Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2020. Trong đó, Luật có quy định giao Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Trước thời điểm luật giáo dục có hiệu lực, việc chọn bộ sách nào để dạy lớp 1 khi áp dụng chương trình mới, không thuộc về Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; việc chọn sách giáo khoa mới được thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Theo quy định của Nghị quyết 88 “cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn Sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh”.
Dư luận rất băn khoăn “cơ sở giáo dục” ở đây là mỗi trường Tiểu học có quyền chọn một bộ sách sử dụng, dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh trường đó.
Như vậy có thể trong một Phòng giáo dục sẽ có các trường sử dụng sách giáo khoa khác nhau.
Chọn bộ sách nào để dạy, để học, có còn quan trọng? (Ảnh minh họa: VTV) |
Việc “phong phú, đa dạng” các bộ sách trên cùng một địa phương phạm vi hẹp như vậy có nên không?
Theo ý kiến người viết, mỗi trường một bộ sách giáo khoa khác nhau trong cùng một huyện, đó là một điều tuyệt vời nhất cho giáo dục nước nhà.
Tại sao lại tuyệt vời?
Thứ nhất: Giáo viên, học sinh, phụ huynh trong trường học đã dựa vào năng lực “cảm nhận, cảm thụ” của mình về phương pháp tiếp cận kiến thức, kĩ năng mà bộ sách truyền tải phù hợp với mình; với điều kiện kinh tế xã hội của mình; việc dạy và học chắc chắn sẽ thuận tiện hơn khi “bị ai đó” ấn vào tay mình phải dạy, học theo sách này.
Thứ hai: Phù hợp với quy luật tiến hóa của xã hội; bộ sách nào tốt thì sẽ được nhiều người sử dụng, tồn tại; bộ sách nào không phù hợp, ít người sử dụng bị đào thải.
Vì khả năng “sinh tồn” của bộ sách, buộc các nhà biên soạn sách phải cập nhật, thay đổi, bổ sung hàng năm cho sách của mình theo kịp thời đại; tránh được “sự chây ì” kiến thức của nhà xuất bản.
Giúp làm lợi cho ngân sách, không cần đầu tư vào biên soạn sách giáo khoa; chỉ cần chương trình tốt, sách giáo khoa đã có “xã hội” lo.
Làm thế nào để hạn chế tiêu cực xảy ra trong quá trình chọn sách giáo khoa? |
Thứ ba: Thể hiện sự dân chủ xã hội trong giáo dục. Dân chủ ngay từ chọn sách dạy, chọn sách học.
Thứ tư: Tăng trách nhiệm của giáo viên, phụ huynh, cộng đồng trong giáo dục đào tạo.
Giáo viên, phụ huynh, học sinh không có quyền đổ lỗi; giáo dục mọi người phải có tính chịu trách nhiệm trước hành vi, lựa chọn của chính mình.
Thứ năm: Xóa bỏ lợi ích nhóm; Đập tan cơ chế xin cho, chạy chọt trong phát hành sách giáo khoa.
Sách giáo khoa nào cũng phải bám theo sợi chỉ đỏ, trục chính của giáo dục là Chương trình giáo dục phổ thông đã được ban hành; chỉ khác nhau ở phương pháp, phương án tiếp cận tri thức mà thôi.
Vì thế, mỗi trường dạy một bộ sách giáo khoa khác nhau, không ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội; chỉ đem lại lợi ích cho giáo dục mà thôi.
Hãy để “cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn Sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh”; có như thế mới mong rằng, chúng ta sẽ có những bộ sách giáo khoa tốt.