Vụ “lên mạng khoe đâm chết cụ già”:"Thế thôi là đủ chết rồi"

08/11/2011 06:29
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - “Cái xấu các em tự tìm, còn cái tốt không được hướng dẫn, thành ra chỉ biết có mỗi cái xấu…”.

Khi đọc được những thông tin về vụ một thanh niên “hả hê khi đâm chết cụ già” trên Báo Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia tư vấn tâm lý nổi tiếng trên chương trình “Cửa sổ tình yêu” – Ths.Đinh Đoàn đã nói rằng dù hành vi ấy có phải của thủ phạm hay không thì cũng là biểu hiện của một xã hội mà không ít giá trị sống bị lệch lạc.

Sau khi đọc những dòng comment của K.M.C.B, anh có cảm nghĩ gì, đặt trường hợp K.M.C.B đúng là người đâm chết cụ già và trường hợp thứ hai đây chỉ là kẻ giả danh thủ phạm?

Nhà Tâm lý học (TLH) Đinh Đoàn: Tôi không cố công tìm hiểu K.M.C.B là thủ phạm gây tai nạn hay người đi cùng thủ phạm, bởi dù đó là ai thì hành vi viết những dòng comment vô cảm, bạc bẽo ấy cũng gây nên sự bất bình, sự căm giận và cả những điều lớn lao cần suy nghĩ.

Vì sao những sự việc như vậy ngày càng xảy ra nhiều hơn?

Nhà TLH Đinh Đoàn: Lý do thì nhiều lắm, lối sống vừa khép kín, vừa rất mở của cuộc sống hiện đại; những bức xúc từ những điều tai nghe mắt thấy trong xã hội; lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa; việc chỉ chú trọng dạy kiến thức, ít chú ý đến giáo dục lối sống, tình cảm, đạo đức hoặc dạy theo lối sáo mòn, giáo điều; sự buông lỏng của gia đình trong việc quản lý con cái… đã dần dần tạo ra một bộ phận người nói cho sướng miệng, hành động thiếu suy nghĩ, không quan tâm tới việc mình làm có gây hậu quả xấu cho người khác ra sao. Sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng internet cũng góp phần giúp ta “thấy” nhiều hơn về thực trạng lối sống xã hội.

Từ vụ việc này, nhìn lại nhiều vụ việc khác nữa trong quá khứ sẽ thấy rõ rằng vấn đề xuống cấp đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên không còn là chuyện báo động nữa, mà nó đã trở thành sự thật rồi, bây giờ phải tìm ra các biện pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm.

Nhà TLH Đinh Đoàn: Chúng ta đang chỉ chú trọng dạy kiến thức, ít chú ý giáo dục lối sống
Nhà TLH Đinh Đoàn: Chúng ta đang chỉ chú trọng dạy kiến thức, ít chú ý giáo dục lối sống
Sự vô cảm, sự xuống cấp đạo đức trầm trọng của một bộ phận giới trẻ giống như một loại virus lây lan trên con người và tạo thành “dịch”. Theo anh thì chúng ta cần làm gì để tiêu diệt loại virus ấy và ngăn chặn “dịch bệnh” lây lan?

Nhà TLH Đinh Đoàn: Sao chỉ nói đến sự xuống cấp của giới trẻ? Vậy giới “không còn trẻ” thì tốt đẹp, trong sáng, đúng mực hết cả sao? Giới trẻ là tấm gương phản chiếu một phần nào đó lối sống của người lớn đấy chứ! Người lớn gây bạo lực với nhau, sao lại mong con trẻ ngoan ngoãn? Người lớn vô cảm, vô tâm cũng nhan nhản đấy thôi.

Tìm cách “chữa chạy” những thói xấu của giới trẻ mà quên uốn nắn, nhắc nhở ý thức của người lớn cũng giống như chữa bệnh chỉ chữa triệu chứng, mà không chữa căn nguyên, gốc rễ sinh bệnh. Người lớn làm gương sáng, có ý thức giáo dục từ trong gia đình đến trường học, chương trình giáo dục giảm bớt “dạy chữ”, tăng cường “dạy người” bằng các hoạt động thiết thực, không quá chú ý đến dạy kiến thức, kỹ năng sống mà phải giáo dục giá trị sống, bởi giá trị sống mới là động cơ thôi thúc hành động của con người.

Có ý kiến cho rằng, giới trẻ bây giờ tiếp cận với internet từ rất sớm, ở đó có cả cái tốt và cái xấu, mà thói đời thì học cái xấu nhanh hơn cái tốt, vì thế nên dễ bị hư hỏng. Nhưng cũng có ý kiến khác, hư hỏng chủ yếu do bố mẹ không dạy được con. Quan điểm của anh thế nào?


Nhà TLH Đinh Đoàn:
Lỗi không ở internet mà ở người sử dụng nó vào mục đích gì. Ngày nay khi nói đến internet là người ta chỉ nghĩ đến chat chít, phim ảnh đồi trụy, mà không nghĩ rằng không có internet một ngày, chắc nhiều người “khó sống”, bởi nó là công cụ đắc lực phục vụ cho học tập và công việc. Chương trình dạy tin học từ phổ thông chỉ dạy các thao tác kỹ thuật, chứ không dạy cách vào chỗ nào, tìm kiếm cái gì.

Ngay đến sinh viên đại học, nhiều em còn chẳng biết tìm kiếm một bài viết phục vụ cho bài tham luận hay luận văn của mình, đây là điều rất đáng buồn. Cái xấu các em tự tìm, còn cái tốt không được hướng dẫn, thành ra chỉ biết có mỗi cái xấu.

Còn đổ lỗi cho bố mẹ không dạy được con là oan cho họ. Họ không dạy con điều xấu bao giờ. Con cái lớn lên trở thành “người của xã hội”, chịu sự tác động của nhà trường, cộng đồng, xã hội là chính.
Theo Nhà TLH Đinh Đoàn, cần đào tạo lối sống cho trẻ nhiều hơn (Ảnh minh họa)
Theo Nhà TLH Đinh Đoàn, cần đào tạo lối sống cho trẻ nhiều hơn (Ảnh minh họa)
Theo anh thì vì sao một đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là trí thức (như ta thường gọi là gia đình có giáo dục) nhưng lớn lên vẫn hư hỏng, trong khi có những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình có bố mẹ tù tội vẫn trưởng thành và là người tốt?

Nhà TLH Đinh Đoàn: Như trên tôi nói, giáo dục gia đình chỉ đóng vai trò một phần trong hình thành nhân cách của trẻ. Đừng quên tố chất cá nhân của các các em và vấn đề giáo dục. Đặc biệt “gia đình có bố mẹ là trí thức” chưa hẳn là gia đình có cách giáo dục con tốt, một gia đình bố mẹ đều là nông dân hay những người lao động vất vả vẫn có thể là những “nhà giáo dục” tốt cho con bằng chính tấm gương của mình và lòng yêu thương, quan tâm tới con cái.

Khi chứng kiến những sự việc đau lòng như vậy (từ chuyện commet của K.M.C.B, trước đó là những bình luận “cổ vũ” sát thủ Lê Văn Luyện, học sinh hút thuốc lào nói xấu thầy cô giáo), dường như chúng ta mới chỉ lên án các hiện tượng ấy mà chưa tìm hiểu sâu xa nguồn cơn?

Nhà TLH Đinh Đoàn: Chúng ta có thói quen nhìn thấy ngay một vệt đen trên một tờ giấy trắng mà quên nhìn thấy cả một tờ giấy trắng thật to. Dù cho đây đó có một vài người có hành vi không đúng mực, nhưng ngay sau đó ta thấy có hàng ngàn comment phản đối, phẫn nộ, nhằm vào “đối tượng” để tuyên chiến, khiến “kẻ chủ mưu” phải nhục nhã, xẩu hổ mà tháo gỡ những dòng chữ vô cảm.

Đấy là tác dụng tích cực của mạng internet, bởi chính giới trẻ giáo dục lẫn nhau. Giả sử mấy người có suy nghĩ xấu, không “thổ lộ” trên mạng, chúng ta làm sao mà biết được, mà phản đối mạnh tới mức những người đó phải nhụt chí.

Điều thứ hai, tôi muốn nói rằng những lời bình phẩm, xúc phạm, thóa mạ thầy cô hay người lớn khác là cơ hội để “người trong cuộc” nhìn lại mình. Không dám vơ đũa cả nắm, nhưng những người bị các em “bêu xấu” không hoàn toàn vô can, vì một vấn đề bao giờ cũng có hai mặt.

Tất nhiên có một số em được gọi là hư, song lỗi không chỉ ở các em. Tuy nhiên, đó chỉ là những sự việc hy hữu, thực tế có nhiều trang mạng, bài viết ca ngợi tấm gương cảm động, hành vi cao đẹp của các thầy cô giáo tận tụy với nghề, công tâm trong đánh giá và thương yêu học trò.

Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, 70% những em vị thành niên vi phạm pháp luật, bạo lực với bạn, gây thương tích cho người khác là những em sinh ra trong gia đình ly tán, cha mẹ thiếu quan tâm, cha mẹ là những tấm gương mờ. Bạo lực đẻ ra bạo lực, yêu thương vẫy gọi yêu thương, không ít em là thủ phạm gây bạo lực cũng chính là nạn nhân của bạo lực. Quy luật tâm lý “tức nước vỡ bờ”, “giận cá chém thớt” mà.

Anh đã bao giờ nghe trực tiếp các bạn trẻ nói về những điều lệch lạc chưa? Nếu có thì anh giúp họ giải quyết vấn đề thế nào?


Nhà TLH Đinh Đoàn: Có, tôi đã từng nghe thấy những chuyện ấy. Họ nói về những điều lệch lạc, nhưng không nghĩ đó là lệch lạc, coi đó là “vui một tí” hay “chuyện bình thường”. Khi họ không biết đó là lệch lạc, tôi chỉ trò chuyện, khơi gợi để họ nhận ra điều đó không hay, rồi tự họ chỉnh sửa, chứ bản thân tôi không tự chỉnh sửa họ được!

Có ý kiến cho rằng, học sinh từ tiểu học đã phải học quá nhiều, nhưng giáo dục đạo đức cho chúng thì chưa được chú ý đúng mức. Quan điểm của anh về vấn đề này thế nào?

Nhà TLH Đinh Đoàn: Điều này đúng, người ta nói mãi rồi, tôi có nói thêm cũng là thừa thôi!

Nếu chúng ta không giải quyết triệt để được các vấn đề còn tồn tại về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận giới trẻ thì hệ lụy kéo theo là gì?

Nhà TLH Đinh Đoàn: Là xã hội lộn xộn, với những giá trị sống lệch lạc, là thờ ơ, ích kỉ, là bạc bẽo, là sống ngày nay không biết ngày mai, là tàn nhẫn… Thế thôi cũng đủ “chết” rồi.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Ngọc Quang (Thực hiện)