Tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng cơ hội việc làm của lao động trẻ

04/06/2019 09:00
Trúc Diệp
(GDVN) - Vì theo dự thảo, không phải nâng tuổi nghỉ hưu cho tất cả các nhóm lao động lên thành nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi.

Theo dự thảo luật Lao động (sửa đổi), từ năm 2021 sẽ tiến hành nâng dần theo lộ trình tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi và nữ lên 60 tuổi.

Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số, lượng lao động tham gia vào thị trường lao động giảm đi, nên không thể nói nâng tuổi nghỉ hưu sẽ làm hạn chế cơ hội việc làm của giới trẻ.

Cho biết về việc tăng tuổi nghỉ hưu, liệu có tác động đến năng suất lao động và hạn chế cơ hội việc làm của giới trẻ không, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của giới trẻ.

Vì theo dự thảo, không phải nâng tuổi nghỉ hưu cho tất cả các nhóm lao động lên thành nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi. Với những lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, suy giảm sức lao động từ 61% trở lên, thì người lao động vẫn có quyền nghỉ hưu trước 5 năm như các ngành khai thác khoáng sản, hầm lò...

“Như vậy vẫn tồn tại nhóm đối tượng nghỉ hưu trước 60 đối với nữ và 62 đối với nam. Còn đối với nhóm lao động có trình độ kỹ thuật chuyên môn, thì không lo bị giảm năng suất lao động. Trong điều kiện nào đó, năng suất còn có thể cao hơn vì có kỹ năng, tay nghề vững”, ông Lợi nói.

Tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của người trẻ. ảnh minh họa: Ngọc Anh.
Tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của người trẻ. ảnh minh họa: Ngọc Anh.

Theo các chuyên gia về lao động phân tích, việc suy giảm năng suất lao động khi nâng tuổi nghỉ hưu chỉ đúng trong trường hợp lao động nặng nhọc, lao động vùng sâu, vùng xa, còn trong điều kiện lao động bình thường, chắc chắn sẽ đảm bảo năng suất lao động không bị sụt giảm.

Về vấn đề cơ hội việc làm của giới trẻ, có thể thấy, nếu như trước đây, mỗi năm Việt Nam có khoảng trên dưới 1 triệu người từ 15 tuổi trở lên tham gia vào thị trường lao động, thì đến nay con số này có xu hướng giảm chỉ còn một nửa.

“Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số, lượng lao động tham gia vào thị trường lao động giảm đi, nên không thể nói nâng tuổi nghỉ hưu sẽ làm hạn chế cơ hội việc làm của giới trẻ”, ông Lợi khẳng định và cho biết, hiện nay tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta đang thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Những năm gần đây, số lượng sinh viên ra trường không có việc làm đã giảm rõ rệt. Nếu như trước đây, có chế độ vừa ra trường đã được sắp xếp việc làm, thì mới lo ngại đến việc mất đi vị trí việc làm. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển, họ tự tìm kiếm việc làm, thị trường lao động tuyển dụng bằng thi tuyển, cơ hội rất nhiều.

Về vấn đề lao động trong đơn vị hành chính sự nghiệp đang dư thừa, một số ý kiến quan ngại, liệu tăng tuổi nghỉ hưu thì bộ máy tiếp tục kém hiệu quả và hạn chế cơ hội việc làm của sinh viên mới ra trường hay không, thoe các đại biểu quốc hội, chúng ta đang phải sắp xếp, tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương.

Tuy nhiên, ông Lợi nhấn mạnh, phải thấy rằng khi chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước tăng lên, con người phải tăng lên. Giảm biên chế không có nghĩa là giảm bình quân. Giảm là giảm người không đủ năng lực trong bộ máy hành chính nhà nước, những người sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.

“Thiếu, chúng ta vẫn thiếu. Đó là thiếu những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, những người có học vấn giỏi và sinh viên ra trường xuất sắc. Hiện nay, chúng ta không còn ở thời kỳ bao cấp nữa, không đào tạo sinh viên ra trường rồi phân bổ vị trí việc làm.

Anh phải bỏ tiền đi học để nâng cao kiến thức, bồi bổ kiến thức và tự thân bươn trải trong thị trường lao động và phải đáp ứng được các đòi hỏi của thị trường. Nếu muốn vào vị trí của công chức nhà nước, cần phải thi. Phải giỏi. Và đúng năng lực mới được vào. Câu chuyện là vậy”, ông Lợi cho hay.

Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đã được bàn thảo từ khi trình sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, nhưng lúc đó chưa có sự đồng thuận cao. Lần này được đưa ra xem xét là xuất phát từ quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và chuẩn bị cho quá trình già hóa dân số ở nước ta trong tương lai.

Về quy định tuổi nghỉ hưu, chúng tôi cho rằng Ban soạn thảo dự thảo đưa ra 2 phương án và đều theo lộ trình là có cơ sở, nhằm tránh giảm sốc cho thị trường lao động. Cả hai phương án này đều thực hiện theo nguyên tắc có lộ trình và tuy bước đi của từng phương án có nhanh – chậm khác nhau, song theo chúng tôi đều khá hợp lý.

“Cá nhân tôi đồng thuận với đề xuất của Chính phủ và nghiêng về lựa chọn phương án 1. Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận cao nên tiếp tục lấy ý kiến và có thể lấy cả ý kiến nhân dân”, ông Lợi nhấn mạnh.

Trong những năm qua, ngành lao động nói chung và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói riêng luôn nỗ lực đổi mới để vừa đảm bảo được quyền lợi của người lao động lại phải giữ được sự ổn định của thị trường lao động.

Sửa đổi Bộ luật Lao động lần này nhằm thể chế hóa yêu cầu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: “Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung”.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động ngày càng tăng. Tuổi thọ bình quân của nam là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3 tuổi. Cả hai giới tính là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới là 72 tuổi.

Trong khi đó, tuổi nghỉ hưu trung bình của Việt Nam thấp, nam là 54,2 tuổi, nữ là 52,6 tuổi. Có nghĩa là, thời gian người lao động sau khi nghỉ hưu vẫn có thể tiếp tục làm việc là khá dài, như vậy nghỉ hưu ở thời gian này sẽ gây ra tình trạng lãng phí nguồn nhân lực.

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, lực lượng lao động của Việt Nam trong những năm gần đây tăng chậm cả về số lượng và tỷ lệ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, cuối năm 2013 cả nước có 53 triệu lao động, cuối năm 2018 có 55 triệu lao động.

Sau 5 năm chỉ tăng thêm có 2 triệu lao động, trung bình mỗi năm chỉ tăng thêm 400 nghìn lao động. Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong khoảng 20 năm tới do quá trình già hóa dân số. Vì vậy, tăng độ tuổi nghỉ hưu sẽ không thể làm mất đi cơ hội việc làm của giới trẻ.

Trúc Diệp