Theo tinh thần chỉ đạo của công văn số 1396/SNV-TCCCCVC, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận đã có văn bản:
“Giao Phòng Nội vụ phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân huyện xem xét các quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên và chế độ bảo hiểm xã hội đối với nhà giáo, có trường hợp cô Nguyễn Thị Cảnh, giáo viên Trường tiểu học và trung học cơ sở thị trấn Vĩnh Thuận, thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận; đề xuất hướng xử lý.
Thời gian hoàn thành báo cáo gửi Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân huyện chậm nhất ngày 18/11/2019”.
Công văn 918 về giải quyết chế độ giáo viên của Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận. |
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, hiện nay, huyện Vĩnh Thuận đã và đang có hàng trăm nhà giáo bị cắt chặn chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi nhà giáo.
Lý do những nhà giáo này bị ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận cắt, chặn chế độ sốt nhiều năm dài vì họ đã bị cơ sở giáo dục nơi họ công tác phân công thực hiện nhiệm vụ/ kiêm nhiệm vào các vị trí của nhân viên hỗ trợ như: kế toán, văn thư, thủ quỹ, thư viện…
Những nhà giáo này đã phải đứng ra gánh vác những vị trí trái với chuyên môn là do ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận gần như bị “xóa trắng” vị trí của nhân viên hỗ trợ.
Theo nguồn tin mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thu thập được, hiện tại nhiều cơ sở giáo dục của huyện Vĩnh Thuận chỉ có duy nhất 01 nhân viên ở vị trí hỗ trợ là đúng chuyên môn nghiệp vụ, còn lại phải thực hiện gánh vác kiêm nhiệm.
Như vậy, ngoài việc phải nín nhịn gánh chịu việc làm trái vị trí, không phù hợp chuyên môn, hàng trăm nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận lại còn phải chịu cảnh đắng cay vì quyền lợi chính đáng bị tước đoạt.
Được biết, sau khi thông tin được đăng tải, các cơ quan chức năng có thẩm quyền của huyện Vĩnh Thuận đã có những động thái “rà soát” , “kiểm tra” vụ việc.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục của địa phương được cơ quan chức năng chỉ đạo rà soát lại đối tượng chưa được hưởng các chế độ nói trên, thành lập hội đồng thẩm định và làm hồ sơ đề nghị cấp trên phê duyệt nhưng vấn đề này dường như đang bế tắc và chưa có được kết quả cụ thể nên hàng trăm nhà giáo vẫn cứ khắc khoải ngóng chờ.
Trong hàng trăm trường hợp nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận bị cắt chặn chế độ nói trên, có những trường hợp thật sự gây nên sự phẫn uất và bất nhẫn như trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Cảnh, đã được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin trong bài viết “Ám ảnh về những quyết định của huyện Vĩnh Thuận khiến nhà giáo nước mắt chan cơm” số ra ngày 06/10/2019.
Và nay, sau chỉ đạo của Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận đã “Giao Phòng Nội vụ phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân huyện xem xét các quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên và chế độ bảo hiểm xã hội đối với nhà giáo, có trường hợp cô Nguyễn Thị Cảnh”.
Hy vọng rằng, quả ngọt sẽ đến được với cô Nguyễn Thị Cảnh và với cả số nhà giáo đã phải chịu quá nhiều đắng cay trong suốt những năm dài.
Cô giáo Nguyễn Thị Cảnh. |
Ngành giáo dục phân công trái vị trí việc làm là vi phạm pháp luật, tại sao huyện Vĩnh Thuận vẫn cố tình bao che?
Mặc dù Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải rất nhiều bài viết phản ánh về những việc làm sai pháp luật trong việc phân công trái vị trí việc làm đối với viên chức trong Ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận.
Và, chính sự phân công trái luật này đã dẫn đến hệ lụy hàng trăm nhà giáo bị cắt chặn chế độ, nhưng dường như sự phân công trái luật này vẫn đang được chính quyền huyện Vĩnh Thuận “bao che” một cách tối đa (?)
Hiện tại, trong tất cả các văn bản pháp quy quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức từ trước đến nay, việc phân công nhiệm vụ được quy định như sau:
Theo đó, vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng. Đây là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (Khoản 1 Điều 7 Luật Viên chức 2010).
Và, theo Điều 25 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức, bảo đảm các điều kiện cần thiết để viên chức thực hiện nhiệm vụ.
Như vậy, việc phân công nhiệm vụ cho viên chức, phải bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm.
Điều 32 Luật Viên chức 2010 quy định, khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, viên chức có thể được chuyển sang vị trí việc làm mới nếu đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó.
Như vậy, viên chức có thể bị thay đổi vị trí việc làm, tùy thuộc vào nhu cầu của đơn vị sự nghiệp công lập và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó.
Và nay, Văn bản hợp nhất số 03/NĐHN-BNV, ngày 21/5/2019, Nghị định quy định về tuyển dụng, bố trí, phân công, thay đổi và thăng hạng chức danh nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng; biệt phái, bổ nhiệm, miễn nhiệm; đánh giá; thôi việc, nghỉ hưu và thẩm quyền quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập cũng quy định:
“Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức, bảo đảm các điều kiện cần thiết để viên chức thực hiện nhiệm vụ và các chế độ, chính sách đối với viên chức.
Sẽ trả lại chế độ cho các nhà giáo ở huyện Vĩnh Thuận bị cắt, chặn |
Việc phân công nhiệm vụ cho viên chức phải bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm” (Điều 25).
Cũng theo nguyên tắc quy phạm pháp luật hiện hành, cơ sở giáo dục quản lý viên chức bằng “hợp đồng làm việc”, do vậy trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, nếu một bên có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng làm việc thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc.
Khi đã chấp thuận thì các bên tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan của hợp đồng làm việc.
Trường hợp không thoả thuận được thì các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng làm việc.
Theo hệ thống hồ sơ cá nhân do cô Cảnh chuyển tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, kể từ ngày 03/01/1988 đến nay, tất cả các quyết định về việc điều động/ phân công/ nâng bậc lương thường xuyên/ bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp…do Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận ban hành đều công nhận cô Nguyễn Thị Cảnh là “giáo viên”.
Là giáo viên nhưng cô Cảnh lại bị phân công trái vị trí việc làm và trái chuyên môn, việc phân công của ngành giáo dục đối với cô đã không “bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm”.
Không chỉ vậy, chính vì áp dụng phương thức “áp đảo trái luật” nên cô Nguyễn Thị Cảnh cũng không được cơ sở giáo dục “sửa đổi nội dung hợp đồng làm việc” do đó cô giáo này bị cắt chặn chế độ một cách bất nhẫn trong suốt nhiều năm mà không có cơ quan chức năng nào của huyện Vĩnh Thuận hay biết (?)
Ngày 26/8/2019, cô Nguyễn Thị Cảnh được Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận ban hành Quyết định số 2549/QĐ-UBND về việc nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ đối với viên chức.
Nhưng, sự trái khoáy lại tiếp tục tiếp diễn, Quyết định số 2549/QĐ-UBND đã thản nhiên “tặng” cô Nguyễn Thị Cảnh chức vụ “Nhân viên thư viện” trong khi cô Cảnh chưa từng làm việc ở vị trí này dù chỉ 01 ngày (?)
Có thể nói rằng, thêm một lần nữa cô giáo Nguyễn Thị Cảnh bị cơ quan chức năng của huyện Vĩnh Thuận tước mất vị trí “giáo viên” bằng một quyết định vô cảm.
Hiện nay, đã sau 3 tháng nhận quyết định hưu đầy “trái khoáy” nhưng cô giáo Cảnh vẫn chưa thể hoàn tất được các thủ tục hưu vì sự nhọc nhằn trong việc giải quyết chế độ nhà giáo.
Nhưng, dù sao vẫn cứ phải tiếp tục hy vọng rằng, với sự chỉ đạo làm rõ về chế độ giáo viên của Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang, cô giáo Cảnh cùng những nhà giáo đồng cảnh ngộ với cô sẽ sớm nhận được kết quả tốt đẹp.