Bà Tiến sẽ rời cương vị Bộ trưởng để tập trung đảm nhiệm nhiệm vụ Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có 8 năm giữ ghế nóng lãnh đạo ngành Y tế. Bà cũng là nữ Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ nhiệm kỳ này.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trong một lần trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
Đảm nhận “tư lệnh”ngành Y tế từ tháng 8/2011, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từng được biết đến là Viện trưởng trẻ tuổi nhất trong hệ thống Viện Pasteur trên toàn thế giới.
Từ khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã ngay lập tức phải đối mặt với nhiều thách thức, sóng gió.
Dẫu vậy, với vai trò là người chèo lái “con thuyền y tế” cùng tinh thần trách nhiệm của một người lãnh đạo, sự am hiểu sâu sắc về ngành y, sự sâu sát trong hoạt động quản lý, Bộ trưởng Tiến đã cùng các cán bộ, nhân viên trong ngành vượt qua nhiều thử thách, giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng từ quá khứ để mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Đây là một trong những dấu ấn nổi bật trong 8 năm làm lãnh đạo Bộ Y tế của bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh là một trong những đột phá của ngành Y tế và được Bộ trưởng Tiến làm quyết liệt, đồng bộ ngay khi ngồi ghế nóng.
Ngay từ khi có chủ trương, đã có 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện.
Theo tổng kết 5 năm thực hiện đề án, tinh thần thái độ cán bộ y tế đã cải thiện, tạo sự hài lòng người bệnh tăng cao.
Năm 2018, Tổ chức sáng kiến Việt Nam khảo sát qua điện thoại tại 60 bệnh viện trong 23 tỉnh, thành phố trong cả nước, kết quả, sự hài lòng chung của người bệnh đối với dịch vụ khám, chữa bệnh đạt 80,8% (năm 2017 đạt 79,6%).
Theo chỉ số PAPI năm 2018 chỉ số tham nhũng vặt ở Bệnh viện huyện giảm còn 0,4%.
PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam, tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên.
Một bước tiến của ngành y tế thời gian gần đây là nhà vệ sinh bệnh viện. Lâu nay, nó là nỗi ám ảnh của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
Nói đến nhà vệ sinh bệnh viện là người ta nghĩ ngay đến mùi hôi thối, bẩn thỉu, không giấy vệ sinh, không có nước dội và xà phòng rửa tay v.v.
Vì thế, rất nhiều lần, Bộ trưởng Tiến đã rất gay gắt yêu cầu các bệnh viện phải thay đổi và thay đổi từ chính người đứng đầu.
Bà cũng từng gây “bão dư luận” khi gay gắt nhấn mạnh “Bệnh viện nào để nhà vệ sinh bẩn là giám đốc bệnh viện đó ở bẩn. Nhà vệ sinh của khoa bẩn thì trưởng khoa đó ở bẩn”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bế em bé được sinh vào ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất tại bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: Laodong.vn |
Giảm quá tải bệnh viện với Đề án giảm tải bệnh viện và Đề án Bệnh viện vệ tinh
Theo đó, ngay nhiệm kỳ đầu giữ cương vị Bộ trưởng Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị các bệnh viện ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, thực hiện các giải pháp giảm quá tải tại các bệnh viện lớn.
Sau 5 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2018 đã xây dựng và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh. 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.
Mô hình bệnh viện vệ tinh cũng phát triển và có nhiều hình thức phù hợp cho từng địa phương. Bệnh viện vệ tinh phát triển rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Những kết quả của Đề án Bệnh viện vệ tinh đã từng bước giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện, đặc biệt là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, củng cố lòng tin của người dân với bệnh viện vệ tinh, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại bệnh viện vệ tinh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân, tăng tỷ lệ chuyển tuyến phù hợp từ bệnh viện hạt nhân về bệnh viện vệ tinh, giảm quá tải tại bệnh viện hạt nhân ở tuyến trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân do Đảng và Nhà nước giao cho ngành Y tế.
Nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính
Cùng với nỗ lực của Chính phủ kiến tạo, ngành y tế trong năm 2018 đã có những đổi thay ấn tượng, đặc biệt là trong việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục phiền hà.
Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ nhiều nội dung của công tác cải cách hành chính Nhà nước. Tính đến tháng 11/2018, sau khi rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính, Bộ Y tế đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.363/1.871 điều kiện đầu tư, kinh doanh (cắt giảm 72,85%); 169/234 thủ tục hành chính (cắt giảm 72,22%), giúp "cởi trói" cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực y tế.
Bộ Y tế đã chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia với việc kết nối 7/23 thủ tục hành chính (1 thủ tục ở lĩnh vực thiết bị y tế và 6 thủ tục ở dược).
Tiếp đó, tháng 12/2018, Bộ Y tế hoàn thành kết nối 10 thủ tục hành chính; 6 thủ tục hành chính nữa sẽ hoàn thành trong tháng 1 năm 2019.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trò chuyện với người dân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện A Thái Nguyên vào ngày 15/1. Đây là chuyến công tác cuối cùng trên cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Người lao động |
Đổi mới cơ chế tài chính, thực hiện tự chủ mạnh mẽ tại các cơ sở y tế
Ngành Y tế đã tiến hành đổi mới về cơ chế tài chính, giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ, đúng với giá trị thật.
Theo lãnh đạo ngành y tế, khi giá dịch vụ cao, bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn, hưởng các dịch vụ tốt hơn, cái đó người dân được hưởng lợi trong khi không phải bỏ thêm viện phí do bảo hiểm đã chi trả.
Tại phiên họp của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội vào đầu tháng 10/2019, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có những giải trình rất cụ thể về vấn đề tự chủ của các cơ sở y tế.
Bộ trưởng nhấn mạnh, quá trình tự chủ giúp giảm được ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, điều chỉnh giá dịch vụ được tiến hành theo lộ trình đưa tiền lương vào giá dịch vụ đã góp phần tăng mức độ tự chủ về tài chính. Đồng thời giúp giảm ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho các bệnh viện.
Theo thống kê đến tháng 10/2018, 100% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ.
Tính đến năm 2018 cả nước có 215 bệnh viện tự đảm bảo chi thường xuyên, 3 bệnh viện đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, chủ yếu là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có điều kiện xác hội hóa như tim mạch, sản nhi, tai mũi họng…
Với các bệnh viện thuộc quản lý của Bộ y tế, đến năm 2018 đã có 26/45 bệnh viện tự chi thường xuyên. Để thực hiện tự chủ, nhiều bệnh viện đã vay ngân hàng, mở rộng hợp tác, đầu tư các thiết bị tốt để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cái được lớn nhất sau khi thực hiện chủ trương tự chủ bệnh viện công là các bệnh viện đều đã nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh rõ rệt.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến còn tiếc nuối điều gì sau 8 năm làm Bộ trưởng? |
Việc thực hiện cơ chế tự chủ giúp họ chủ động thuê các chuyên gia, bác sĩ ở các nước có nền y học tiên tiến…
Mặt khác, quá trình tự chủ còn giúp giảm được ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện. Năm 2018 so với năm 2015 đã giảm được gần 9.500 tỷ đồng.
Ngăn chặn thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới
Trong 8 năm qua, thế giới và Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều đợt dịch bệnh nguy hiểm. Nếu chủ quan, không có phương án kịp thời, các dịch bệnh hoàn toàn có thể xâm nhập vào Việt Nam.
Khi các đợt dịch bệnh nguy hiểm diễn ra kể cả bên ngoài biên giới hay trong nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng với toàn ngành đã có các biện pháp cụ thể, rõ ràng để các đơn vị, địa phương ứng phó hiệu quả.
Vì thế, những năm qua, nước ta liên tiếp khống chế thành công nhiều loại dịch bệnh: sốt xuất huyết, sởi, cúm v.v. đồng thời, ngăn chặn thành công được các dịch bệnh nguy hiểm như Ebola, MERS-CoV, Zika, cúm A(H7N9)…
Cùng với đó, lãnh đạo ngành y tế và ngành luôn quan tâm đến phát triển y tế tuyến dưới bằng đầu tư trang thiết bị, chuyển giao kỹ thuật, hội chẩn từ xa, đào tạo bác sĩ tình nguyện, để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt ngay tại địa phương.
Vì thế, những năm gần đây, tình trạng chuyển tuyến từ các tỉnh, huyện giảm từ 65 - 100% ở nhiều chuyên khoa. Nhiều vụ tai nạn thảm khốc đã được các bệnh viện địa phương cứu chữa kịp thời, thay vì chuyển lên tuyến trên… giúp giảm thương vong hiệu quả.
Với tất cả nỗ lực của tư lệnh ngành Y tế được ghi nhận bằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm của bà hồi cuối năm 2018.
Theo đó, tại cuộc lấy phiếu tín nhiệm ở kỳ họp Quốc hội thứ 6, tháng 10/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đạt được kết quả rất tích cực so với 2 lần trước đó.
Cụ thể, bà được 224 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 46,19% tổng số đại biểu Quốc hội); số phiếu tín nhiệm: 197 phiếu (chiếm 40,62 % tổng số đại biểu Quốc hội); số phiếu tín nhiệm thấp: 53 phiếu (chiếm 10,93% tổng số đại biểu Quốc hội).
Đáng chú ý, ngày 4/3/2019 vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Tiến có tên trong danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do Tạp chí Forbes Việt Nam công bố.