Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ 2021

23/09/2019 07:09
Trúc Diệp
(GDVN) - Tại phiên họp ngày 20/9/2019, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu.

Về tuổi nghỉ hưu, tại dự thảo, Chính phủ trình quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, theo đó đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Bên cạnh các ý kiến đồng tình, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định tuổi nghỉ hưu, về việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu chung cho các đối tượng lao động khác nhau. 

Cơ quan thẩm tra về cơ bản tán thành với chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung để thể chế hóa quan điểm của Đảng với mục tiêu lâu dài nhằm­ chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. 

Tuy nhiên, do các đại biểu còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Các vấn đề xã hội trình Ủy ban thường vụ Quốc hội hai phương án để xem xét. Theo đó, phương án 1 quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam, nữ như dự thảo nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể. Còn phương án 2 là Chính phủ trình quy định cụ thể lộ trình và tuổi.

Theo đó, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. 

Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. ảnh: HY.
Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. ảnh: HY.

Theo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cả hai phương án đều đạt mục tiêu cụ thể hóa quan điểm của Nghị quyết số 28-NQ/TW quy định rõ tuổi nghỉ hưu phải hướng tới.

Trong đó, phương án 1 bảo đảm tính linh hoạt, không quy định một lộ trình chung cho tất cả các nhóm đối tượng lao động có đặc điểm ngành nghề, điều kiện, môi trường làm việc rất khác nhau... mà phải tùy vào từng nhóm lao động cụ thể để điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp, không nhất thiết phải giống nhau giữa các nhóm lao động rất đa dạng.

Tuy nhiên, phương án này lại chưa xác định thời gian hoàn thành mà giao Chính phủ quy định.

Còn phương án 2, đáp ứng được yêu cầu quy định cụ thể trong Luật về lộ trình cho từng năm để thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu và xác định được thời điểm hoàn thành.

Tuy nhiên, việc áp dụng chung cùng một lộ trình với các nhóm đối tượng lao động rất khác nhau trong thị trường lao động rất đa dạng hiện nay sẽ có tác động khác nhau và có thể gây ra sự phức tạp, hệ lụy cần phải được cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng, nhất là, trong bối cảnh chưa tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận người lao động, nhất là người lao động trực tiếp sản xuất, đứng máy dây chuyền... ở doanh nghiệp. Vì vậy, cơ quan thẩm tra tán thành phương án 1. 

Luật hóa các trường hợp được kéo dài thời gian làm việc 

Thảo luận tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ quan điểm có lộ trình cụ thể. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc - ông Hà Ngọc Chiến cho rằng lộ trình quy định như phương án trên là rất thận trọng, không gây tác động lớn, dự báo được. Việc giao Chính phủ quy định sẽ gây phức tạp, không biết rõ thời điểm nào nghỉ hưu, thống kê số lao động nghỉ hưu mỗi năm ra sao...

Luật mà tạo ra những điều phức tạp không định trước thì không nên. Đây cũng là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Nghị quyết số 28-NQ/TW đã nêu rõ yêu cầu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, với giải quyết việc làm, thất nghiệp, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động, bảo đảm số lượng chất lượng là cơ cấu dân số. 

Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng ủng hộ phương án Chính phủ trình theo hướng quy định rõ ràng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, với báo cáo đánh giá tác động cụ thể. Với cách làm này, người lao động, nam cũng như nữ sẽ biết rõ khi nào mình được nghỉ hưu, phục vụ cho công tác quy hoạch cán bộ... đảm bảo minh bạch, rõ ràng.  

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, ngoài Bộ Luật Lao động, cũng có một số Luật chuyên ngành quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn, vì vậy đề nghị giao Chính phủ xem xét làm rõ để luật hóa những trường hợp nào được làm việc kéo dài thêm.

Trước đó cho ý kiến về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều đại biểu quốc hội cũng đã tán thành.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, tuổi thọ người Việt lại ngày một tăng lên, trong khi thời gian nghỉ ngơi hưởng thụ tăng lên là lãng phí nguồn lực lao động, nhất là trong khi đất nước đang tiếp tục cần sáng tạo, lao động để phát triển.

Chính sách với chế độ hưu trí còn rất thấp nên muốn cải thiện điều này thì phải tăng quỹ hưu trí lên, tăng tuổi nghỉ hưu để đóng góp cho quỹ hưu trí tăng lên, có cơ hội cải thiện mức sống của người nghỉ hưu, về lâu dài còn đảm bảo an toàn quỹ Bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Đào Tú Hoa (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, bởi hiện nay, cả thể lực và trí tuệ của người Việt Nam ngày càng tốt lên. Rất nhiều người đã nghỉ hưu nhưng vẫn lao động và đóng góp tích cực cho xã hội.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, từ kinh nghiệm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của các quốc gia cho thấy, thời điểm tốt nhất thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là khi thị trường lao động đang còn thặng dư lao động (số người trong độ tuổi lao động chiếm đa số tổng dân số); kinh tế đang trên đà phát triển, có tốc độ tăng trưởng tốt; cơ cấu dân số càng trẻ thì lộ trình điều chỉnh càng dài.

Trúc Diệp