Nước sạch bị nhiễm bẩn, Quốc hội sẽ xem xét kỹ trong dự án Luật tại kỳ họp tới

27/11/2019 21:16
Đỗ Thơm
(GDVN) - Tổng Thư ký Quốc hội - ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, vụ việc nước bẩn sông Đà liên quan đến Luật Bảo vệ Môi trường.

Chiều 27/11, sau khi bế mạc kỳ họp thứ 8, Tổng Thư ký Quốc hội – ông Nguyễn Hạnh Phúc đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8 Quốc hội XIV.

Tổng Thư ký Quốc hội – ông Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Quochoi.vn
Tổng Thư ký Quốc hội – ông Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Quochoi.vn

Tại cuộc họp báo, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nêu câu hỏi, việc nguồn nước cho nhà máy nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải ảnh hưởng đến hàng vạn hộ dân Thủ đô.

Tại các phiên thảo luận trong kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến rất nhiều về vấn đề an toàn-an ninh nguồn nước. Vậy Quốc hội có kế hoạch giám sát chuyên đề về chất lượng nước sạch ở các đô thị và xây dựng án Luật riêng về vấn đề này?

Tổng Thư ký Quốc hội – ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Vụ việc nước bẩn sông Đà liên quan đến Luật Bảo vệ Môi trường. Hiện nay trong chương trình xây dựng pháp luật năm 2020 đã có rồi. Trong kỳ họp thứ 9 sẽ cho ý kiến”.

Vì sao Hà Nội chưa làm rõ trách nhiệm của Viwasupco sau vụ bơm nước bẩn cho dân?
Vì sao Hà Nội chưa làm rõ trách nhiệm của Viwasupco sau vụ bơm nước bẩn cho dân?

Đây chắc chắn là thông tin vui mừng cho hàng triệu người dân bởi vấn đề nước sinh hoạt nhiễm bẩn gây ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe đã được nhắc đến quá nhiều thời gian qua.

Có những khu vực tại Hà Nội từng xảy ra chuyện nước sinh hoạt bỗng nhiên đen như nước cống; có nơi lại vàng như màu đất. Những cái tên từng bị báo chí điểm tên xảy ra tình trạng nước sinh hoạt bẩn như Khu đô thị Tân Tây Đô (Đan Phượng, Hà Nội), Khu đô thị Tứ Hiệp (Thanh Trì).

Tuy nhiên, sự cố nước nhiễm dầu thải từ nhà máy nước sông Đà cách đây gần 2 tháng mới là khủng khiếp nhất, khiến cho hàng nghìn gia đình đảo lộn sinh hoạt, trong số ấy có rất nhiều cháu bé đang ở độ tuổi đi học.

Để đối phó với tình trạng nước sinh hoạt không đảm bảo nhiều trường học đã phải xây dựng hệ thống lọc công nghiệp, bảo vệ sức khỏe học sinh.

Khi vụ nước nhiễm dầu xảy ra, Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đã nói rằng: “Cả triệu người dân Thủ đô lao đao khi nguồn cung cấp nước sạch bị ô nhiễm kéo dài cả tuần thì cả xã hội mới giật mình nhận ra cách quản lý tắc trách của các cơ quan quản lý nhà nước đối với một vấn đề sinh tử của dân…”.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng nói thẳng: "Viwasupco lấy nước từ một hồ không an toàn lộ thiên về bán cho dân dùng nhiều năm mà không một ai cảnh báo, nhắc nhở, vô cảm lâu dài đến thế là cùng".

Bức xúc về việc dân phải trả tiền nhưng nhận về nước bẩn, Đại biểu Quốc hội khóa 13 - ông Nguyễn Ngọc Bảo nêu quan điểm: “Không thể chấp nhận được tình trạng người dân phải trả tiền mua nước sạch nhưng lại nhận về nước bẩn, đó là sự lừa dối của những đơn vị cung cấp nước. Lẽ ra khi xảy ra sự cố này ở một điểm nào đó thì thành phố phải chỉ đạo xử lý dứt điểm ngay và ngăn chặn toàn bộ các khu vực khác không để xảy ra tình trạng tương tự, nhưng đáng tiếc là cho đến nay việc xử lý chỉ mang tính tình huống, chưa đặt thành vấn đề tổng thể.

Tôi mong rằng thành phố sẽ coi vấn đề này là công tác trọng tâm, cần có một cuộc tổng rà soát để xử lý ngay đối với các nhà máy cung cấp nước không đạt yêu cầu, đồng thời xây dựng thêm các dự án hiện đại tiêu chuẩn thế giới để người dân có quyền lựa chọn sử dụng nước sạch đảm bảo sức khỏe gia đình”.

Theo thông tin tổng kết kỳ họp, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 11 dự án Luật, 17 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án Luật.

Thông qua 11 luật, bộ luật: Bộ luật Lao động; Luật Chứng khoán; Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Chưa thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2020).

Thông qua 17 nghị quyết: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia; Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án;

Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020;

Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1;

Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Nghị quyết về việc miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV;

Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 và Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Cho ý kiến về 10 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Ngoài ra, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng khác.

Đỗ Thơm