Mù mắt, biến dạng mặt vì tiêm filler trôi nổi, lời cảnh tỉnh cho chị em

23/11/2019 06:00
Nhật Minh
(GDVN) - Ngày 22/10, một bé gái 13 tuổi quê Yên Bái được được đưa vào Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng mất hòa toàn thị lực mắt phải.

Ngoài ra, bệnh nhân các tổn thương ban xuất huyết và sưng nề vùng gốc mũi, trán. Được biết, các tổn thương này xuất hiện sau khi bé được tiêm chất làm đầy tại một cơ sở thẩm mỹ ở thành phố Yên Bái.

Một trường hợp bị biến chứng do tiêm chất làm đầy.
Một trường hợp bị biến chứng do tiêm chất làm đầy.

Gia đình cho biết bé giấu người nhà và tự ý đi làm đẹp. Sau tiêm 30 phút, cô bé chóng mặt, buồn nôn, 4 giờ sau có ban tím vùng trán và mũi kèm theo đau nhức. Hai ngày sau khi làm đẹp, mắt phải của bé không nhìn thấy được nữa và đau đầu nhiều. Bệnh nhân trở lại cơ sở thẩm mỹ song không được xử trí gì.

Ngay sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa về Hà Nội khám ở Bệnh viện Mắt Trung ương. Bác sĩ chẩn đoán mất thị lực hoàn toàn mắt phải, phù gai thị, theo dõi tắc động mạch trung tâm võng mạc và chuyển tới Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có các ban đỏ tím xuất huyết vùng đầu mũi, góc mắt, gốc mũi, sống mũi và trán đi theo đường đi của mạch máu.

Phó giáo sư Nguyễn Hữu Sáu, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Da liễu Trung ương hội chẩn với các bác sĩ khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, xác định đây là trường hợp biến chứng tắc mạch do tiêm chất làm đầy gây tổn thương động mạch trung tâm võng mạc mắt phải dẫn tới mất thị lực mắt phải.

Các bác sĩ quyết định xử lý bằng cách tiêm thuốc giải chất filler; cố gắng để cứu vùng da hoại tử, bảo tồn vùng da lành xung quanh cho bệnh nhi. Tuy nhiên, khả năng phục hồi thị lực cho bé là rất khó.

Theo bác sĩ Sáu, tiêm chất làm đầy (filler) là một thủ thuật thẩm mỹ đang ngày càng trở nên phổ biến đáp ứng với nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng. Tuy nhiên, để thực hiện thủ thuật tiêm chất làm đầy, các bác sĩ phải được đào tạo chuyên sâu.

Các spa, thẩm mỹ viện không uy tín, người làm thủ thuật không phải nhân viên y tế nên không được đào tạo bài bản, vật tư y tế không đảm bảo nguồn gốc làm tăng cao tỷ lệ biến chứng... Các yêu cầu vô trùng tại những cơ sở này không đảm bảo còn ẩn chứa nguy cơ lây truyền bệnh lý nguy hiểm như HIV, viêm gan B, viêm gan C...

"Đặc biệt, trẻ em cơ thể chưa phát triển hoàn thiện đầy đủ thì không nên can thiệp thẩm mỹ khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa", bác sĩ Sáu nói.

Đáng nói, trường hợp bị biến chứng do tiêm filler liên tục được báo chí đưa tin.

Trước đó, một cô gái 19 tuổi ở Tiền Giang đã vào viện trong tình trạng bị mù một bên mắt phải, tụ máu, sưng bầm vùng mũi - mắt. Được biết, cô gái này được người bạn trai (học tiêm filler ở một cơ sở thẩm mỹ) tự mua chất làm đầy tiêm nâng mũi cho người yêu. Ngay sau đó, chị T. bị biến chứng, đau nhức, sưng vùng mắt. Khi vào bệnh viện được xác định mù mắt bên phải.

Tháng 8/2018, một người phụ nữ 30 tuổi (ở Thành phố Hồ Chí Mnh) cũng nhập viện do biến chứng sau khi tiêm filler tại cơ sở spa. Bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị tăng nhãn áp do chất làm đầy gây tắc động mạch trung tâm võng mạc, liệt dây 3, hoại tử da vùng mũi, mắt trái. Qua nhiều ngày cứu chữa, thị lực người này không cải thiện và mắt trái bị mù hoàn toàn.

Cũng trước đó không lâu, một cô gái 20 tuổi ở Bình Dương bị mù vĩnh viễn vì tiêm filler ở một tiệm thẩm mỹ. Khi ngành y tế vào cuộc làm rõ thì mới phát hiện cơ sở spa này hoạt động chui. Cơ sở này thường chỉ quảng cáo trên Facebook và cô gái này đọc được rồi tìm tới spa làm đẹp.

Không chỉ tiêm filler ở mặt, nhiều chị em còn tiêm chất làm đầy để nâng ngực và cũng có không ít trường hợp "lợn lành thành lợn què".

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân Đặng Nguyệt H (32 tuổi, Long Biên, Hà Nội) được các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị trong tháng 7/2019.

Trường hợp này bị biến chứng nghiêm trọng sau khi tiêm filler tại một cơ sở thẩm mỹ.

Bệnh nhân chia sẻ sau khi sinh con, ngực bị chảy xệ nên rất tự ti. Giữa tháng 6 vừa qua, chị giấu chồng đến một cơ sở thẩm mỹ để được tư vấn nâng cấp vòng một. Tuy nhiên, thay vì gặp bác sĩ, chị được nhân viên của cơ sở này khuyên nên tiêm filler để có dáng ngực tự nhiên.

Ngay sau tiêm, bệnh nhân khá hài lòng về vòng một của mình khi kích cỡ ngực tăng thêm khoảng 30%, tròn đều tự nhiên. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, chị phát hiện 2 bên ngực có dấu hiệu sưng đau.

Khi hỏi lại cơ sở thẩm mỹ, nhân viên trấn an chị đây chỉ là phản ứng rất bình thường, sẽ hết sau vài ngày.

Ngực bệnh nhân liên tục chảy mủ sau khi tiêm filler.
Ngực bệnh nhân liên tục chảy mủ sau khi tiêm filler.

Đến ngày thứ 4, ngực chị sưng to gấp đôi bình thường, đỏ nựng như sắp vỡ. Hốt hoảng, chị đến một cơ sở thẩm mỹ khác để tư vấn, được bác sĩ đục lỗ thoát dịch nhưng tình trạng sưng, đau không giảm.

Trước tình trạng trên, các bác sĩ nhấn mạnh, cần tỉnh táo, đừng quá dễ dãi khi giao cơ thể mình cho người khác muốn tiêm gì thì tiêm.

Khi tiêm, phải biết được người tiêm filler cho mình là bác sĩ thẩm mỹ, giải phẫu, có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề hẳn hoi thì mới chấp nhận. Chất được tiêm phải đảm bảo nguồn gốc, chất lượng.

Không nên vào những cơ sở thẩm mỹ, viện thẩm mỹ, tiệm uốc tóc… để tiêm filler vì hầu hết những cơ sở này chỉ phục vụ cho việc làm đẹp bằng hình thức không xâm lấn như chăm sóc da, làm đẹp bên ngoài hoặc xoa bóp

Nhu cầu làm đẹp là tất yếu với chị em phụ nữ tuy nhiên, chị em hãy là người phụ nữ thông thái, trước khi quyết định tiêm filler hay làm đẹp bằng dao kéo, mọi người cần phải tìm hiểu thật kỹ cơ sở mình muốn làm. Đó phải là những phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc các bệnh viện có khoa thẩm mỹ, được ngành y tế có thẩm quyền cấp phép.

Nhật Minh