba, ba chỉ cười: “Cứ chọn nghề nào con thích mà học”. Và, tôi đã chọn ngành tài chính - kế toán, như một cách để thể hiện trách nhiệm của mình với gia đình.
Hình ảnh người thầy giáo (Ảnh minh họa: Ngô Xuân Khôi/ antgct.cand.com.vn) |
Bốn năm, rất chật vật, rồi cũng qua, tôi tìm được chân kế toán tại một công ty lớn, đủ để tự lập và có dư chút ít.
Ở quê, ba mẹ đã lớn tuổi. Mẹ đan lục bình để có đồng ra đồng vô, ba làm khuyến học xã, lương đủ để uống cà phê sáng.
Tôi quyết định “cày” thêm công việc làm sổ sách và báo cáo cho một số công ty khác để có thêm thu nhập.
Có việc làm, thu nhập khá, nhưng suốt 7 năm trời, tôi chưa bao giờ cảm thấy vui vẻ trong công việc.
Tôi không có nhiều hứng thú với những “con số biết nói” trên các báo cáo tài chính, hay những bảng tổng hợp nhập - xuất - tồn, toàn số là số.
Chưa kể những lần phải cắn răng “làm đẹp” số liệu báo cáo, những lần giả say để chạy trốn những cuộc nhậu thâu đêm với đối tác.
Trong những giấc mơ đứt quãng của mình, hình ảnh người thầy với những đứa học trò, mắt trong veo, đầy ắp ước mơ, cứ chập chờn không thôi...
Một lần, khi tôi đến chào ba để trở lại Sài Gòn sau kỳ nghỉ phép, bất chợt ba nắm tay tôi, trìu mến và dứt khoát: “Hay là về làm giáo viên đi, con trai. Trường cao đẳng Kinh tế - tài chính của tỉnh đang thông báo tuyển giảng viên”.
Tôi bất giác giật mình. Có mấy lần ba hỏi chuyện công việc, tôi có kể về những phiền phức, nhưng không than thở, cũng không nhắc gì đến ước mơ làm thầy giáo thuở nhỏ.
“Con trai à, sai lầm lớn nhất của đời người là không dám làm điều mình thích ngay từ hôm nay, mà cứ lần lữa, để ngày mai, rồi ngày kia, rồi ngày kia nữa. Đời ông con, đời ba đều như thế cả...”.
Tối đêm đó, tôi thao thức đến gần 2 giờ sáng. Khoảnh khắc nhận ra đâu là con đường của cuộc đời mình, tôi ngủ một mạch đến hơn 10 giờ sáng.
Thầy tôi |
Khi tôi nói với trưởng phòng sẽ nghỉ việc về quê, anh nhìn tôi trân trối: “Em làm sao vậy, còn trẻ, sao lại bỏ phố về quê?”. Tôi cười, rằng ba mẹ già rồi, cần sự chăm sóc của tôi. Chỉ có 2 người là biết được lý do thực sự.
Ba mươi tuổi đầu, tôi mấy lần suýt khóc vì tiết giảng không được suôn sẻ, thu nhập thì ba cọc ba đồng. Rồi cũng từng bước vượt qua. Rồi mài mò phương pháp giảng dạy, rồi gian nan học sau đại học, bài giảng của tôi ngày càng “có lửa”...
Đến một ngày, không phải ngày 20/11, điện thoại tôi rung lên dòng tin nhắn khiến tôi “say” đến tận bây giờ: “Thầy ơi, Thầy có khỏe không, em đã có chỗ làm rồi. Tụi em luôn luôn ghi nhớ công ơn Thầy!”.
Mấy năm liền, các trường cao đẳng gặp khó khăn trong tuyển sinh, trường tôi cũng thế. Tôi quyết định tham gia thỉnh giảng đại học, để có thêm thu nhập.
Tôi đi giảng ở nhiều tỉnh, chiều thứ sáu đi, tối chủ nhật về, xa thì xe khách, gần thì xe máy.
Sau mỗi đợt đi giảng về, ba lô tôi lại nặng hơn, khi thì mấy con khô sặc bối An Giang, lúc là bịch bánh pía Sóc Trăng, có khi là mấy con cua 2 da Cà Mau không mua được bằng tiền...
Học trò của tôi phần lớn đã đi làm, mỗi học viên là một cảnh đời. Có bạn đưa con nhỏ vào lớp học cùng vì nhà đơn chiếc, có bạn phải đi tàu gỗ gần 8 tiếng từ đảo vào lớp học ở Rạch Giá, có bạn gặp riêng thầy chỉ để... năn nỉ thầy đừng gọi phát biểu, lớn tuổi rồi, ngại lắm...
“Thầy ơi, khỏe không Thầy, khi nào về Cà Mau, nhớ alo em nghe, mùa này cá thòi lòi ngon lắm!”, “Thầy ơi, chủ nhật tuần này lớp mình nhận bằng tốt nghiệp, nhưng anh Luân lớp trưởng lớp mình bệnh nặng lắm, chắc không qua khỏi...” - lần đầu tiên trong đời, tôi được đọc những dòng chữ không bao giờ có trong giáo trình, thật đến nao lòng...
Bốn mươi hai tuổi, không còn trẻ nữa, nhưng tôi cũng chưa đủ già để chiêm nghiệm về cuộc đời. Chỉ biết rằng, dám dấn thân để được làm điều trái tim mình mách bảo, dường như là một diễm phúc lớn lao của cuộc đời.
Nếu được lựa chọn một lần nữa, tôi lại chọn làm thầy giáo.