Một quyết định làm thụt lùi tự chủ đại học

02/12/2019 06:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Quyết định 1584/QĐ-TLĐ đã thụt lùi nghiêm trọng so với Quyết định 1445/QĐ-TLĐ của chính Tổng Liên đoàn; bất chấp Luật số 34/2018/QH14 và Nghị quyết 19-NQ/TW.

Sau Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP, ngày 2/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 14 năm; ngày 19/3/2019, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán nhà nước”. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết:

“Hiện nay vẫn còn tình trạng trông chờ ỷ lại ngân sách nhà nước; chưa khuyến khích tăng mức độ tự đảm bảo nguồn kinh phí; hiệu quả sử dụng tài sản công chưa cao; nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục chưa được chú trọng...” [1]

Tổng liên đoàn có chấp hành Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật số 34/2018/QH14?
Tổng liên đoàn có chấp hành Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật số 34/2018/QH14?

Ở chiều ngược lại, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tự chủ rất thành công, hoàn toàn không dùng ngân sách Nhà nước, kể cả chi thường xuyên lẫn chi đầu tư phát triển, lại đang gặp phải những rào cản từ cơ chế bộ chủ quản.

Khi được thành lập vào năm 1997, Nhà trường không có nhà cửa, đất đai, tất cả đều phải đi thuê, chỉ có một ít tài chính ban đầu để làm thủ tục thành lập, không hưởng ngân sách cả chi thường xuyên lẫn chi đầu tư xây dựng cơ bản;

Trong điều kiện khó khăn như vậy mà Nhà trường tự xây dựng được một đại học TOP của đất nước, có cơ ngơi khang trang, hiện đại; và đang tiếp tục phát triển mạnh theo hướng tinh hoa. Thành tựu này chính là do cơ chế thí điểm tự chủ mang lại.

Hành trình xây dựng một đại học công lập tinh hoa bằng cơ chế thí điểm tự chủ

Trường Đại học Tôn Đức Thắng có xuất phát điểm là một trường đại học dân lập do Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh đứng ra sáng lập năm 1997, với tên gọi là: Trường Đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng.

Kể từ thời điểm ra đời, vì là trường dân lập, Ngân sách nhà nước và Công đoàn không có hành lang pháp lý nào để đầu tư; và Trường đã phải tự mình trang trải toàn bộ các khoản kinh phí trong quá trình hoạt động, từ chi thường xuyên cho hoạt động, chi trả thù lao giảng dạy, phát triển giáo trình, thuê mướn cơ sở...; cho đến đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị khác.

Nói cách khác, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã phải tự chủ toàn diện, tự thân vận động, tự thu-tự chi ngay từ khi thành lập. Khi đó cơ sở vật chất, tài sản, thương hiệu hầu như không có gì!, không cơ quan nào thanh, kiểm tra.

Không nhận đầu tư chi thường xuyên cũng như chi phát triển từ ngân sách Nhà nước và Công đoàn, xây dựng đại học tinh hoa là hành trình không đơn giản, nhưng chính cơ chế tự chủ đã giúp Trường Đại học Tôn Đức Thắng vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh minh họa, nguồn: tdtu.edu.vn.
Không nhận đầu tư chi thường xuyên cũng như chi phát triển từ ngân sách Nhà nước và Công đoàn, xây dựng đại học tinh hoa là hành trình không đơn giản, nhưng chính cơ chế tự chủ đã giúp Trường Đại học Tôn Đức Thắng vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh minh họa, nguồn: tdtu.edu.vn.

Đến năm 2008, Trường được chuyển đổi hình thức sở hữu từ đại học bán công thành đại học công lập trực thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Căn cứ sự phê duyệt Đề án chuyển đổi, Thủ tướng Chính phủ giao Trường tiếp tục tự chủ tài chính, tự trang trải toàn bộ các khoản chi, hoàn toàn không nhận chi thường xuyên và chi đầu tư từ Ngân sách nhà nước và Công đoàn.

Trong Nghị quyết 14/2015/NQ-CP Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 60% giảng viên đạt trình độ thạc sỹ và 35% đạt trình độ tiến sỹ;

Chỉ sau 10 năm, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã sở hữu đội ngũ nhân lực chuyên môn có trình độ tiến sĩ và đang hoàn tất Nghiên cứu sinh tiến sĩ chiếm hơn 50%; trong số đó, 205 tiến sĩ và giáo sư là người nước ngoài.

Tháng 7/2008, tổng đội ngũ nhân sự Trường có 360 người. Đến tháng 12/2013 là 874 nhân sự. Đến cuối 2018, Trường đã có đội ngũ 1.340 giảng viên, viên chức.

Toàn bộ không hưởng lương từ ngân sách nhà nước từ trước đến nay. Chất lượng và số lượng giảng viên, viên chức không ngừng tăng, trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp ngày càng cao.

Nếu không có tự chủ thì Đại học Tôn Đức Thắng không thể vượt trội như vậy
Nếu không có tự chủ thì Đại học Tôn Đức Thắng không thể vượt trội như vậy

Từ năm 2010 đến nay, hằng năm thường xuyên có khoảng 100 giảng viên đang học sau đại học nước ngoài. Để thu hút chuyên gia, nhà khoa học trên thế giới về cộng tác với Trường; trong các năm từ 2012 đến 2018, Nhà trường đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi kết hợp với nhiều loại hình hợp đồng làm việc linh hoạt.

Vì thế, đến nay, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có lẽ là cơ quan giáo dục, khoa học-công nghệ có số lượng nhà khoa học nước ngoài, chuyên gia Việt kiều trình độ từ tiến sĩ trở lên đang làm việc đông nhất trong toàn quốc.

Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ đặt mục tiêu:

"Nâng cao rõ rệt quy mô và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Các trường đại học lớn phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh của cả nước; nguồn thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất và dịch vụ đạt tối thiểu 15% tổng nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học vào năm 2010 và 25% vào năm 2020."

Trường Đại học Tôn Đức Thắng là đại học đầu tiên ở Việt Nam yêu cầu sản phẩm đầu ra của nghiên cứu khoa học phải được công bố trên các tạp chí khoa học-công nghệ quốc tế thuộc Danh mục ISI/Scopus;

Nghiên cứu công nghệ phải có kết quả đầu ra đạt được Bằng sáng chế công nghệ của Cục sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (United States Patents and Trademark Office: USPTO), và nghiên cứu ứng dụng phải được doanh nghiệp tài trợ hoặc tiếp nhận đưa vào sản xuất kể từ cuối kỳ kế hoạch thứ nhất.

Tốc độ tăng trưởng khoa học-công nghệ trong 6 năm qua hầu như theo cấp số nhân. So sánh qua các năm, kể từ năm 2012 đến 2018, kết quả công bố các bài báo quốc tế ISI của TDTU năm sau hầu như đều tăng gấp đôi so với năm trước.

Muốn xây dựng đại học tinh hoa, đầu tiên phải ổn định việc tuyển sinh và đảm bảo chất lượng đào tạo các ngành nghề ứng dụng mà xã hội đang cần, nhà tuyển dụng đòi hỏi. Ảnh minh họa, nguồn: tdtu.edu.vn.
Muốn xây dựng đại học tinh hoa, đầu tiên phải ổn định việc tuyển sinh và đảm bảo chất lượng đào tạo các ngành nghề ứng dụng mà xã hội đang cần, nhà tuyển dụng đòi hỏi. Ảnh minh họa, nguồn: tdtu.edu.vn.

Tính từ 1975 đến nay, cả nước mới có 26 Bằng sáng chế Mỹ do Việt Nam đứng tên chủ sở hữu, thì trong đó có 07 Bằng sáng chế là của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Ước tính giá trị khoa học đã chuyển giao hằng năm trong 5 năm thực hiện kế hoạch lần thứ 2 là 100 tỷ đồng. Đây là điều kế hoạch 5 năm lần thứ nhất chưa đạt được. Riêng năm 2018, tổng giá trị chuyển giao, tư vấn, dịch vụ cho doanh nghiệp và giá trị thu ngoài học phí đạt 30% tổng thu.

Tính đến 12/2018, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã đào tạo và cung ứng cho xã hội 3 tiến sĩ, 557 thạc sĩ, 38.397 cử nhân, kĩ sư và 10.686 cử nhân cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Đầu vào từ tỉ lệ chọi 1:1 năm 2008, đến 3 năm gần đây là chọn 1 sinh viên từ 10 thí sinh. Nghĩa là một chọi mười (1 :10).

Về đầu ra, Chuẩn chất lượng của sinh viên Trường được công bố ngay từ khâu tuyển sinh không thua các đại học lớn trên thế giới:

Kiến thức chuyên ngành phải đạt chuẩn quốc tế; trình độ tiếng Anh từ khóa tuyển sinh 2008 trở đi tối thiểu phải TOEIC quốc tế 500 điểm (khóa tuyển sinh năm học 2016-2017 trở đi, chuẩn tiếng Anh phải từ IELTS 5.0 trở lên);

Đề nghị giám sát văn bản dưới luật do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
Đề nghị giám sát văn bản dưới luật do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Trình độ Tin học văn phòng phải đạt MOS quốc tế 750/1.000 điểm; có kỹ năng sống tốt, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng bơi lội liên tục 50m; chơi giỏi ít nhất 1 môn thể thao; biết làm việc nhóm tốt; lễ phép với người trên và kỷ luật, trách nhiệm....

Từ 2018, Nhà trường đã cam kết với phụ huynh và xã hội 100% người học ra Trường đều có việc làm trong vòng 12 tháng. Sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng có thể làm việc ở khắp nơi trên thế giới.

Nhà trường đã thực hiện thành công cam kết này.

Với khởi đầu gần như bằng những bàn tay trắng, không có ngân sách nhà nước; chỉ có một ít đầu tư từ Tổ chức công đoàn Việt Nam (Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Tôn Đức Thắng sau 22 năm làm việc kiên cường, đã xây dựng và tích lũy được một tổng tài sản khổng lồ cho đất nước.

Tổng quỹ đất Trường đang thuê nhà nước hiện có là hơn 100ha với 6 cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Toàn bộ nguồn vốn đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở và trang bị dạy-học-nghiên cứu đều là vốn tự tích lũy từ quá trình hoạt động. Tính đến cuối 2019, Trường đã tạo ra tổng giá trị tài sản đã đầu tư vào cơ sở vật chất trên mặt đất hơn 3.500 tỷ đồng.

Tự chủ đại học nhưng không để sinh viên nhà nghèo học giỏi bị thất học, Trường Đại học Tôn Đức Thắng luôn có các chương trình học bổng hỗ trợ và khuyến khích sinh viên vượt khó thành tài. Ảnh minh họa, nguồn: tdtu.edu.vn.
Tự chủ đại học nhưng không để sinh viên nhà nghèo học giỏi bị thất học, Trường Đại học Tôn Đức Thắng luôn có các chương trình học bổng hỗ trợ và khuyến khích sinh viên vượt khó thành tài. Ảnh minh họa, nguồn: tdtu.edu.vn.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng hoàn toàn có thể nói là hình mẫu thành công, đã thực hiện được đúng Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về phát triển lực lượng chuyên môn, giáo dục, khoa học-công nghệ; ngoại trừ việc bỏ cơ chế bộ chủ quản.

Rủi ro ngày càng rõ đối với con đường tự chủ của trường đại học công lập

Theo phân tích của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh trong tham luận tại Hội thảo "Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập: Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán nhà nước" tháng 3/2019 thì:

“Công cụ phục vụ đắc lực cho công tác quản lý tài chính ở các cơ sở giáo dục đại học công lập khi chuyển sang cơ chế tự chủ là kế toán, kiểm toán và hệ thống kiểm soát nội bộ.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, hệ thống pháp luật về các chế độ kế toán (chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán) và hệ thống các chuẩn mực kế toán, kiểm toán áp dụng cho cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ vẫn đang trong tình trạng thiếu hoặc chắp vá "nham nhở" và pha tạp giữa chế độ kế toán doanh nghiệp với chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp sử dụng toàn bộ kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Do vậy, ranh giới giữa sai và đúng trong hoạt động quản lý tài chính, tài sản, đầu tư, mua sắm tại các cơ sở giáo dục đại học công lập hiện nay đang rất mờ nhạt.

Lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ luôn trong tình trạng đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn và nguy cơ bị chế tài khắc nghiệt nhất, kể cả khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do sự vận dụng linh hoạt các nguyên lý tự chủ tài chính trong Luật Giáo dục đại học 2012, Nghị quyết 77/NQ-CP và các quyết định tự chủ.”

Một thí dụ nữa về điều này.

Nghị định hướng dẫn Luật Giáo dục đại học cần có mục tiêu đẩy mạnh tự chủ
Nghị định hướng dẫn Luật Giáo dục đại học cần có mục tiêu đẩy mạnh tự chủ

Ngày 25/10/2010, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có Quyết định số 1445/QĐ-TLĐ ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, kỷ luật cán bộ, công chức trong tổ chức Công đoàn.

Điểm c), khoản 2, Điều 2 của Quy chế này quy định rõ:

"Các chức danh lãnh đạo, quản lý các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề thực hiện theo Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, điều lệ hoặc quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường, trung tâm, các quy định pháp luật khác có liên quan.”

Rõ ràng là Quyết định số 1445/QĐ-TLĐ rất đúng pháp luật. Mặc dù thời điểm đó chưa có đủ văn bản pháp qui về tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập; việc để cho các trường học phải thực hiện công tác nhân sự theo luật chuyên ngành của trường là hành động rất chính xác, đúng đắn; rất tiến bộ.

9 năm sau, chủ trương chính sách và hành lang pháp lý tự chủ đại học đã rõ ràng, Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 đã có hiệu lực với toàn thể Đảng viên và Tổ chức Đảng; Luật số 34/2018/QH14 đã có hiệu lực từ 1/7/2019 với toàn dân;

Tuy nhiên lúc này cơ quan chủ quản của Trường Đại học Tôn Đức Thắng vẫn tự do ban hành Quyết định 1584/QĐ-TLĐ ngày 16/10/2019, gom hết công tác nhân sự của trường đại học trực thuộc về cho mình quản lý;

Có thể thấy những quy định này trong Quyết định 1584/QĐ-TLĐ đã đi thụt lùi nghiêm trọng khi so sánh với Quyết định 1445/QĐ-TLĐ của chính Tổng Liên đoàn; bất chấp Luật số 34/2018/QH14 và Nghị quyết 19-NQ/TW của Đảng.

Khi mà còn những hành xử như vậy của cơ quan chủ quản, thì tự chủ đại học còn rất nhiều rủi ro; rất dễ phá hỏng mọi nỗ lực của Đảng, của nhà nước, nhân dân trong đổi mới hệ thống quản lý và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có trường đại học.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.sav.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?ItemID=36873&l=TinTucSuKien

Hồng Thủy