Sáng 9/12, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc tháng 12/2019.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Trung ương có các Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Nguyễn Đình Khương, Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: baohiemxahoi.gov.vn |
Tại điểm cầu các địa phương có lãnh đạo, đại diện các phòng Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố và giám đốc Bảo hiểm xã hội các huyện.
Chỉ tiêu số người tham gia Bảo hiểm xã hội hết tháng 11/2019 đã đạt 99,6%
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 11/2019, toàn ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Về số người tham gia: Toàn quốc có khoảng 15,065 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc (đạt 99,6% so với kế hoạch giao); 533 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện (đạt 113% kế hoạch giao); khoảng 13,193 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đạt 99,7% kế hoạch giao); 85,29 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (đạt 100,15% kế hoạch giao).
Toàn ngành đã thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 322.316 tỷ đồng (đạt 89,6% kế hoạch giao). Trong đó, thu Bảo hiểm xã hội 218.687 tỷ đồng, thu bảo hiểm thất nghiệp 15.522 tỷ đồng, thu bảo hiểm y tế 87.576 tỷ đồng.
Tổng số nợ Bảo hiểm xã hội phải tính lãi (từ 01 tháng trở lên) khoảng 7.286 tỷ đồng, bằng 2,03% so với kế hoạch thu được giao năm 2019.
Toàn ngành đã giải quyết 107.440 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng; 775.543 người hưởng trợ cấp 1 lần; 9.876.261 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khoảng 167,828 triệu lượt người; phối hợp với ngành Lao động-Thương binh và xã hội giải quyết 878.418 người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
11 tháng năm 2019, ngành Bảo hiểm xã hội tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai giao dịch điện tử đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, duy trì nghiêm túc việc tổ chức bộ phận “Một cửa” tại Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; vận hành có hiệu quả hệ thống “Một cửa điện tử” tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình thủ tục hành chính từ việc tiếp nhận hồ sơ đến thụ lý giải quyết, trả kết quả.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin qua điều chỉnh, nâng cấp hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ như: Kế toán tập trung; Xét duyệt chính sách; Quản lý thu, sổ thẻ; Quản lý tài khoản đầu tư tự động; giám định bảo hiểm y tế; Cấp mã số Bảo hiểm xã hội và quản lý bảo hiểm y tế hộ gia đình…
Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông chính thức khai trương Cơ sở dữ liệu chuyên ngành Bảo hiểm xã hội và kết nối hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua trục dữ liệu quốc gia phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi…
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh đánh giá, số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp toàn Ngành đã đạt so với kế hoạch, tiến độ đề ra; tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh, thành phố lớn, số nợ phải tính lãi vẫn ở mức cao.
Việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tuy đã có chuyển biến nhưng đang có dấu hiệu chững lại, nhất là Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Công tác kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại một số địa phương chưa tốt; việc thực hiện giám định trên Hệ thống thông tin giám định điện tử tại một số tỉnh, thành phố chưa đạt yêu cầu đề ra, kết quả từ chối thanh toán giám định theo các chuyên đề còn thấp, dẫn đến nguy cơ cao vượt dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được giao năm 2019.
Công tác rà soát, xử lý trùng dữ liệu, cấp mã số Bảo hiểm xã hội cho người tham gia tuy đã được tập trung triển khai thực hiện nhưng chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra…
Các đại biểu tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: baohiemxahoi.gov.vn |
Tham gia bảo hiểm xã hội mới đảm bảo cuộc sống khi về già
Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình - kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ 8, đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, đối với vấn đề an sinh xã hội, theo lộ trình, Việt Nam bắt đầu chuẩn bị cải cách tiền lương từ năm 2021.
Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 về tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giảm biên chế.
Ngoài nguồn tiết kiệm và tăng thu ngân sách, còn có một nguồn hết sức quan trọng là phải giảm được biên chế… Cùng với tăng lương cơ sở và cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ cũng cần quan tâm đến nhà ở cho người nghèo, đối tượng thu nhập thấp khi hiện vẫn còn 4.800 hộ chưa có nhà ở cần được Chính phủ xử lý.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị Chính phủ nên có tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 93 của Quốc hội về Bảo hiểm xã hội một lần.
Đại biểu dẫn số liệu, từ năm 2014 đến năm 2018, mỗi năm bình quân tham gia hệ thống Bảo hiểm xã hội của chúng ta là 1 triệu người nhưng số người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần trong 5 năm là 2,7 triệu người thì sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu bao phủ Bảo hiểm xã hộitoàn dân mà Nghị quyết 28-NQ/TW đã đặt ra.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi giải thích thêm, trong 2,7 triệu người hưởng Bảo hiểm xã hội thì có tới 93% mới đóng Bảo hiểm xã hội được dưới 10 năm thì rút ra khỏi bảo hiểm xã hội. Trong số 93% đó thì có tới 50% đóng Bảo hiểm xã hội được dưới 1 năm đến dưới 3 năm.
Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chúng ta cũng phải giải thích cho người lao động để người lao động biết cái lợi của việc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, thì đến khi về hưu, người về hưu mới có chính sách bảo đảm cuộc sống khi về già.
Khẳng định đây là vấn đề an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước chúng ta chăm lo cho người dân, không phải nhìn thấy cái trước mắt người dân khó khăn mà chúng ta thương, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị Quốc hội “không chỉ thương hiện tại mà thương cho cả lâu dài đối với người lao động”.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị, cần tiếp tục nâng mức hỗ trợ 30-25-10% để người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, phấn đấu đạt tốc độ tăng Bảo hiểm xã hội toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương đã đề ra.
Tại hội nghị sáng 9/12, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh yêu cầu toàn ngành trong tháng 12, các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần chung sức, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Mục tiêu của toàn Ngành là phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ như: phát triển đối tượng, tăng thu, giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Lĩnh vực công nghệ thông tin cần tập trung hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ, giải quyết các vướng mắc liên quan trong năm 2019; rà soát, xử lý dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế cấp trùng; hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số bảo hiểm xã hội; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng, trách nhiệm trong quản lý, khai thác, sử dụng các phần mềm nghiệp vụ cho công chức, viên chức toàn Ngành. Bên cạnh đó, toàn Ngành cần quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội ngắn hạn, trợ cấp một lần, chỉ trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở y tế, đảm bảo thực hiện thực hiện đúng dự toán được Chính phủ giao năm 2019; Thực hiện nghiêm túc việc giám định điện tử trên Hệ thống thông tin giám định kết hợp duy trì giám định trực tiếp tại cơ sở khám chữa bệnh; kịp thời phối hợp xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.. |