Cho tới nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố danh mục 32 bộ sách giáo khoa lớp 1 được sử dụng bắt đầu từ năm học tới.
Các cơ sở giáo dục phổ thông hoàn toàn được lựa chọn một bộ sách giáo khoa phù hợp, nằm trong tổng số 32 bộ sách giáo khoa nói trên cho năm học 2020 – 2021.
Những cơ sở này sẽ thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa, dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Thành viên Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn nhận tiền hàng tháng
Tuy nhiên, tới đây thì dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ việc lựa chọn sách giáo khoa được giảng dạy có đảm bảo khách quan, công bằng và minh bạch hay không, khi mới đây, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp cận được một quyết định chi thù lao cho các thành viên thuộc Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại quyết định 778/QĐ-NXBGDVN được ký tại Hà Nội ngày 29/9/2015, Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa này gồm 11 người, do ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở này làm trưởng ban.
Phó ban là ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Danh sách còn có 9 thành viên khác, là lãnh đạo Văn phòng Sở, Trưởng và Phó trưởng phòng của hai phòng là Giáo dục trung học và Giáo dục tiểu học.
Quyết định 778 năm 2015 của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (ảnh: Viettimes) |
Mức chi thù lao là Trưởng ban nhận 6 triệu đồng/tháng, phó ban nhận 5 triệu đồng/tháng, ủy viên thường trực nhận 4 triệu đồng/tháng và các ủy viên khác nhận 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Quyết định này ghi rõ, nguồn chi từ quỹ đầu tư của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, được thực hiện từ ngày 1/5/2015.
Mức chi chỉ tính riêng trong năm 2015 cho những thành viên này là đến hơn nửa tỷ đồng.
Tới năm 2018, ngày 5/1, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam lại có quyết định 04/QĐ-NXBGDVN, thành lập ban chỉ đạo và mức chi thù lao Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam.
Lúc này, danh sách các thành viên của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là 11 người, cùng với 9 người của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, trong đó có cả Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc.
Nhóm tư vấn và hỗ trợ gồm 15 người, được nhận 2,5 triệu đồng mỗi người/tháng. Còn mức chi cho Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn vẫn giống như năm 2015.
Các thành viên Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn lên tiếng
Ngày 5/12/2019, ngay sau khi xuất hiện thông tin này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với các thành viên thuộc Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa miền Nam.
Ông Nguyễn Bảo Quốc – nguyên là Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Ông có nhận khoản tiền thu lao này cho đến năm 2017, khi ông rời khỏi Sở nhận nhiệm vụ mới là Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Gia Định.
Theo ông Bảo Quốc, việc mình nhận thù lao này là do tham gia thêm một hoạt động khác (ngoài công việc bình thường)
Việc nhận tiền hàng tháng như vậy liệu việc lựa chọn sử dụng sách giáo khoa có còn khách quan? (ảnh: Vietnamnet) |
Tuy nhiên, thời điểm đó không phải là thời điểm lựa chọn học theo bộ sách giáo khoa nào, mà là những ngày đầu tiên, và việc biên soạn sách giáo khoa thì Sở cũng chỉ phối hợp.
Ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh rằng, khi đó, mình cũng chỉ là một thành viên chứ không phải là người đóng vai trò quyết định.
Một thành viên khác là Ủy viên Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa miền Nam, hiện đang là lãnh đạo một phòng chuyên môn thuộc Sở bộc bạch: Việc có Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn, có hội đồng biên soạn, có tổng chủ biên, chủ biên sách giáo khoa thì đương nhiên chính sách chung là có kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
Khi chỉ đạo một công việc, hoạt động riêng ngoài những công việc bình thường đang làm thì sẽ có kinh phí riêng.
Bà Phạm Thị Kim Oanh - Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa miền Nam (trong cả 2 quyết định của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là năm 2015, 2018) thì nói, đây là hợp đồng làm sách giữa 2 bên (Nhà Xuất bản và Sở).
Theo bà Kim Oanh, khi đó, với vai trò là Ủy viên thường trực, bà tuyển người hay giới thiệu người làm sách cho Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn, giúp đỡ và hỗ trợ họ những việc thuộc về công tác chuyên môn, kể cả việc tham gia góp ý hay chỉnh sửa, có ý kiến với họ về mặt nội dung.
Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam nói gì về việc này?
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa miền Nam có nhiệm vụ định hướng chuyên môn, phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo…cho đội ngũ tác giả, thực hiện việc góp ý, chỉnh sửa nội dung của các bản thảo…
Các thành viên của Ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau, với tính chất và mức độ khác nhau, phải hoàn thành theo yêu cầu bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên.
Trên cơ sở đó, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cân đối, tính toán mức thù lao phù hợp từ nguồn kinh phí của mình.
24 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2020 – 2021, đều bám sát chương trình, đảm bảo chất lượng, phù hợp với học sinh.
Các địa phương sẽ lựa chọn sách giáo khoa trên cơ sở chất lượng của bộ sách, mức độ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cũng như khả năng của các Nhà Xuất bản trong việc đồng hành, hỗ trợ giáo viên trong suốt quá trình tổ chức việc dạy học.