Trước thông tin các trường tiểu học sẽ chọn sách giáo khoa mới cho trường mình trong năm học 2020 – 2021, dư luận đã có nhiều băn khoăn về việc: làm sao đọc được 32 đầu sách để chọn; mỗi trường chọn một loại sách, học sinh khi chuyển trường, kiểm tra đề chung làm sao; chọn sách như thế sẽ gây lãng phí v.v...
Năm học 2021 – 2022 khi Luật Giáo dục mới có hiệu lực, việc chọn sách thuộc quyền Uỷ ban nhân dân tỉnh phụ trách, một tỉnh sẽ chọn một bộ sách thống nhất.
Làm sao dung hòa việc chọn sách của năm học 2020-2021 với năm học 2021-2022 để đem lại lợi ích thiết thực cho cả người dạy, người học?
Nói khó là khó, nói không khó thì phải tìm ra giải pháp, tạo sự thống nhất cao nhất trên một tỉnh ngay từ năm học 2020 -2021, làm nền tảng cho việc chọn sách năm học 2021 -2022.
Đơn giản nhất, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phải nhập cuộc ngay quá trình chọn sách năm học tới.
Việc chọn sách giáo khoa đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. (Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn) |
Nhập cuộc như thế nào?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể tiêu chí để lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với địa phương. Tiêu chí phải: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Để có bộ tiêu chí này, Sở Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức hội thảo, góp ý xây dựng chi tiết, người tham gia cần phải có các Phòng Giáo dục và Đào tạo, đại diện các trường học tiêu biểu trên địa bàn; các giáo viên cốt cán; giáo viên có tâm huyết với nghề.
Khi có bộ tiêu chí, cần tổ chức hội thảo sách giáo khoa mới. Thành phần tham gia hội thảo này cần mở rộng về phạm vi, số lượng; người tham gia hội thảo có thể là thành phần dự kiến trong hội đồng chọn sách giáo khoa của mỗi trường.
Khi giáo viên, cán bộ quản lý đã được tham gia hội thảo có cùng tiêu chí, cùng quan điểm lựa chọn sách giáo khoa thì việc chọn sách sẽ khách quan và có tính thống nhất cao trong cả tỉnh.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thống kê lựa chọn của các trường, tổng hợp và báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ cần thống kê lựa chọn của các Phòng Giáo dục và Đào tạo, tìm ra bộ sách có nhiều lựa chọn nhất; giới thiệu bộ sách đó đến các trường; nếu trường nào chọn không đúng, có thể cân nhắc lại, chọn cho phù hợp.
Chọn lựa sách giáo khoa, những việc cần làm |
Trên cơ sở tôn trọng ý kiến địa phương; thế nhưng các trường cũng có thể xem xét lại để có lựa chọn phù hợp nhất cho địa phương mình.
Để đảm bảo khách quan, tránh lợi ích nhóm, “đi đêm” giữa nhà xuất bản với Sở Giáo dục và Đào tạo hay Phòng Giáo dục và Đào tạo, mọi thông tin cần minh bạch trên website của các Trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Một số địa phương đã thực hiện quy trình này, cụ thể Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu đã có công văn Số: 2367/SGDDT-MNTH, ngày 3/12 về việc dự hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, sau khi đã có cuộc họp với các lãnh đạo chủ chốt Phòng Giáo dục và Đào tạo, giáo viên cốt cán tiểu học các phòng Giáo dục và Đào tạo.
Nếu chúng ta đã có tiềm lực kinh tế, không phải cân nhắc tái sử dụng sách giáo khoa, chống lãng phí thì việc mỗi trường chọn một bộ sách giáo khoa nhiều khi là cơ hội để bộ sách giáo khoa tốt nhất có thể phát triển theo quy luật chọn lọc.
Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay, việc chọn sách giáo khoa để tránh lãng phí, tạo tiền đề cho việc chọn sách theo Luật Giáo dục mới; mỗi sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh cần thống nhất cao nhất về tiêu chí chọn sách của địa phương mình là một việc phải làm; nếu thống nhất cao, có thể mỗi sở Giáo dục và Đào tạo nên chọn một bộ sách lớp 1 trong năm học 2020 - 2021.