Chỉ còn dăm tháng nữa là năm học 2019-2020 sẽ kết thúc. Theo dự kiến, năm học 2020-2021, sẽ là năm đánh dấu việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đầu tiên ở khối lớp 1.
Thời gian gấp gáp liệu có thể chọn được bộ sách giáo khoa tôt? (Ảnh minh họa Vietnamnet) |
Lẽ ra, trong giai đoạn này, các trường học đã có trong tay 32 cuốn sách (của 5 bộ sách giáo khoa mới) cho các giáo viên có thời gian đọc, nghiên cứu để góp ý chọn lựa cho địa phương mình có được bộ sách giáo khoa tốt và phù hợp nhất.
Nhưng, thời điểm này mới dừng lại ở việc góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc chọn sách ở các trường.
Và khi những ý kiến góp ý từ cơ sở lên đến Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải mất một khoảng thời gian không hề ngắn do phải đi “lòng vòng” qua khá nhiều “cửa ải”.
Điều nhiều người vẫn đang băn khoăn, nghi ngại (được rút ra từ một vài lần thay sách trước đây) liệu những góp ý của giáo viên ở dưới cơ sở (trải qua vài ba lần tổng hợp của cấp trên) liệu có còn nguyên bản? Hay lại bị gọt rủa, cắt xén đi ít nhiều?
Một số ý kiến góp ý của giáo viên cần được tham khảo
Chương II. Điều 4. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa
|
Khoản 2: Dự thảo Thông tư quy định:
Hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) có sách giáo khoa lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.
Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 (mười một) người, trong đó có ít nhất 2/3 (hai phần ba) là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.
Tại sao phải quy định số người trong một Hội đồng bình chọn sách mà không phải là tất cả giáo viên trong nhà trường?
Nếu một trường học có tới 50 giáo viên nhưng nhà trường chỉ lựa có 11 người (đúng mức tối thiểu) thì có phải hơn 2/3 giáo viên không được góp tiếng nói của mình hay không?
Trong khi, những thầy cô giáo là người trực tiếp giảng dạy hằng ngày trên lớp, là người hiểu học sinh tường tận nhất thì hơn ai hết họ chính là những người hiểu rõ nội dung kiến thức nào phù hợp với học sinh của mình.
Những kiến thức nào vượt quá khả năng? Kiến thức nào hàn lâm, bất hợp lý hay xa rời thực tế? (như lâu nay những sai sót trong một số sách giáo khoa đều do giáo viên phát hiện).
Với bậc trung học phổ thông và trung học cơ sở, thì việc quy định 11 người trong Hội đồng bình chọn (dù quy định mức tối thiểu) cũng xảy ra nhiều điều bất hợp lý.
Ví như, chọn sách toán phải hoàn toàn là giáo viên dạy môn toán thì độ chính xác mới cao. Nhưng trong 11 người được quyền chọn lựa kia, liệu có bao nhiêu giáo viên dạy môn toán?
Dù là Ban giám hiệu, dù là tổ trưởng chuyên môn nhưng dạy thể dục, dạy sử, dạy địa…sao có thể chọn được sách dạy toán đây?
Hay chọn sách cho môn văn mà thành viên trong Hội đồng chỉ có vài giáo viên dạy văn.
Chọn sách Khoa học tự nhiên nhưng thành viên chủ yếu trong hội đồng là giáo viên các môn văn, sử, địa, thể dục…sẽ phải chọn sách thế nào cho phù hợp? Hay cứ nhắm mắt quơ đại và bảo rằng hay?
Chương III. Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa
Khoản 2 nêu rõ:
Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá đề xuất danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn theo các nguyên tắc quy định tại Điều 2 Thông tư này và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa do sở giáo dục và đào tạo địa phương quy định để bỏ phiếu lựa chọn sách giáo khoa bằng hình thức bỏ phiếu kín;
Sách giáo khoa được lựa chọn phải được trên 50% (năm mươi phần trăm) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn.
Hội đồng tổng hợp kết quả thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các thành viên tham dự.
Quy định sách được chọn phải được trên 50% (năm mươi phần trăm) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn.
Trường hợp, nếu có 2 bộ sách cùng nhận được số phiếu 50% thì sẽ thế nào? Cần phải quy định rõ trong trường hợp này ai sẽ là người đưa ra quyết định hoặc phải căn cứ vào tiêu chí phụ nào để chọn một trong 2 bộ sách đó?
Thời gian cập rập, liệu có chọn sách theo kiểu “cỡi ngựa xem hoa”?
Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa đến ngày 30/1/2020 mới lấy ý kiến xong nhưng lại yêu cầu các trường phải chọn xong sách giáo khoa lớp 1 trước tháng 3/2020.
|
Vậy, chỉ có hơn một tháng cho việc chọn lựa 5 bộ sách với 32 cuốn sách liệu có gấp gáp quá không?
Chẳng biết các trường sẽ bố trí thời gian để các thành viên trong Hội đồng chọn sách làm việc thế nào khi bậc tiểu học phần lớn dạy 10 buổi/tuần?
Đi dạy cả tuần thời gian nào cho các thầy cô giáo đọc sách? Đọc và suy ngẫm để so sách cuốn sách nào hay? Hay ở chỗ nào? Vì sao cần phải chọn sách này mà không phải là sách khác?
Chỉ đọc sách thôi còn chưa đủ, để xác định được bộ sách này phù hợp với học sinh của mình hơn bộ sách kia cần phải được thông qua thực tế.
Muốn chọn sách chính xác phải có thực nghiệm từ thực tế ít nhất là một vài tiết dạy
Chọn sách dạy mà chỉ chọn bằng mắt cũng chẳng mấy phần chính xác. Giá như ngay từ thời điểm này, đã có sách ở trường học thì mỗi tuần sinh hoạt chuyên môn thay vì thao giảng dự giờ, góp ý như lâu nay sẽ đổi bằng cách dạy thực nghiệm một số tiết học cụ thể trong chương trình mới.
Triển khai các tiết dạy cũng ngẫu nhiên và không cho giáo viên có sự chuẩn bị trước.
Chúng tôi nghĩ rằng, không đánh giá xếp loại tiết dạy mà chỉ đơn giản là dạy thực nghiệm chương trình, chắc chắn giáo viên sẽ tích cực hợp tác.
Để việc chọn sách giáo khoa một cách chính xác, ngoài việc cần tạo điều kiện cho các trường được dạy thực nghiệm ít nhất vài tiết thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần quy định tất cả giáo viên trong trường đều có quyền tham gia đóng góp ý kiến của mình thay vì chỉ lấy ý kiến 11 người như hiện nay.