Bao giờ giáo viên sống được bằng lương và nghề nào mới là nghề chính?

22/11/2019 06:41
NHẬT DUY
(GDVN) - Nhiều lúc vào facebook và zalo chúng tôi thấy quá nhiều đồng nghiệp của mình quảng cáo bán hàng online với vô vàn các mặt hàng khác nhau.

Còn nhớ, ngày 17/11/2006, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi gặp gỡ với 13 thầy cô vừa được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân và một số giáo sư ở khu vực phía Bắc mới được công nhận chức danh.

Trong buổi gặp gỡ này, ông  Nguyễn Thiện Nhân đã nói Bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010 thì nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình.

Bây giờ, đã 13 năm trôi qua, ngành Giáo dục đã có thêm 2 Bộ trưởng nữa là ông Phạm Vũ Luận và ông Phùng  Xuân Nhạ nhưng xem chừng chuyện giáo viên sống được bằng lương vẫn là một viễn cảnh xa xôi.

Cuộc sống của nhiều thầy cô giáo vẫn đang gặp khó khăn (Ảnh minh họa. (baovinhphuc.com.vn).
Cuộc sống của nhiều thầy cô giáo vẫn đang gặp khó khăn (Ảnh minh họa. (baovinhphuc.com.vn).

Một khi cuộc sống giáo viên còn khó khăn về kinh tế thì đương nhiên phải làm thêm nhiều nghề tay trái nữa để kiểm sống. Nhìn vào đội ngũ giáo viên hiện nay, không có mấy người là không làm thêm để nhằm kiếm thêm thu nhập cho mình.

Nhiều lúc vào mạng xã hội, chúng tôi thấy quá nhiều đồng nghiệp của mình quảng cáo bán hàng online với vô vàn các mặt hàng khác nhau. Phải nói là thượng vàng hạ cám, cái gì có thể bán được là đều thấy có những giáo viên tham gia.

Việc giáo viên tham gia bán hàng thì chẳng có sao cả bởi đó là công việc làm thêm chân chính của mỗi con người.

Nhưng giá như, cuộc sống đủ đầy hơn, lương hàng tháng tốt hơn thì đâu đến nỗi nhiều thầy cô giáo quá tập trung vào việc bán hàng, quảng cáo hàng mà xao nhãng chuyên môn chính của mình.

Nghề nào của giáo viên mới là nghề chính?

Dù trải qua rất nhiều lần cải cách tiền lương, Đảng, Nhà nước cũng đã dành sự quan tâm đến đội ngũ nhà giáo nhưng thực tế cuộc sống của phần lớn nhà giáo ngày nay vẫn đang gặp muôn vàn khó khăn.

Bao giờ giáo viên sống được bằng lương và nghề nào mới là nghề chính? ảnh 2
Từ 01/7/2020, lương giáo viên sẽ có những điểm mới nào? 

Nhất là những thầy cô giáo mới ra trường, giáo viên đang công tác ở vùng khó khăn, những thầy cô phải công tác xa nhà, những thầy cô chỉ sống bằng đồng lương của mình đang gặp muôn vàn khó khăn, thử thách.

Nếu cuộc sống cứ diễn ra bình thường, sức khỏe tốt, gia đình bình an thì cũng chắt bóp đồng lương ít ỏi của mình để trang trải, lo toan cho gia đình. Lỡ không may, gia đình có chuyện gì thì nhiều giáo viên không biết nhìn vào đâu để lo liệu.

Bây giờ, nếu để ý trên các trang mạng xã hội, nhiều khi chúng ta thấy có nhiều thầy cô đang dành quá nhiều thời gian cho việc buôn bán, kinh doanh của mình. Trong khi, nghề dạy học mới là nghề chính, buôn bán, kinh doanh, làm thêm là nghề phụ để tăng thêm thu nhập.

Nhưng, ngoài thời gian lên lớp thì thời gian chính giáo viên dành làm những công việc khác nhiều hơn là công việc chuyên môn của mình. Nhiều giáo viên đã tận dụng tối đa các trang mạng xã hội của mình, của bạn bè để quảng cáo bán hàng online.

Giá như, cuộc sống đủ đầy hơn, lương hàng tháng tốt hơn thì đâu đến nỗi nhiều thầy cô giáo quá tập trung vào bán hàng, quảng cáo hàng. Thậm chí, đem cả hình ảnh của mình để quảng cáo…

Bao giờ giáo viên sống được bằng lương?

Có một bộ phận giáo viên đang dạy thêm thì họ có nguồn thu nhập tương đối ổn định và có cuộc sống rất tốt nhưng phải nói thật là số giáo viên này không nhiều, chỉ tập trung vào một số môn, ở một số khu vực.

Bao giờ giáo viên sống được bằng lương và nghề nào mới là nghề chính? ảnh 3Giáo viên hợp đồng mầm non Đông Khê rơi nước mắt nhận 700 ngàn đồng mỗi tháng

Bao giờ giáo viên sống được bằng lương? Thì giáo viên vẫn đang sống bằng lương đó chứ có ai chết đâu? Nhưng, sự thật thì có nhiều giáo viên đang rất khổ với đồng lương hàng tháng của mình.

Phần đông giáo viên đang phải làm thêm nhiều việc khác nhau để tồn tại với nghề đó là một thực tế hiện hữu mà ai cũng thấy.

Nhất là đối với những giáo viên hợp đồng, đồng lương thấp, ký theo tiết thì hết năm học là không có lương, lại lo ký hợp đồng mới thì cuộc sống còn vất vả hơn nữa.

Trong khi đó, có nhiều giáo viên không am hiểu nhiều về các lĩnh vực kinh doanh, đầu tư qua mạng online còn bị lừa, bị chiếm mất vốn. Tiền mất, tật mang, khó khăn lại càng chồng chất khó khăn.

Một khi xã hội mong muốn có những người thầy tận tâm, tận hiến, hết lòng vì học sinh, vì nền giáo dục nước nhà thì người thầy cũng mong muốn cuộc sống của mình sẽ bớt khó khăn để chỉ tập trung cho chuyên môn của mình.

Thế nhưng, có lẽ mong muốn cũng chỉ là mong muốn thôi bởi đó là tình hình chung của mọi công- viên chức nhà nước. Nhưng, một khi chúng ta chưa giải được bài toán này thì cái vòng luẩn quẩn cứ lặp đi, lặp lại.

Đồng lương eo hẹp thì giáo viên phải làm thêm và chất lượng giáo dục bị thách thức. Vì thế, câu hỏi: bao giờ giáo viên sống được bằng lương vẫn là câu hỏi khó trả lời chính xác nhất đối với đội ngũ nhà giáo hiện nay.

Bởi, nhìn từ những chính sách cho những năm tới thì chính sách tiền lương của giáo viên vẫn không có những thay đổi lớn.

NHẬT DUY