Bảo hiểm xã hội băng băng về đích, vượt kế hoạch Chính phủ giao

14/11/2019 09:00
Diệu Linh
(GDVN) - Tháng 10, tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội là 15,414 triệu, tăng 181 nghìn so với tháng 9/2019, đạt 98,8% so với kế hoạch Chính phủ giao.

Trong đó, tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc là 14,919 triệu người; tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện là 499 nghìn người. Số người tham gia Bảo hiểm y tế là 84,893 triệu người, đạt 100% kế hoạch giao.

Trong tháng 10, toàn ngành thu được 29.800 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 10/2019, toàn ngành thu 290.262 tỷ đồng, đạt 80,7% kế hoạch cả năm. Trong đó, thu Bảo hiểm xã hội 195.389 tỷ đồng, thu bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp 3.844 tỷ đồng, thu Bảo hiểm thất nghiệp 13.965 tỷ đồng, thu Bảo hiểm y tế 76.589 tỷ đồng, thu lãi phạt chậm đóng 475 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, toàn ngành đã giải quyết 10.384 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng; 74.189 người hưởng trợ cấp 1 lần; 951.399 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Lũy kế 10 tháng đầu năm, đã giải quyết 95.977 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng; giải quyết 710.087 người hưởng trợ cấp 1 lần; 8.735.567 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 76.384 người hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp (gồm trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề). Lũy kế 10 tháng đầu năm, giải quyết cho 796.897 người hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp…

Tham gia bảo hiểm xã hội để được đảm bảo quyền lợi, chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.
Tham gia bảo hiểm xã hội để được đảm bảo quyền lợi, chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.

Liên quan đến chi trả chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, trong tháng 10, đã chi 25.751 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 10/2019, số chi Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp là 246.348 tỷ đồng, đạt 74,3% kế hoạch cả năm.

Trong đó: chi Bảo hiểm xã hội từ nguồn Ngân sách 33.133 tỷ đồng, chi Bảo hiểm xã hội từ Quỹ Bảo hiểm xã hội 122.265 tỷ đồng, chi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 4.629 tỷ đồng và ước chi khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế 86.321 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, trong thời gian tới sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn, xử lý những tồn tại, vướng mắc trong triển khai, thực hiện chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; phối hợp với ngành Bưu điện quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cùng với đó, tập trung quyết liệt các giải pháp để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế năm 2019 được Chính phủ giao; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số Bảo hiểm xã hội cho người tham gia.

Ngành Bảo hiểm xã hội cũng tiếp tục quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo thực hiện đúng dự toán được Chính phủ giao năm 2019; kịp thời xử lý và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế…

Ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, trong tháng 10, toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã ban hành quyết định thanh tra đột xuất đối với 1.047 đơn vị. Trong đó, những tỉnh, thành phố ban hành nhiều quyết định thanh tra đột xuất như: Thành phố Hồ Chí Minh (110 đơn vị), Nghệ An (86 đơn vị), Hải Phòng (47 đơn vị), Kiên Giang (42 đơn vị), Thanh Hóa (40 đơn vị)... 

Bước vào những tháng cuối năm, việc triển khai công tác thu, giảm nợ đọng và phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đang được Bảo hiểm xã hội các địa phương quyết liệt thực hiện. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, Phó Tổng Giám đốc - ông Trần Đình Liệu yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phải sát sao hơn nữa với công việc; đồng thời có những tham mưu, đề xuất kịp thời với lãnh đạo ngành và chính quyền địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp: Đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành, đột xuất, tập trung vào các đơn vị chưa tham gia Bảo hiểm xã hội, tham gia chưa đủ số lao động và các đơn vị có hành vi vi phạm phát luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

Tăng cường phối hợp với Bưu điện tổ chức Hội nghị tuyên truyền chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp trực tiếp với người dân, người lao động trong khu vực phi chính thức, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt, chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; kịp thời tham mưu, đề xuất kịp thời với lãnh đạo ngành và chính quyền địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ; tiếp tục đề xuất khen thưởng đối với những địa phương hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu.

Diệu Linh