Thi trắc nghiệm kiểu câu hỏi lựa chọn (multi-choice quiz) có tác dụng gì không? Thực ra vẫn có tác dụng. Kiểu kiểm tra đánh giá này, và cùng với nó là xếp hạng thương số trí thông minh (I.Q) đã từng đem lại tác dụng to lớn cho một mục đích cụ thể cách đây hàng trăm năm.
Nó đã hoàn thành sứ mệnh “lịch sử” của nó. Nay nó đã mất “thiêng”.
Cơn cuồng trắc nghiệm đã dịu đi ở ngay cả nơi đã khai sinh ra nó, ở nước Pháp, và cả ở nơi nền giáo dục rất đề cao tính hiệu quả, đó là nước Mĩ.
Hiện nay kiểu thi trắc nghiệm vẫn được dùng và vẫn tỏ ra hiệu quả khi được dùng để đánh giá sự thuần thục về “kĩ năng”.
Ví dụ, thi trắc nghiệm được dùng cho sát hạch lấy bằng lái xe. Người ta không cần biết thí sinh lập luận thế nào trước khi quyết định chọn câu trả lời.
Người lái xe chỉ cần luyện tập các kĩ năng sao cho thành các thói quen tự động (automatic) như một bản năng thứ hai, là đủ.
Vẻ đẹp của Toán học nằm ở “cách giải”, cách đi đến lời giải, cách lập luận để đi đến lời giải, bất chấp bài toán được trình bày theo vô vàn cách. (Ảnh minh hoạ: Huỳnh Kim Phượng/TTXVN) |
Song, áp dụng vào nhà trường, đặc biệt là trường phổ thông, là điều cho thấy lỗ hổng nghiêm trọng trong nghiên cứu và đào tạo sư phạm: hầu như không có nghiên cứu, đào tạo tâm lí học đúng nghĩa và do đó chưa có ai từng nghĩ tới làm các công trình nghiên cứu có tính thực nghiệm về việc áp dụng thi trắc nghiệm trong thời đại ngày nay.
Bản chất của trí thông minh là nó phải biết cách để “tìm ra cách giải” khi bắt gặp một vấn đề mới, một vấn đề nó gặp lần đầu.
Dĩ nhiên, nhà trường phổ thông không yêu cầu học sinh bắt buộc phải “tìm ra cách giải mới”.
Bởi lẽ toàn bộ kiến thức toán học trong chương trình được cho là “đã có lời giải” và lời giải duy nhất đúng được đương nhiên thừa nhận là của sách giáo khoa thông qua thầy cô dùng nó để dạy.
Thi trắc nghiệm môn Toán, tranh cãi trái chiều chưa hồi kết |
Nếu đúng như thế thì chỉ cần yêu cầu học sinh “học thuộc lòng” các cách giải của thầy cô! Và thi trắc nghiệm là công cụ tuyệt vời để phục vụ cho mục đích này!
Học sinh chỉ cần ghi nhớ thuộc lòng, luyện tập thành thạo các “thuật toán” của thầy cô.
Bây giờ hãy thử thay đổi cách “ra đề”, tức cùng một thuật toán song được “trình bày” theo một cách khác đi, ta sẽ thấy hầu hết học sinh đều gặp khó khăn, thậm chí ngồi cắn bút, bất lực.
Lấy một ví dụ có lẽ đơn giản nhất: hỏi một em học sinh tiểu học “một cộng không bằng mấy?”, em trả lời dễ dàng, “bằng một”.
Hỏi tiếp, “mẹ cho em một cái kẹo và không cho em cái kẹo nào nữa, hỏi em có mấy cái kẹo?”. Nhiều em trả lời: em không có cái kẹo nào cả.
Học sinh tưởng rằng đây là một “bài toán” mới. Và, như nói ở trên, học sinh không có đủ trí thông minh “sáng tạo” để giải quyết một bài toán mà chúng “gặp lần đầu”.
Khoan hãy nói các môn học khác, riêng với môn Toán thôi, thử hỏi những sau này học sinh trưởng thành lên, bước vào cuộc sống lao động, liệu chúng có “được chuẩn bị sẵn sàng” cho việc có một cái đầu biết giải quyết vô vàn bài toán đa dạng. Đây chính là nguồn gốc của việc vô tình tiêu diệt tính “sáng tạo”.
Bên ra đề chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình: dễ ra đề, dễ đánh giá, dễ cho điểm, dễ báo cáo thành tích v.v…
Tuồng như họ muốn biết “chắc chắn” học sinh có “thuộc bài” hay không!
Học sinh phổ thông học là học “tư duy”, học “phương pháp”.
Vẻ đẹp của Toán học không hẳn nằm ở các công thức, các phương trình. Nó nằm ở “cách giải”, cách đi đến lời giải, cách lập luận để đi đến lời giải, bất chấp bài toán được trình bày theo vô vàn cách. Ta vẫn nói về CÁCH GIẢI đẹp.