Tại Hà Nội vừa diễn ra buổi tọa đàm “Hiệu trưởng thay đổi” với sự tham gia của 300 hiệu trưởng đến từ Hà Nội và các địa phương.
Khở động dự án "Hiệu trưởng thay đổi" để có được trường học hạnh phúc (Ảnh VTV.vn) |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hiệu trưởng có vai trò rất đặc biệt, đó là tạo ra môi trường hạnh phúc, gợi mở cho học sinh, giáo viên những cảm xúc tích cực, được sáng tạo và tôn trọng.
Chỉ khi các hiệu trưởng hạnh phúc thì mới có sự cảm thông, chia sẻ, vị tha và tạo được môi trường yêu thương. {1}
Trường học hạnh phúc là gì?
Trường học hạnh phúc được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đến ba tiêu chí là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Nghĩa là môi trường giáo dục phải tuyệt đối an toàn, nói không với bạo lực, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đều được sống trong tình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Mỗi ngày đến trường, thầy trò đều trong tâm thế vui tươi, thoải mái.
Được sống và làm việc trong một ngôi trường hạnh phúc như thế thì chắc chắn chất lượng của việc dạy và học sẽ đạt hiệu quả hơn nhiều.
Vậy làm thế nào để có được một môi trường hạnh phúc?
Có được môi trường hạnh phúc thì vai trò của người hiệu trưởng hay được gọi là người “đầu tàu”, là “thuyền trưởng” vô cùng quan trọng.
Hiệu trưởng không xử phạt hà khắc với giáo viên đương nhiên giáo viên cũng sẽ không áp dụng những hình phạt này với học sinh.
Hiệu trưởng luôn tôn trọng giáo viên, biết lắng nghe, thấu hiểu đương nhiên giáo viên sẽ không bị ức chế để trút giận lên đầu học sinh.
Ông Bùi Mạnh Dũng Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trưng Vương, tỉnh Quảng Trị cho biết: “Hiệu trưởng đứng góc độ là người thấu hiểu để chia sẻ chứ không phải là người ra lệnh.
Hiệu trưởng là người điều hành nhưng điều hành trên góc độ chia sẻ. Không áp đặt ý kiến của mình cho người khác. Ví như theo tôi thế này…còn ý cô thế nào?…
Chưa thống nhất cần tranh luận, phản biện cho đến khi rõ rằng. Tuyệt đối không nên nói: “Theo tôi cô phải làm thế này hay phải làm thế kia…là rất khó hợp tác”.
Thầy Dũng cho biết mình điều hành trong trường cũng thế. Trước một sự việc thầy luôn gặp giáo viên và nói: “Theo quan điểm của tôi thấy vấn đề là như thế, còn thầy (cô) nghĩ như thế nào?
Bản thân tôi, bao giờ cũng hỏi ý kiến, chính kiến của giáo viên và lắng nghe họ nói. Vì có những thông tin mình chưa hiểu đầy đủ mà phủ đầu họ liền, sẽ dở ra.
Nên hỏi vì sao mà có chuyện này? Thầy (cô) giải thích cho tôi để họ tự nói. Sau khi nghe trình bày có thể hỏi lại: “Vì sao cô (thầy) không làm như thế? Theo tôi là như thế…thầy (cô) thấy thế nào?
Và cuối cùng mới đi đến thống nhất thì mọi việc sẽ trở lên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Thầy Dũng cũng khẳng định: “Cũng có những cái mình cần phải quyết đoán nhưng chỉ là hạn chế thôi. Đa phần với giáo viên, hiệu trưởng mà chia sẻ đoàng hoàng họ vẫn làm theo trong vui vẻ thôi, chẳng vấn đề gì khó”.
Những hành xử chưa đẹp của một số hiệu trưởng trong nhà trường hiện nay
Gây căng thẳng cho giáo viên nhiều nhất hiện nay là hiệu trưởng độc đoán, cửa quyền.
Những hiệu trưởng này chỉ biết ra lệnh như các thầy cô phải làm thế này, thế kia.
Không muốn nghe những lời nói thẳng, không thích nghe góp ý, luôn tạo phe nhóm lợi ích để bảo vệ mình và sẵn sàng triệt hạ những ai làm trái ý.
Không vừa lòng điều gì sẵn sàng la mắng giáo viên không tiếc lời ngay trong cả cuộc họp. Luôn áp chế giáo viên bằng việc xếp loại thi đua để triệt tiêu đấu tranh.
Thế nên giáo viên nào lọt vào “tầm ngắm” thì xem như lãnh đủ những đòn trả thù giáng xuống.
Thích thành tích nên luôn cột giáo viên với những chỉ tiêu cao ngất ngưỡng.
Khi giáo viên luôn trong tâm thế buồn bực, áp lực về các chỉ tiêu chất lượng, đã thế lại luôn trong trạng thái bất an, lo sợ bị rày la, chửi mắng bất cứ lúc nào thì không bao giờ những giáo viên ấy có thể cười tươi với học sinh được.
Hiệu trưởng cần thay đổi
Có thể khẳng định chắc chắn rằng, hiệu trưởng chính là linh hồn của môi trường giáo dục.
Có được hiệu trưởng tốt chắc chắn có được môi trường giáo dục tốt.
Nhưng không may gặp phải hiệu trưởng mắc phải những tật xấu kể trên thì xem như môi trường giáo dục ấy sẽ bức bối, áp lực đến nhường nào.
Một giáo viên ở Hòa Bình bức xúc kể rằng, mình vốn là một cô giáo yêu đời, yêu nghề và tràn đầy nhiệt huyết. Thế nhưng luôn bị hiệu trưởng cô lập trước tập thể bằng những lời nhận xét cay độc.
Hiệu trưởng sẵn sàng chê bai, dè bĩu cách ăn mặc của cô trước mặt đồng nghiệp và cả phụ huynh. Sẵn sàng nổi nóng quát nạt bất cứ lúc nào cho dù lúc ấy cô đang trên lớp dạy.
Cô bức xúc nhưng không thể nói được và trở nên mặc cảm, tự ti. Những ngày tới trường trở thành cực hình, cô lầm lũi đến lớp rồi trở về nhà trong tâm trạng nặng nề, căng thẳng.
Cũng kể từ ngày đó, học sinh không còn được nghe cô hát nhiều như trước. Cô sẵn sàng cáu bẳn, nỗi nóng với các em khi bực mình.
Riêng tôi đã khá may mắn được làm việc với những hiệu trưởng luôn biết cười với giáo viên mỗi khi gặp mặt, luôn lắng nghe để giáo viên nói và luôn ghi nhận, điều chỉnh những việc làm chưa đúng.
Có điều gì chưa vừa ý, hiệu trưởng sẽ mời riêng những giáo viên ấy vào phòng để trao đổi. Chưa bao giờ giáo viên bị la rày trong cuộc họphay bị mắng phủ đầu trước mặt các đồng nghiệp khác.
Tuyệt đối không gây áp lực hay ra lệnh cho giáo viên phải thế nọ, thế kia. Điều khó cùng nhau thảo luận, trao đổi để tìm cách gỡ từ từ.
Nhiều giáo viên cứ nói vui với nhau: “Hôm nào đến trường, thấy hiệu trưởng cười tươi thì hôm ấy ai cũng có mùa xuân”.
Chẳng điều gì lớn lao để không thể làm được. Vấn đề là những hiệu trưởng ấy chính họ có muốn thay đổi hay không?
Tài liệu tham khảo:
https://www.tienphong.vn/giao-duc/hieu-truong-thay-doi-de-truong-hoc-hanh-phuc-1489967.tpo{1}