Học trò của tôi đã hết nhút nhát, sợ xa nhà, xa cha mẹ

29/11/2019 06:00
Trinh Phúc
(GDVN) - Bằng nỗ lực của các thầy cô như thầy Lê Minh Trung, giờ đây con em đồng bào dân tộc tỉnh Tây Ninh đã có một ngôi trường để yên tâm học tập.

Thầy Lê Minh Trung là thầy giáo dạy văn của Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh được vinh dự ra Hà Nội tham gia chương trình “chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019.

Tâm sự với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về điều kiện học tập của con em đồng bào các dân tộc tại tỉnh Tây Ninh, thầy Trung cho rằng, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đối với giáo dục của con em đồng bào dân tộc, chế độ chính sách trung ương quy định tỉnh đều thực hiện đầy đủ, có chế độ học bổng khuyến khích các em khá giỏi cố gắng nhưng nhìn chung các em vẫn còn nhiều khó khăn.

Tại trường dân tộc nội trú, đặc thù các em học xa nhà. Học sinh là con em của 15 dân tộc khác nhau đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, nên khi sống chung, sinh hoạt chung cần phải tạo môi trường sao cho hòa hợp để các em thích nghi và hoạt động tốt và vai trò của thầy cô giáo giám sát, chỉ bảo hàng ngày là rất quan trọng.

Thầy Lê Minh Trung (ảnh Trinh Phúc)
Thầy Lê Minh Trung (ảnh Trinh Phúc)

Thầy Trung nhớ lại, những ngày đầu thành lập trường, năm học 2011 – 2012 thầy trò đều rất bỡ ngỡ. Một trong những cái khó khăn của nhà trường thời bấy giờ là tuyển sinh.

Để có học sinh, giáo viên đến các thôn, sóc có nhiều bà con dân tộc sinh sống để tuyên truyền, vận động, giải thích cho cha mẹ học sinh biết chế độ chính sách của nhà nước, hoạt động của nhà trường cho phụ huynh yên tâm đến trường.

Bên cạnh đó gặp những người có uy tín để nhờ họ tác động như Sư Cả (dân tộc Chăm), sư chủ trì các chùa (dân tộc Khmer), trưởng tộc (dân tộc Tà Mun).

Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã, ấp hỗ trợ bà con làm hồ sơ theo đúng quy định. Năm đầu tiên chúng tôi chiêu sinh được 18 lớp với 633 học sinh.        

Ở nơi rừng thẳm, các cô giáo góp tiền nuôi học sinh đến trường
Ở nơi rừng thẳm, các cô giáo góp tiền nuôi học sinh đến trường

Theo thầy Trung: “Lúc bấy giờ đồng bào chưa có niềm tin vì trường mới thành lập. Tâm lý nhút nhát, sợ xa nhà, xa cha mẹ của học sinh” và chia sẻ, đến nay, trường đã hoat động tốt, trong 3 năm vừa rồi với sự nỗ lực của thầy và trò, trường nội trú Tây Ninh đạt được kết quả khả quan, tốt nghiệp đậu 100%.

Năm học đầu tiên trong ký ức của thầy Trung vẫn còn nhiều kỷ niệm. Học sinh mới chưa quen thầy quen bạn; thầy cô mới chưa có kinh nghiệm trong quản lý nội trú.

Các cháu nhỏ khóc nhớ nhà, nhớ mẹ; các em học sinh lớn chưa quen môi trường mới với nhiều bạn mới khác dân tộc mình. Nhà trường đã tiến hành nhiều hoạt động tập thể để các em hòa nhập trong sinh hoạt và học tập.

Từ năm học đầu tiên đến nay, thầy Trung đã vừa dạy lớp vừa là thành viên của ban quản lý học sinh, hằng ngày tiếp xúc với các em để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hay những khó khăn, mâu thuẩn trong quá trình học tập và sinh hoạt để kịp thời tư vấn, hỗ trợ các em.

Sau hơn 8 năm hoạt động, thầy trò chúng tôi đã dần hoàn thiện và đạt một số thành tích đáng khích lệ như 3 năm liền chúng tôi đều có học sinh đạt giải cấp tỉnh môn văn hóa; đạt nhiều giải trong các hội thao quốc phòng, hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh.

Hiện nay, các em rất hòa đồng và thân thiện, không còn rụt rè, nhút nhát như những ngày đầu đền trường.

Thầy Trung là giáo viên môn Ngữ văn, thầy cũng cho biết việc cảm thụ văn học đối với các em đồng bào dân tộc rất khó khăn. Do tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ nên các cháu có thể giao tiếp nhưng để hiểu ý nghĩa về ngôn ngũ tiếng Việt là rất hạn chế.

Chính vì vậy, thầy Trung và giáo viên bộ môn Ngữ văn, khi giảng dạy thường phải tập trung một số nội dung chính để hoàn thành bài dạy cơ bản, sau đó xây dựng các chuyên đề giúp các em tìm hiểu, tạo sự thích thú hơn khi tiếp cận tiếng Việt.

Trinh Phúc